Bạn có bao giờ thắc mắc những tỷ phú lừng danh thế giới sẽ chọn cho mình cuốn sách như thế nào để làm kim chỉ nam? Khi Bill Gates lần đầu tiên gặp người bạn “chí cốt” Warren Buffett vào năm 1991, ông đã yêu cầu Buffett giới thiệu cho mình một cuốn sách kinh tế thật hấp dẫn.

Không cần suy nghĩ quá lâu, tổng giám đốc công ty Berkshire Hathaway đình đám ngay lập tức trả lời: Business  Adventures: Twelve Classic Tales From the World of Wall Street (Những cuộc phưu lưu trong kinh doanh: 12 câu chuyện kinh điển từ phố Wall) viết bởi John Brooks. Đây được coi là cuốn sách “gối đầu giường” của Warren Buffett.

Hơn 2 thập kỉ sau khi Warren giới thiệu cuốn sách đó cho tôi và hơn 4 thập kỉ sau khi cuốn sách được xuất bản, “Những cuộc phưu lưu trong kinh doanh” trở thành cuốn sách về kinh doanh hay nhất tôi từng đọc“, Gates chia sẻ trên blog cá nhân của ông vào năm 2014. “John Brooks chắc chắn mãi là nhà văn viết về kinh tế ưa thích của tôi”.

Thực sự, đây không phải là một cuốn sách tầm thường, tất cả những giáo sư, chuyên gia đều nên đọc nó dù chỉ một lần. Brooks đã từng làm cho tòa soạn The New Yorker, vào năm 1969, với tất cả những kinh nghiệm và tài năng của mình, ông khéo léo kể lại 12 câu chuyện có thật trên phố Wall đã từng xuất hiện trên tạp chí một cách có hệ thống để tạo nên cuốn sách số một này.

Gates chia sẻ: “Không giống như những tác giả viết về lĩnh vực kinh doanh ngày nay, Brooks không chỉ biết nói đến những bài học kinh nghiệm hay diễn giải đơn giản về thành công. Bạn sẽ không tìm ra bất cứ điều gì thiếu nhiệt huyết trong tác phẩm của ông. Brooks viết những bài rất dài, hình thành nên vấn đề, phân tích chúng đến một chiều sâu nhất định, giới thiệu tới độc giả một vài nhân vật thu hút và chỉ ra mọi thứ xảy đến như thế nào với họ”.

Trong khi môi trường kinh doanh thay đổi rất nhiều từ những năm 1960, nền tảng cơ bản để xây dựng một doanh nghiệp vững chắc không bao giờ thay đổi. “Cái nhìn sâu sắc của Brooks về kinh doanh đều vô cùng đúng đắn, thiết thực và có thể ứng dụng vào môi trường kinh doanh trong quá khứ hay hiện tại”.

Và bài học cốt lõi mà chúng ta có thể rút ra từ cuốn sách này là: “Nhân tố con người là thiết yếu trong mỗi nỗ lực kinh doanh nào”, theo tỷ phú Bill Gates, “Việc có một sản phẩm, một kế hoạch sản xuất hay một phương thức marketing hoàn hảo không phải là điều quan trọng nhất, tìm được những người phù hợp có thể lãnh đạo và thực hiện những kế hoạch này mới là cần thiết hơn cả”.

Và cuốn sách kinh điển được hai nhà tỷ phú hàng đầu thế giới ưa thích còn để lại 5 bài học quý giá không lỗi thời sau đây:

1. Bài học kinh doanh từ 1962 Flash Crash

Sự sụt giảm giá cổ phiếu một cách “kinh hoàng” chỉ trong 20 phút vào ngày 28/5/1962 đã gây chấn động giới đầu tư. Một số cổ phiếu rớt giá 9% chỉ trong vòng 12 phút. Người ta cố gắng tìm ra nguyên nhân nhưng đã không có một lời giải thích xác đáng.

Bài học kinh nghiệm từ trường hợp này: Con người, từ bản chất là cực kỳ cảm tính và phi lý trí trong cách hành xử. Trong suốt khoảng thời gian 3 ngày, mọi nỗi lo lắng và sợ hãi từ những nhà chơi cổ phiếu đã khiến thị trường chứng khoán “vuột mất” 20 tỉ đô-la, và sau đó lại “huy hoàng” trở lại chỉ một ngày sau đó. Có thể thấy, mọi việc diễn ra trên thực tế đều không hấp dẫn như những gì não bộ và trí óc con người mường tượng và mong muốn.

2. Để cái tôi lấn át là thảm họa, bài học từ Ford Edsel fiasco

Đây cũng là ví dụ mà Bill Gates rất tâm đắc. Chiếc xe Ford Edsel vẫn được nhắc đến như một trong những sản phẩm thảm họa nhất trong lịch sử Ford Motor.

Khi đó, giám đốc điều hành của công ty quyết định chế tạo sản phẩm nhắm đến đối tượng trung lưu tại Mỹ. Họ đầu tư 2 năm công sức cho thiết kế và tiếp thị để cho ra sản phẩm này. Nhưng sau tất cả những nghiên cứu và thử nghiệm, ban giám đốc vẫn làm những điều mà cá nhân họ muốn. Họ cố làm hài lòng mọi người thay vì tập trung vào thương hiệu. Ford tung ra mẫu xe Edsel năm 1957 với 18 phiên bản nhưng không một phiên bản nào nhắm đến một đối tượng cụ thể. Kết quả, dòng thiết kế này trở thành thảm họa và là “điểm chết” trong lịch sử kinh doanh của Ford Motor.

Bài học: Hãy chú ý đến thị trường, và hiểu rằng nhu cầu và kỳ vọng của khách hàng có thể thay đổi rất nhanh. Việc để mắt tới sự thay đổi của đám đông rất quan trọng. Khi Ford lơ là, nhu cầu của giới trung lưu đã “nhảy” ra khỏi tầm kiểm soát của công ty, và kết quả, những mẫu xe họ sản xuất sau này đã ở “lưng chừng” trong khoảng mong muốn của khách hàng.

3. Hệ thống thuế của Mỹ: Thay đổi là cần thiết để tạo ra những điều tốt đẹp hơn  

Đôi khi, giải pháp tốt nhất là loại bỏ những điều cũ kỹ, không có khả năng phát triển. Qua nhiều năm, hệ thống thuế của Mỹ trở nên vô cùng phức tạp, rối bòng bong, tham nhũng và đầy kẽ hở, khiến cho hệ thống kém hiệu quả. Giải pháp tốt nhất để cứu vãn tình thế là “đập đi xây lại”.

4. Bài học từ thành công của “rollercoaster” Xerox

Đừng bao giờ tin vào sự thành công trong chớp nhoáng vì nó thiếu đi sự bền vững. Không ai từng kỳ vọng một chiếc máy photocopy sẽ đem lại lợi nhuận khủng cho Xerox vào năm 1959, chỉ đến năm 1964, doanh thu từ sản phẩm này vượt cả sự mong đợi đến mức công ty có thể trích ra một khoản 4 tỉ đô-la để hỗ trợ Liên Hợp Quốc. Thế nhưng, thành công “bong bóng” này nhanh chóng bị sụp đổ khi vào năm 1965, Xerox gặp rắc rối: trong lúc họ mải mê với việc làm từ thiện, gây dựng hình ảnh thì đối thủ cạnh tranh đã vượt qua họ từ lúc nào.

5. Bài học từ sự thất bại trong đầu tư của Piggly Wiggly

Trả thù không bao giờ là một chiến lược ngọt ngào và chắc chắn rằng bạn sẽ không được nhận lại những gì bạn muốn. Để dạy những cổ đông và các nhà đầu cơ tinh quái của mình, ông chủ của Piggly Wiggly đã gắng sức mua lại tất cả những cổ phiếu của ông từ tay họ. Và cuối cùng, cái ông nhận được là một công ty bên bờ vực phá sản.

Nguồn ảnh: Internet

Thiện Phong (tổng hợp)

Xem thêm: