Nếu như ngày xửa ngày xưa, cô Tấm vô tình làm rơi giày để rồi từ đó nên duyên với nhà vua, thì ngày nảy ngày nay, lại có một người vợ hữu ý để mất giày, nhờ vậy mà đã khéo léo kéo đức ông chồng trăng hoa trở về với mái ấm gia đình.

18 giờ, chị gọi điện thoại đến công ty của chồng, chú bảo vệ nói rằng: “Sếp vừa đi ăn tối ở nhà hàng”. Linh tính cho chị biết đó là… nhà nàng chứ không phải nhà hàng.

20 giờ, sau khi cho các con ăn xong, chị phi xe máy đến nhà nàng. Ô tô của sếp đang đỗ ở trong sân.

Linh tính đã không đánh lừa chị. Có cái gì đó rất nóng, trào lên nơi cuống họng nhưng chị đã kịp nuốt khan nó vào.

Không ấn chuông, không đập cửa, cũng không gào thét, chị cởi chiếc giày bên chân phải của mình, treo vào phía trong cánh cửa sắt rồi phóng xe về nhà, giúp các con ôn bài.

Gần 23 giờ đêm, sếp mới chỉnh trang lại y phục, chải lại mái tóc bị vò rối bù và ra về. Nàng ra mở cửa cho sếp trong bộ váy áo ngủ mỏng tang đầy quyến rũ và giật mình khi nhìn thấy một chiếc giày treo trong khung cửa sắt. “Sao lại có một chiếc giày ở đây? Một chiếc giày chân phải rất đẹp”. “Thôi, em vào ngủ đi. Cho dù đẹp nhưng một chiếc giày thì cũng chẳng làm được việc gì”.

Trên đường về nhà, sếp cứ nghĩ vẩn vơ về chiếc giày đó, nó là của ai? Và vì sao nó được treo ở đó?

Sếp đánh ô tô vào gara, mở cổng rất khẽ. Có một chiếc giày chân trái của phụ nữ đặt ngay ngắn trên bậc cửa. Sếp đứng như trời trồng trước chiếc giày đó chừng hai phút. Sau đó sếp vào phòng ngủ riêng, vì sếp không muốn nghe vợ cằn nhằn, khóc lóc.

Nhưng sếp trằn trọc mãi không sao ngủ được. Sẽ có giông bão trong căn nhà này. Sẽ là nước mắt, tiếng la hét và một lá đơn ly hôn. Rồi hai đứa nhỏ sẽ chán đời, đi bụi và hư hỏng… Đó là tấn bi kịch đáng sợ nhất.

Ảnh minh họa: Soha.

Nhưng sáng hôm sau mọi việc vẫn diễn ra bình thường. Bát phở gầu bò thơm ngào ngạt vẫn được để ngay ngắn trên bàn cùng với mấy dòng chữ của vợ: “Em đưa các con đến trường. Anh ăn sáng rồi đi làm. Hôm nay trời u ám nên anh phải mặc bộ vét màu sáng, thắt cà vạt màu sáng. Em đã là kỹ, treo trong tủ”.

Sếp gọi điện thoại cho nàng: “Chiếc giày chân phải kia là của vợ anh. Đừng vứt đi nhé”. Giọng nàng đầu dây bên kia nghe hơi hoảng hốt: “Trời ạ! Anh muốn làm sao thì làm chứ nếu chị ấy đến nhà em làm ầm lên thì em không sống nổi đâu. Chiều anh tạt qua lấy chiếc giày về”.

Nhiều ngày trôi qua mà giông bão không nổi lên, thái độ của vợ sếp vẫn bình thản, song một chiếc giày trên bậc cửa cứ nhắc sếp về sự lẻ loi và tội lỗi của một người. Rồi một buổi chiều, sếp lấy hết can đảm, lôi chiếc giày bên phải trong cốp xe ra, đặt ngay ngắn bên chiếc giày chân trái của vợ.

Chị đi làm về, đứng sững trước bậc cửa mấy giây rồi chạy vào, ôm ghì lấy chồng mà thì thầm: “Ôi! Chiếc giày chân phải của em!”. Sếp cũng thì thầm bên tai vợ: “Anh xin lỗi em – nghìn lần xin lỗi!”.

“Lùi một bước biển rộng trời cao”, nhưng liệu khi xảy ra những tình huống trớ trêu như vậy, khi mẫu thuẫn bất ngờ xảy đến, mấy ai chịu nhận phần thiệt về mình để mọi chuyện được êm xuôi? Quả thực, sự nhẫn nhịn phi thường của chúng ta có thể cảm hóa đối phương, khiến cảnh, tình đều chuyển biến theo hướng tốt đẹp. Nếu người vợ trong câu chuyện không xử lý tinh tế như vậy, thì bão giông mà ông chồng lo lắng nhất định sẽ xảy đến. Và những đứa trẻ non nớt, chúng sẽ lớn lên như thế nào với những vết thương lòng? Người xưa có câu, “lạt mềm buộc chặt”, quả đúng lắm thay!

Thanh Tâm

(Sưu tầm và biên tập)

Video xem thêm: Vợ chồng yêu thương nhau, xin cứ giả khờ mà bao dung hết thảy

videoinfo__video3.dkn.tv||934c91518__