Chẳng ai biết được ngày mai mình sẽ ra sao, như câu chuyện của ông Nguyễn Hữu Phước, sinh năm 1959 ngụ ở Tân Mỹ, Q7, TP.HCM. Thời trước vốn là thông dịch viên 3 thứ tiếng với một cuộc sống vương giả, giờ đây hàng ngày đi lượm ve chai nuôi cháu ngoại.

Sau khi từ Campuchia trở về, ông Phước mua được 2 căn nhà mặt phố thuộc khu đất đắt đỏ ở quận 7, TPHCM. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau ông bị tai biến phải nhập viện. Sau 5 tháng hôn mê, ông Phước tỉnh dậy và đối diện với một sự thật ông không bao giờ có thể ngờ được.

Để lo tiền chạy chữa cho ông, vợ ông đã đem bán hết nhà cửa, ngày đêm túc trực bên cạnh lo chăm sóc cho ông. Đau đớn hơn, cũng vì người vợ bận mải bên ông, cô con gái của ông bà bị gã hàng xóm giở trò đồi bại, rồi mang thai khi mới chỉ 14 tuổi.

Trước biến cố lớn của cuộc đời thay đổi chỉ trong chớp mắt, ông Phước dường như không thể tin được điều đang xảy ra với mình. Tuy nhiên, việc cô con gái của ông bà bỏ đi biệt tích và sự xuất hiện cô cháu gái Lucy khiến ông tin đây là số phận cuộc đời mình.

Nỗi đau lại đến đè nén ông thêm lần nữa, khi vợ của ông bị tai nạn và không phục hồi được sức khỏe hoàn toàn. Người ta nói rằng, trong gian khó con người có 2 sự lựa chọn, hoặc đau đớn bi lụy mà ngày thêm tàn yếu hoặc là chấp nhận sự thật và làm lại từ đầu. Ông bà chọn cách thứ 2, chấp nhận sự thật cay đắng và tiếp tục làm lại cuộc đời. Hàng ngày, vợ ông đi bán vé số, còn ông thì đi lượm ve chai.

Cố gắng nhấc đôi chân từng bước chậm rãi đẩy chiếc xe băng qua những con hẻm ngoằn nghèo, chiều nào cũng đều đặn đúng 5 giờ, một ông già và một đứa trẻ lại sửa soạn hành trang lên đường. Những vật dụng trên chiếc xe mưu sinh của hai ông cháu bao gồm một cây dù được cố định để che mưa, một giỏ nhựa đựng bình nước mía, và sữa cho Lucy. Hành trình của 2 ông cháu kéo dài khoảng hơn 4 tiếng đồng hồ, những chỗ đến thường là những chỗ quen lâu nay, hôm nào có ve chai thì họ chủ động mang ra xe cho ông cháu. Đi khoảng 15 phút ông lại ngồi nghỉ, Lucy uống sữa, ông uống nước mía để sẵn trong chiếc bình, rồi cô bé lại chạy lòng vòng khu chợ, tiếng cười giỡn giòn tan của em bé xua đi không khí ảm đạm của buổi chợ chiều.

Mỗi tuần, ông kiếm được 500 nghìn đồng tiền bán vé chai, phụ với bà để nuôi cháu. Ông vẫn luôn nhận được sự giúp đỡ của bà con trong khu chợ, họ rất thông cảm và sẵn sàng ra tay giúp đỡ vì thấy trên cơ thể ông vẫn còn nhiều di chứng sau cơn tai biến để lại.

Nhắc về những chuyện đã qua, ông tâm sự: “Kể làm gì, thời sung sướng nhắc lại làm gì, giờ khổ mà nhớ lại chuyện sướng sẽ khó sống lắm. Bị tai biến không chết là hạnh phúc rồi, đặc biệt là được nhìn thấy mặt cháu mình thì mất hết tài sản có là gì, có khi có vợ còn không thấy vui bằng có đứa cháu ngoại như vậy, vui vô cùng luôn”.

Lúc bệnh còn chưa dậy được, cứ nghe tiếng cháu bi bô là như tiếp thêm cho ông sức mạnh. Đó cũng chính là động lực khiến ông nghĩ rằng nhất định mình phải bình phục để chăm sóc cho cháu, con bé không được mẹ chăm sóc cũng là quá đủ tội rồi.

Giờ đây bé Lucy hàng ngày theo ngoại ra chợ thấy cái gì lạ cũng hỏi và bắt ông ngoại giải thích, thấy người lớn ở khu chợ đều chào hỏi, ai cũng khen cô bé ngoan và lễ phép. Bà Phượng là một người bán hàng ở chợ lâu năm chia sẻ: “Con bé dễ thương lắm, cả khu này ai cũng quý, trời phù hộ nhà thì nghèo mà con bé vẫn trắng trẻo, mập mạp thấy thương. Tôi thấy ông cháu nhà này đi lấy ve chai cũng được mấy năm rồi từ khi con bé mới vài tháng tuổi”.

Mặc dù khó khăn thiếu thốn là vậy nhưng bà con ở khu chợ cũng cho biết ông luôn dành tất cả những điều tốt đẹp nhất cho cháu mình, ông bà có thể nhịn ăn chứ không bao giờ để cháu mình đói cơm khát sữa.

Vợ ông Phước, bà Huỳnh Thị Phượng chia sẻ thêm: “Cuộc sống hiện tại không khá giả nhưng ít ra mình còn có được cơm ăn còn hơn nhiều người. Chồng sống lại, cháu mình lớn lên hàng ngày với tôi thế là thỏa mãn”.

Với một niềm tin là sau này Lucy sẽ thành công, vợ chồng ông Phước không có ước mong gì nhiều cả, chỉ mong có thể sống lâu hơn để chăm sóc tốt cho cháu ngoại, có thể sống đến ngày nhìn Lucy thành người.

Mỗi người chúng ta sẽ không thể chọn số phận cho mình, nhưng chúng ta có thể chọn cho mình thái độ sống để đối diện xảy ra với những biến cố trước mắt. Cuộc đời là một bức họa hình học có sẵn, việc của bạn là chọn màu sắc nào để tô cho bức tranh đó…

Gia Viên – Hồng Tâm