Ngồi xuống và ăn tối cùng nhau, thói quen tưởng đơn giản nhưng mang lại rất nhiều lợi ích cho các thành viên trong gia đình. 

Trong suốt 2 thập kỷ qua, rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc các thành viên gia đình dùng bữa cùng nhau mà không “dán mắt” vào màn hình TV, dành thời gian tương tác với những người còn lại có thể giúp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần. 

Dưới đây là những lợi ích của bữa cơm gia đình dưới góc nhìn của những nhà khoa học.

1. Giúp trẻ có thói quen ăn uống lành mạnh

Một nghiên cứu gần đây trên AMA Network Open cho thấy những người dùng bữa với gia đình thường có chế độ ăn lành mạnh hơn (đặc biệt là ở thanh thiếu niên).

Những bạn trẻ ăn cùng gia đình có xu hướng ăn nhiều rau và hoa qua, ít đồ ăn nhanh và đồ uống có đường. Theo nghiên cứu, điều này đúng với cả những gia đình hạnh phúc hoặc gia đình có mâu thuẫn trục trặc. 

2. Giảm nguy cơ căng thẳng tâm lý

Theo bản đánh giá năm 2015 của một nhóm nghiên cứu người Canada, thường xuyên dùng bữa với gia đình giúp giảm nguy cơ về rối loạn ăn uống, sử dụng rượu và chất gây nghiện, các hành vi bạo lực, trầm cảm và suy nghĩ tự tử ở thanh thiếu niên. Đặc biệt, các thiếu nữ được hưởng lợi rất nhiều từ những bữa ăn gia đình. 

Những thanh thiếu niên trong giai đoạn phát triển có thể sẽ gặp rất nhiều vấn đề về tâm lý. Dù chỉ là bị bạn chê bai hay lịch học căng thẳng ở trường cũng có thể tạo nên xáo trộn tâm lý đối với các em, vậy nên cùng cha mẹ dùng bữa là một cách tuyệt vời để giải tỏa stress hay chia sẻ những suy nghĩ và vấn đề của bản thân. 

Ảnh minh họa: Pablo Merchán Montes / Unsplash.

3. Giảm nguy cơ béo phì 

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nhi khoa (Journal of Pediatrics) cho thấy thanh thiếu niên (đặc biệt là ở thiếu niên da màu) thường xuyên dùng bữa cùng gia đình có xu hướng giảm nguy cơ béo phì và cân nặng trong 10 năm tiếp theo.

Nghiên cứu kết luận rằng các gia đình nên cố gắng duy trì ít nhất một hoặc hai bữa ăn cùng nhau mỗi tuần để bảo vệ con cái họ khỏi các vấn đề liên quan đến cân nặng trong cuộc sống sau này. 

4. Bữa cơm gia đình giúp nâng cao lòng tự trọng ở trẻ

Theo các chuyên gia tại Stanford Children Health, hệ thống chăm sóc sức khỏe nhi khoa liên kết với Trường Đại học Y Stanford và Đại học Stanford, thường xuyên dùng bữa với gia đình khiến trẻ cảm thấy an toàn và tự tin hơn. 

Bằng cách khuyến khích con nói về những điều xảy ra trên trường và lắng nghe thực lòng, bạn cho con thấy bạn tôn trọng đứa trẻ. Bạn cũng nên khuyến khích trẻ tự chọn chỗ ngồi và giúp đỡ một số công việc như dọn cơm, bưng bê hoặc lau dọn.   

5. Cải thiện kỹ năng giao tiếp 

Một nghiên cứu ở Canada năm 2018 đã quan sát một nhóm trẻ từ khi các em vừa chào đời đến khi bắt đầu nhận thức về cuộc sống.

Kết quả cho thấy những em nhỏ có bữa cơm ấm cúng cùng gia đình lúc 6 tuổi sẽ có những biểu hiện tích cực lúc 10 tuổi. 

Bên cạnh lợi ích về sức khỏe và thể lực nói chung, sự tương tác và thảo luận về các vấn đề xã hội hiện tại trên bàn ăn giúp trẻ giao tiếp tốt hơn, theo giáo sư Linda Pagani, giám sát viên của nghiên cứu, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với tờ Science Daily .

Ảnh minh họa: National Cancer Institute / Unsplash.

6. Giúp trẻ bảo vệ bản thân khi bị bắt nạt trên mạng

Nghiên cứu được công bố trên JAMA Pediatrics, dựa trên khảo sát gần 19.000 sinh viên, cho thấy những lời thóa mạ, quấy rối và tấn công trên mạng có thể dẫn đến lo lắng, trầm cảm và lạm dụng chất gây nghiện.

Tuy nhiên, những bạn trẻ thường ăn tối với gia đình ghi nhận ít vấn đề hơn khi bị bắt nạt. Các tác giả nghiên cứu lưu ý rằng thường xuyên liên lạc, giao tiếp giúp cha mẹ hướng dẫn con cái nhiều hơn, con cái cũng dễ dàng cởi mở tâm sự với cha mẹ.  

Ngoài những lợi ích trên, bữa cơm còn là cơ hội tốt giúp các thành viên trong gia đình thể hiện sự quan tâm chia sẻ với nhau, giúp mọi người hiểu và thương yêu nhau hơn, tăng sự gắn bó của các thành viên trong gia đình. 

Nguồn tham khảo: Parents

Video xem thêm: Vì sao Nguyễn Trãi dạy con: “Áo mặc miễn là cho cật ấm; Cơm ăn chẳng lọ kén mùi ngon”?

videoinfo__video3.dkn.tv||dcf466139__