Những ngày này, các hộ dân tại thôn Cà La (xã Ba Dinh, huyện Ba Tơ) thay vì chuẩn bị mua sắm hoa, gói bánh… để đón Tết, họ phải ra cánh đồng làng dựng chòi tạm để ở. Trong khi đó, nông dân xã Hải Yang (huyện Đăk Đoa, Gia Lai) như “ngồi trên chảo dầu” vì cơ sở thu mua nông sản của ông Phạm Quốc Trung vỡ nợ 15 tỷ.

Oằn mình gánh Tết trên vai

Cận Tết, cánh đồng hoa tại xã Quang Trung (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) không chỉ tấp nập người mua kẻ bán, mà ở đó có rất nhiều lao động khắp tỉnh thành đổ về xin việc làm, kiếm tiền trang trải khi Tết đến – Xuân về.

Buồn vui những phận người trước Tết
Nhiều nhóm nhân công ở các tỉnh đổ về vùng trồng hoa để kiếm việc làm.(Dẫn ảnh: thich.com)

Những lao động này được chủ vườn ký hợp đồng bốc vác, chăm sóc cây với mức thù lao 200.000 đồng/ngày. Công việc của họ di chuyển những chậu hoa lên xe tải cho khách hàng cũng khá nặng nhọc. Việc bốc vác ở đồng hoa diễn ra từ 5h-17h mỗi ngày. Ban đêm, nhiều người còn tăng ca đến 21h để kiếm thêm thu nhập. Một nông dân cho biết, trời nắng nóng, họ phải vác trên vai chậu hoa khi vài ki-lô-gam, khi cả trăm ki-lô-gam nhưng ai cũng chăm chỉ làm việc.

Buồn vui những phận người trước Tết
Họ phải oằn mình vác hoa từ sáng tới chiều lấy 200.000 đồng tiêu Tết. (Dẫn ảnh: thich.com)

Anh Kim Linh (40 tuổi, Trà Vinh) gắn bó với việc vác hoa Tết nhiều năm cho hay, gia đình anh nghèo nên phải gửi con cho ông bà ở quê nuôi nấng để 2 vợ chồng lên Đồng Nai tìm việc làm. Anh cầm hồ sơ xin việc đi khắp các khu công nghiệp, nhưng không nơi nào nhận đành về đồng hoa xin bốc vác.

Còn anh Kim Công (Trà Vinh) nói rằng, gia đình ở quê có hoàn cảnh khó khăn nên cận Tết anh gắng bốc hoa thuê để kiếm tiền. “Mình còn trẻ nên cố gắng làm càng nhiều càng tốt. Hôm nào nhận được tiền, tôi gửi về cho ba mẹ ăn Tết”, anh Công nói.

Buồn vui những phận người trước Tết
Những người lớn tuổi, sức khỏe yếu vẫn phải vác chậu hoa lớn đè nặng trên vai (ảnh: Zing).

Công việc nặng nhọc nhưng lúc nghỉ giải lao, những lao động lại quây quần bên nhau nói đủ thứ chuyện. Đôi khi họ quên nỗi vất vả, nghèo khó, chờ đến ngày được cầm những đồng tiền “mồ hôi nước mắt” về đoàn tụ gia đình những ngày Tết.

Ngậm ngùi đón Tết giữa đồng

Những ngày này, các hộ dân tại thôn Cà La (xã Ba Dinh, huyện Ba Tơ) thay vì chuẩn bị mua sắm hoa, gói bánh… để đón Tết, họ phải ra cánh đồng làng dựng chòi tạm để ở vì nhà bị núi đề sập.

Buồn vui những phận người trước Tết
Người dân bị núi lở vùi mất nhà phải mang đồ đạc, vật dụng ra chòi tạm tại cánh đồng đón Tết.

Sự việc xảy ra vào giữa tháng 11/2017, ngọn núi ở sau nhà dân bất ngờ lở, ập đất đá xuống. Vụ sạt lở khiến 3 gia đình ở thôn Cà La bị vùi lấp và sập nhà hoàn toàn, 6 ngôi nhà khác nguy cơ bị vùi lấp. Ngoài ra, còn có 3 hộ khác của xã Ba Dinh cũng nằm trong diện phải di dời do nguy cơ núi lở vùi lấp. Trong đó, gia đình anh Phạm Văn Tút có vợ và con bị thương, ngôi nhà cũng bị vùi lấp. Vì chưa có hỗ trợ từ địa phương nên từ đó đến nay, không riêng gì vợ chồng anh Tút mà nhiều hộ khác cũng phải ra cánh đồng dựng chòi tạm để ở.

Đại lý nông sản vỡ nợ 15 tỷ, Tết bỗng vời xa

Hoàn cảnh của những người dân lao động ở Đồng Nai, Quảng Nam vẫn còn may mắn khi họ vẫn có thể đón Tết. Còn đối với hàng chục hộ dân tại xã Hải Yang (huyện Đăk Đoa, Gia Lai) những ngày cận Tết như “ngồi trên chảo dầu” vì thông tin cơ sở thu mua nông sản của ông Phạm Quốc Trung (45 tuổi, thôn 1) vỡ nợ 15 tỷ. Nhiều người dân đã kéo đến nhà ông Trung để yêu cầu trả nợ nhưng không nhận được tiền.

Một hộ dân cho biết, gia đình ông Trung thu mua nông sản và làm trụ tiêu. Ông Trung kinh doanh nhiều năm nay và có uy tín trên địa bàn nên nhiều người tin tưởng và cho ông Trung mượn tiền. Đến nay ông Trung cũng không chạy nợ, không bỏ đi khỏi địa phương mà vẫn cam kết với người dân sẽ trả dần trong thời gian tới.

Buồn vui những phận người trước Tết
Tờ giấy viết tay đơn giản dùng để mượn hàng trăm triệu đồng khiến nhiều người dân có nguy cơ mất hàng tỷ đồng cho vay. (Dẫn ảnh: Dân Việt)

Theo Dân Trí, người ít nhất cũng vài chục triệu đồng, người nhiều nhất cũng vài tỷ đồng. Trong số những người tham gia ký gửi, ông Đỗ Đức Lợi (thôn 3, xã Hải Yang) bị thiệt hại nặng nhất. Ông Lợi cho biết: “Tôi cho vợ chồng ông Trung vay 4 tỉ đồng để đáo hạn ngân hàng, còn lại là ký gửi 20 tấn cà phê và 2,6 tấn hồ tiêu chưa chốt giá… Chỗ ông Trung hứa trả nhưng chưa biết khi nào, đến nay thời gian nợ đã được 10 tháng. Giờ cận Tết không biết làm sao cả, ông Trung có đưa tôi 10 triệu cầm ăn Tết”.

Tổng số tiền ông Trung nợ của 20 người dân là khoảng 15 tỷ. Ông Trung không tuyên bố vỡ nợ mà cho biết làm ăn thua lỗ nên chưa thể trả nợ. Vừa qua trên địa bàn huyện Đăk Đoa cũng xảy ra 2 vụ vỡ nợ liên quan đến ký gửi nông sản với số tiền trên dưới 10 tỷ đồng.

An An