Hôm nay người chồng đi làm đến tối muộn mới về đến nhà, vừa tới nhà đã nhìn thấy cậu con trai 8 tuổi nước mắt lưng tròng không nói một lời, còn vợ mình thì đang đứng bên cạnh mặt mày cau có.

Anh cất tiếng hỏi: “Có chuyện gì vậy?”

Người vợ: “Anh hỏi đứa con trai ngoan của anh đi, chỉ biết làm theo những cái xấu!”

Cô bé 5 tuổi nhà hàng xóm đang đứng bên cạnh vẻ mặt khó hiểu đang nhìn chằm chằm vào cậu bé để xem xét, người bố mỉm cười nói với bé gái: “Bác có chuyện phải nói với anh bé, cháu có thể về nhà trước được không?”

Cô bé gật đầu rồi nhanh như chớp chạy về nhà, người bố tiếp tục hỏi: “Con nói cho bố biết, hôm nay có chuyện gì xảy ra thế?”

Cậu con trai bắt đầu kể một hồi dài: “Hôm nay sau khi tan học, con đang đi trên đường về nhà, thì có một chiếc xe tải dừng lại hỏi con đường đi đến trạm xăng dầu, con bảo họ cho con 5 USD con mới dẫn đi…”

Mẹ cậu bé vừa nghe đến đây đã nhịn không được mà cất lời: “Đầu tuần thầy giáo đưa con về nhà, có phải là con cũng nên trả cho thầy 5 USD không? Tùng Tùng hôm thứ tư tới nhà giúp con học bài, có phải là con cũng nên trả cho Tùng Tùng 5 USD không? Con lần trước ở cửa hàng muốn đi vệ sinh, một chú đã nhường cho con đi nhà vệ sinh trước, vậy có phải con nên trả chú tiền không? Đúng thật là…”

“Cái tính nóng nảy này của em vẫn không sửa được”. Người bố có chút tức giận: “Con còn chưa nói xong! Hãy kiên nhẫn, kiên nhẫn nghe đi được không?”

“Chú đó nói: xe của chú đã hết xăng, nhưng bố thường hay bảo con là hàng ngày trên đường đi học hay về nhà phải cảnh giác với những chiếc xe đột nhiên dừng lại, cho nên con lúc ấy rất căng thẳng”

Người cha gật đầu, cậu bé nói tiếp: “Lúc đó con đứng dưới xe cũng băn khoăn khó xử, không biết có nên dẫn họ đi không vì đường cũng hơi xa, chú kia lại nói là đã đi tìm trạm xăng dầu mất nửa giờ rồi mà không thấy, nên bộ dạng rất sốt ruột, còn bảo con mau lên xe nhanh đi. Con thấp quá nên không nhìn được bên trong xe, do đó mới cố ý bảo chú ấy phải cho con 5 USD, con mới chịu dẫn họ đi, chú ấy bèn đồng ý. Lúc chú ấy lấy tiền, con mới tranh thủ víu vào cánh cửa xe để nhìn vào bên trong, ngoài lái xe ra, bên trong còn ba người đàn ông mặc áo lót để lộ ra cả hình xăm, con còn nhìn thấy đèn cảnh báo mức dầu không sáng, con nghĩ mình rất có thể gặp phải những người bắt cóc, cho nên lúc đó tim con đập mạnh rồi con nhảy xuống chứ không lên xe đi cùng họ, chỉ đứng dưới đường chỉ cho họ đường đi như nào, vì sợ họ bắt lên xe nên con đã chạy thật nhanh”.

Người bố nghe xong tỏ vẻ hài lòng, còn mẹ thì cảm thấy có chút hổ thẹn, thật là đúng như người ta hay nói: “Trong nhà con cái là không thể thiếu cha”.

Câu chuyện đến đây vẫn chưa xong, đến đêm trước lúc ngủ, người chồng hỏi: “Em có biết tại sao con luôn không muốn nói chuyện với em không?” Người vợ lắc đầu.

Thứ nhất là em không tôn trọng con

Trong khi trẻ con hàng xớm đang ở nhà mình, em lại răn dạy con ngay trước mặt người ngoài, khiến cho lòng tự trọng của con bị tổn thương, làm con xấu hổ trước mặt người khác thì làm sao con có thể nói ra được chứ?

Thứ hai là em không kiên nhẫn với con

Khi con đang nói cũng cần phải tôn trọng, đang nói thì em lại chen vào, chứng tỏ em không kiên nhẫn, những lời nói đó chỉ là cảm xúc phẫn nộ phát tiết ra chứ không phải lời dạy bảo, cho nên lần sau em cần nghe con nói xong rồi hãy nói.

Thứ ba em không đủ khách quan

Nếu như không gặp phải nhóm bắt cóc trẻ con đi nữa, việc con chỉ dẫn đường cho người khác và yêu cầu được trả tiền, xét về góc độ trẻ con thì đó cũng là một giao dịch của chúng, nhưng chúng ta lại cho rằng đó là con đi lừa bịp người khác, xem ra là khía cạnh quan điểm không đúng, chúng ta nên nghe con giải thích hết rồi hãy góp ý.

Thứ tư là em bắt buộc con làm việc tốt

Chúng ta chỉ nên cổ vũ khuyến khích con làm việc tốt chứ không nên ép buộc con, giả sử nếu như em đang đi trên đường, đột nhiên có người lôi kéo em đi quyên góp tiền từ thiện, chắc hẳn là em cũng sẽ không muốn đi đúng không?

Theo NTDTV

Mai Trà biên dịch

Xem thêm: