Tuy chỉ là những câu chuyện khá đơn giản trong cuộc sống, nhưng nhiều bậc cha mẹ đọc xong cũng giật mình vì thấy bản thân mình trong đó.

Đã bao lâu rồi bố mẹ không thể vui chơi với con vài ba giờ mà không ngó ngàng đến cái smartphone kia? Đã bao lâu rồi bố mẹ ngồi đọc cho con nghe một câu chuyện trong sách? Và đã bao lâu rồi bố mẹ ngồi nói chuyện, hỏi han con về những điều con mong muốn, những điều con ước mơ, suy nghĩ?

Hai câu chuyện về điều ước của những đứa trẻ ngây thơ dưới đây khiến nhiều bậc phụ huynh suy ngẫm.

“​Con ước biến thành chiếc điện thoại để được bố mẹ yêu thương”

Theo Rocketnews24, bài văn nói về ước mơ của một học sinh tiểu học mong biến thành chiếc điện thoại thông minh để được bố mẹ yêu thương hơn đã gây xúc động mạnh tại Nhật Bản.

“Sau bữa tối, một cô giáo tiểu học bắt đầu chấm bài cho học sinh. Chồng cô ngồi bên cạnh, dán mắt vào màn hình điện thoại di động, cố gắng phá vỡ kỷ lục trò Candy Crush Saga. 

Khi chuẩn bị kết thúc công việc, người vợ chợt thấy một bài làm không may bị bỏ sót với nội dung: ‘Ước mơ của em là biến thành một chiếc điện thoại thông minh vì bố mẹ em thực sự rất yêu chiếc smartphone của họ. Mẹ và bố chỉ chú ý tới điện thoại thôi, và đôi khi họ quên tất cả mọi chuyện về em.

Ảnh minh hoạ (nguồn: Eva).

Khi bố mẹ mệt mỏi về nhà sau giờ làm việc thì đều dành thời gian cho điện thoại của mình, mà không phải cho em. Ngay cả khi mẹ hay bố đang làm việc gì đó quan trọng, nếu điện thoại của họ đổ chuông dù chỉ một hồi thôi, họ sẽ cầm máy nghe ngay. Nhưng họ đã không làm như thế với em, ngay cả khi em đang khóc.

Mẹ và bố em chơi game trên điện thoại di động của họ chứ không chơi với em. Khi họ nói chuyện với ai đó qua điện thoại, dù em có chuyện gì đó rất muốn nói thì họ cũng xua tay bảo em đi chỗ khác. Đó là lý do vì sao em mơ ước là chiếc smartphone. Vì khi đó có lẽ bố mẹ sẽ yêu em nhiều như những chiếc điện thoại của họ’.

Người vợ đọc bài văn trong nước mắt. Người chồng hỏi có chuyện gì đã xảy ra, chị đưa anh xem bài văn. Anh đọc ngay và hỏi học sinh nào đã viết bài văn đó.

Chỉ tới lúc ấy người vợ mới nhận ra chỗ để của bài văn ‘thừa’ này. Nó đã được nhét vào đó lúc nào mà chị không để ý. Chị trả lời chồng: “Không phải học sinh nào của em đã viết. Đó là con trai chúng ta'”.

Đôi khi cha mẹ cho rằng con trẻ không mấy để tâm quan sát, hoặc chẳng hiểu gì khi quan sát họ. Nhưng thực sự trẻ rất nhạy cảm, chúng sẽ nhận ra trước tiên cảm giác bị phớt lờ, nhất là khi những người “bỏ quên” chúng lại chính là cha mẹ.

Đứa trẻ trong câu chuyện đã phát hiện ra lúc mẹ chữa bài tập cho học sinh chính là cơ hội tuyệt vời nhất để cậu bé có thể chen vào tâm trí mẹ.

“Mẹ thương điện thoại hơn con”

Câu chuyện “Mẹ thương điện thoại hơn con” được đăng tải trên báo Phụ nữ online khiến nhiều người đọc suy ngẫm, đặc biệt là những người mỗi ngày đều khó rời khỏi chiếc điện thoại “yêu quý” của mình.

“Con trai 8 tuổi nhiều lần nói: ‘Con không đi học để mẹ khỏi ôm điện thoại kiếm tiền’. Vài lần đầu thì tôi cho rằng con làm nũng, mẹ trăm công ngàn việc thế này, cái ăn cái mặc, học hành, mua đồ chơi cho con, con bệnh cần uống thuốc, mẹ con ta đi du lịch… đều nhờ chiếc điện thoại mà ra thì làm sao mẹ bỏ điện thoại được.

Đó là tôi bao biện cho chứng ‘nghiện’ smartphone của mình, chứ công việc của một nhân viên trực điện thoại cho công ty trà thảo dược không đến nỗi lúc nào cũng phải kè kè điện thoại như thế.

Rồi con tôi khóc to: ‘Vậy thì Bo không ăn, không đi học, bệnh không uống thuốc, cũng không cần đi du lịch để mẹ không phải ôm điện thoại kiếm tiền nữa! Bo chỉ cần mẹ chơi chung thôi’. Nhưng… tôi biết chơi gì với con trai khi bé hết đòi… đấu võ tới ráp siêu nhân.

Chán lắp ráp thì thi hát, con một câu trước và ngừng ở chữ nào thì mẹ bắt nhịp câu sau liền với chữ con vừa dứt. ‘Nếu mẹ không tìm được từ của bài hát thì mẹ đọc thơ cũng được, miễn sao hợp với bài hát’, con gợi ý. Vậy mà tôi uể oải tham gia được mười phút rồi cũng chán vì cảm giác cứ bồn chồn không biết bạn bè đã like, đã comment dòng trạng thái của tôi chưa. Không biết khách có nhắn tin cho công ty không? Trả lời tin nhắn muộn sẽ bị chủ rầy rà. À còn mấy câu slogan cho sản phẩm vẫn chưa soạn xong.

Vậy là lại bấm vuốt vuốt cái điện thoại, mặc con giận hờn buồn bã: ‘Mẹ lại thương điện thoại hơn Bo rồi’.

Dần dà tôi phát hiện, con đi học về không còn líu lo với mẹ nữa, cứ đi thẳng vào phòng, lấy quần áo tắm xong thì bật tivi, mở tủ lạnh lấy bánh ăn là xong. Căn nhà im lặng hẳn khiến tôi cảm thấy thoải mái vì tha hồ lướt Facebook. Tới bữa không còn í ới con nhặt rau, cắt hành, mẹ chiên xào thơm nức mũi nữa mà đã có quán ăn giao tận nhà.

‘Ơ này… sao mấy nay con sơn ca của mẹ không hót vậy ta?’. Bất chợt thèm nghe tiếng nói con, tôi hỏi mà mắt vẫn không rời điện thoại. ‘Con sơn ca đó bị mẹ bỏ rơi rồi, nên nó không hót nữa’. Câu trả lời của con làm tôi hoảng hốt.

Quăng điện thoại, bước qua salon ôm con thật chặt, lại điệp khúc: ‘Mẹ bận mà… điện thoại là cơm là áo…’. ‘Hu… hu… Bo đã nói Bo không cần ăn, không cần mặc, không cần đi học, bệnh không cần thuốc… Bo chỉ cần mẹ thôi mà. Điện thoại và Bo ai quan trọng hơn với mẹ?’. Cu con ngã vào lòng mẹ khóc lu loa khiến mẹ cũng rơi nước mắt.

Những lời thơ trẻ của con sao đáng yêu đến lạ. Tôi nhất quyết phải cai điện thoại ít nhất sáu mươi phút trong ngày để cùng con tung tăng dọc quãng đời thơ trẻ. Nếu không sẽ phải hối hận nhiều điều vì đã để con bơi một mình trong dòng cảm xúc tuổi thơ mà không có mẹ đi cùng. Lau mặt cho con, tôi hứa từ nay sẽ bỏ hẳn điện thoại một tiếng kể từ khi con đi học về, để nghe con kể chuyện trường lớp, để nghe con hát và mẹ con cùng nấu ăn. Con bật dậy ‘ồ dze! Người lớn không được nuốt lời nha mẹ! Ai nói dối là cái mũi dài ra đó'”.

Đúng vậy, ngay cả khi các bậc cha mẹ không cố tình làm tổn thương con hoặc không nhận ra tác hại trong những việc họ đang làm, thì sự xa cách vô hình của cha mẹ sẽ để lại vết sẹo tinh thần, làm tổn thương trẻ trong suốt quãng thời gian sau đó.

Thời đại công nghệ dường như không thể thiếu điện thoại, và hơn thế nữa điện thoại là cơm áo gạo tiền của nhiều gia đình. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh nên cân bằng sắp xếp thời gian nhiều hơn để chơi và ở bên con. Bởi, để thay đổi được con cái thì phụ huynh cần phải thay đổi bản thân mình trước đã.

Video xem thêm: Tình cờ đọc nhật ký của cha, trái tim tôi đau nhói

videoinfo__video3.dkn.tv||180e97657__