Ai cũng biết đọc sách giúp phát triển nhân cách, mở rộng hiểu biết, kích thích sự sáng tạo, tăng khả năng tập trung và diễn đạt cho các con. Thế nhưng, nên bắt đầu đọc cho con từ khi nào, đọc sách gì, đọc như thế nào, làm sao để các con yêu sách, thích đọc sách, thì lại là băn khoăn của không ít bậc làm cha mẹ.

Câu trả lời là: Ngay cả khi các con chưa biết chữ, chúng ta vẫn có thể dạy chúng tự đọc sách. Chúng tôi tin rằng bài viết của tác giả Nguyễn Quốc Vương dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích để đồng hành cùng con trẻ.

Trong quá trình dạy học, làm sách, viết sách và đi nói chuyện khắp nơi về văn hóa đọc, tôi nhận được rất nhiều câu hỏi từ độc giả, từ các bậc phụ huynh. Một trong những câu hỏi tôi thường nhận được nhất là “Trẻ con chưa biết chữ liệu có đọc được sách không? Nó có tác dụng gì không?”.

Câu trả lời của tôi là “Được! Tại sao không?”.

Ở Việt Nam, có lẽ chưa có nhiều các công trình nghiên cứu học thuật về việc đọc sớm – nghe đọc sớm ở trẻ em nhưng ở Bắc Mĩ, châu Âu và Nhật Bản, Hàn Quốc, chắc chắn số lượng các công trình nghiên cứu với sự tham gia của các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau (tâm lý học, giáo dục học, mĩ thuật học, khoa học về đọc, não học…) về chủ đề này rất phong phú. Điểm chung giữa họ là đã chứng minh được bằng khoa học tác dụng tốt của việc cho trẻ đọc sách – đọc sách cho trẻ nghe từ sớm – trước khi biết chữ.

Ở Nhật Bản, các nghiên cứu về chủ đề ngày rất đa dạng và kết quả nghiên cứu đó được ứng dụng trong thực tiễn vào giáo dục trường học, giáo dục gia đình và phát triển các sản phẩm giáo dục, giải trí dành cho trẻ em trong đó có sách đặc biệt là ehon (sách tranh Nhật Bản).

Khi nào thì nên đọc sách cho trẻ?

Nếu như công nhận tác dụng của việc đọc sách cho trẻ nghe và cho trẻ đọc sách từ sớm thì thời điểm nào sẽ là thời điểm thích hợp để đọc sách cho trẻ nghe hay cho trẻ tiếp xúc với sách?

Việc đọc sách cho trẻ nghe ngay từ khi mẹ mang bầu cũng là một việc tốt và trên thực tế có những căp vợ chồng thường chọn các cuốn sách hay, nhẹ nhàng, sâu lắng đọc cho nhau nghe khi người vợ mang bầu. Tuy nhiên, thông thường, người ta sẽ đọc sách cho trẻ nghe và cho trẻ tiếp xúc với sách khi trẻ khoảng 3 tháng tuổi. Tại sao lại là thời điểm 3 tháng? Một trong những lý do quan trọng là vì khi đó cổ trẻ đã cứng, trẻ có thể có tư thế quan sát thuận lợi hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho thao tác đọc.

Mẹ bầu có thể đọc sách cho em bé (ảnh: Marrybaby).

Khi tôi còn ở Nhật Bản, con trai tôi cũng lần đầu tiên được tặng sách và vợ chồng tôi được hướng dẫn đọc sách cho con nghe khi cháu tròn 3 tháng và đi khám sức khỏe định kì tại Trung tâm phúc lợi của địa phương. Đây là một hoạt động nằm trong chương trình “Book Start” do chính phủ Nhật phối hợp với một NPO khuyến đọc thực hiện trên toàn quốc. Chương trình này sẽ tặng sách và hướng dẫn đọc sách cho tất cả các phụ huynh ở Nhật Bản (bao gồm cả người nước ngoài cư trú hợp pháp).

Thông thường là như vậy nhưng nhiều gia đình có thể cho trẻ xem sách và đọc cho con nghe từ khi sớm hơn nữa trong tư thế nằm. Cháu gọi tôi bằng bác đã được bố, mẹ đọc cho nghe bộ “Cùng chơi trốn tìm” (Tác giả: Ishikawa Koji, Nguyễn Quốc Vương dịch, Người mẹ tốt xuất bản) từ khi 2 tháng tuổi và đáp lại bằng phản ứng thích thú.

Cho dù xuất phát ở thời điểm nào thì lời khuyên chung của tôi đối với phụ huynh là trong việc cho trẻ tiếp xúc với sách, nên tiến hành sớm trong sự cân nhắc tới các điều kiện như môi trường an toàn, sức khỏe của trẻ và tâm lý không nôn nóng. Nếu bắt đầu quá muộn khi trẻ đã say mê điện thoại thông minh, Ipad hoặc khi đã vào học tiểu học thì hiệu quả sẽ khó đạt được nhanh và cũng sẽ rất khó khăn trong việc sửa lại các thói quen, năng lực tập trung đã bị phá hỏng.

Đọc sách gì cho trẻ?

Sách cho trẻ em ngày càng trở nên phong phú. Tùy theo hứng thú của trẻ mà phụ huynh sẽ có sự lựa chọn khác nhau tuy nhiên cần phải chú ý đến yếu tố hấp dẫn.Sự tiếp xúc đầu tiên rất quan trọng vì nó sẽ để lại ấn tượng sâu sắc đối với trẻ. Thông thường, sách tranh (ehon) của Nhật Bản hay sách tranh (ở Việt Nam thường xuất bản dưới dạng song ngữ Anh – Việt) của phương Tây, những cuốn sách được viết dựa trên nền tảng nghiên cứu kĩ về tâm lý trẻ em sẽ là lựa chọn phù hợp. Ở Việt Nam rất tiếc mảng sách này chưa được các tác giả và các đơn vị Xuất Bản Việt Nam đầu tư đúng mức và cho ra đời các sản phẩm ưng ý vì vậy trong một thời gian nhất định, phụ huynh sẽ phải dựa vào các ấn phẩm dịch. Trên các ấn phẩm này sẽ có thể hiện độ tuổi mà ấn phẩm hướng tới, ví dụ như 0-3 tuổi, 0-6 tuổi, 6-10 tuổi.

Đối với các trẻ nhỏ từ 0-3 tuổi, phụ huynh nên chọn các loại ehon, sách tranh được in trên giấy bồi (dày), in láng bóng, có bo góc, sử dụng mực gốc thực vật. Các yếu tố này rất quan trọng để đảm bảo an toàn cho trẻ vì trẻ nhỏ sẽ coi sách là đồ chơi. Trẻ sẽ cắn, nhá, xé, liếm khi tiếp xúc. Chuyện trẻ cắn, xé sách trong giai đoạn 0-3 tuổi thậm chí muộn hơn là rất bình thường. Sách trước tiên là để chơi không phải là công cụ để truyền đạt tri thức. Đối với trẻ nhỏ học tập hay lĩnh hội kinh nghiệm đều phải đi qua vui chơi mới có hiệu quả. Sách bìa bồi có các trang với độ dày thích hợp cũng tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ khi lật, mở (trẻ chưa sử dụng được các ngón tay một cách hoàn hảo). Trọng lượng và độ dày của sách cũng được cân nhắc để không làm quá tải ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Sách Ehon (ảnh: Shopee).

Chủ đề, đề tài, thể loại của ehon, sách tranh rất phong phú. Ở đó có sách về cuộc sống và trải nghiệm của trẻ (ăn, mặc, ngủ, bài tiết, vui chơi, khóc, cười…), có sách về thiên nhiên quanh trẻ (cây cối, động vật, bầu trời), có sách về các vật dụng gần gũi (đồ chơi, bàn ghế, đồ gia dụng…), có sách về thế giới giả tưởng…

Nội dung trong sách có thể được viết dưới dạng các câu chuyện hoặc dưới dạng các tình huống thậm chí dưới dạng từ điển.

Trí tưởng tượng của trẻ rất sống động vì vậy phụ huynh nên chọn sách ở nhiều thể loại khác nhau để trẻ có cơ hội trải nghiệm nhiều thế giới.

Về mặt kĩ thuật sẽ có sách đục lỗ, sách bằng vải, sách 3D… Tất cả đều nhằm tạo ra những hiệu ứng bất ngờ phù hợp với tâm lý của trẻ là thích khám phá và luôn tò mò.

Trong giai đoạn này, trẻ có thể sẽ thích đọc đi đọc lại liên tục cuốn sách mà trẻ thích. Chuyện đó rất bình thường vì với trẻ mỗi lần đọc là một lần mới không giống như người lớn – đầu đã phủ đầy định kiến.

Đọc như thế nào?

Mỗi gia đình nếu có điều kiện nên có một phòng đọc dành riêng cho trẻ. Ở đó hãy sắp xếp để trẻ có thể chìm đắm trong thế giới rực rỡ, muôn màu của sách. Nếu không, ít nhất cũng nên có một giá sách hay tủ sách dành cho con. Hãy để sách khắp nơi để trẻ cảm nhận được sự gần gũi của sách.

Có thể đọc sách cho trẻ nghe trước khi đi ngủ, lúc thức dậy vào buổi sáng, lúc chơi cùng trẻ hoặc đặt ra thời gian đọc thích hợp.

Cũng nên tạo điều kiện và cơ hội để trẻ nhỏ có thể tự đọc một mình. Cho dù trẻ chưa biết chữ nhưng trẻ có thể ghi nhớ lời cha mẹ đọc, có thể tự sáng tác ra lời và kể câu chuyện, diễn giải các hình ảnh trong sách theo ý mình. Trẻ rất thích điều đó. Phụ huynh không nhất nhiết coi sách là một thứ có tính tuyệt đối.

Trẻ có thể tự sáng tác và kể lại câu chuyện (ảnh: Icanread).

Cha mẹ có thể đặt trẻ ngồi vào trong lòng, đưa sách ra phía trước mặt trẻ ở một khoảng cách thích hợp để đọc cho trẻ nghe. Cha mẹ cũng có thể cho trẻ ngồi bên cạnh sườn để cùng đọc. Quan trọng là trong khi đọc cha mẹ, người lớn phải chú ý tới sự tập trung, hứng thú, các biểu hiện trên khuôn mặt của trẻ để điều chỉnh giọng, cảm xúc, âm lượng, tư thế cho phù hợp.

Cha mẹ có thể vừa đọc vừa kết hợp chơi cùng trẻ . Ví dụ như khi đọc về con vật cha mẹ có thể bắt chước tiếng kêu và dạy trẻ cách phát ra tiếng kêu đó. Tương tự khi đọc về phương tiện giao thông, cha mẹ có thể vừa cùng con giả tiếng các phương tiện đó phát ra vừa làm các động tác phối hợp cùng con. Ví dụ nếu là con trai, trẻ sẽ rất thích thú nếu bố cho ngồi trong lòng đọc sách về tàu hỏa, ô tô và được bố rung chân, lắc lư theo chuyển động của đoàn tàu.

Giáo viên ở các trường mầm non hay giáo viên câu lạc bộ có thể sử dụng các cuốn sách khổ lớn làm giáo cụ để đọc cho học sinh ngồi xếp vòng cung trước mặt nghe.

Cha mẹ cũng hoàn toàn có thể mang theo sách để đọc cho con nghe trong công viên, ngoài cánh đồng, bãi cỏ hoặc đưa con đến vườn thú để vừa tra cứu cuốn từ điển bằng hình về thế giới động vật vừa quan sát trong thực tế.

Làm thế nào để con yêu sách và thích đọc sách

Như trên đã nói, xuất phát điểm đầu tiên và sự gặp gỡ đầu tiên rất quan trọng. Cuộc gặp gỡ này nếu sớm và để lại ấn tượng tốt đẹp (sách phù hợp, thái độ cha mẹ tốt, trẻ hứng thú) thì sẽ có hiệu quả rất lớn, rung động đó có thể theo trẻ suốt cuộc đời. Tiếp theo là môi trường đọc sách dành cho trẻ. Muốn trẻ thích đọc sách thì cha mẹ và những người lớn trong nhà cũng phải đọc sách.

Tạo môi trường cho con đọc sách (ảnh: Alokiddy).

Có thể cha mẹ không thể đọc nhiều vì nhiều lý do nhưng ít nhất những khi trẻ thấy cha mẹ phải đọc sách vì khi cha mẹ đọc sách và gia đình có thư viện, tủ sách trẻ sẽ thấy hình ảnh đọc sách rất gần gũi và trong đầu trẻ có thể hình thành ý nghĩ “chắc chắn cuốn sách chứa đựng điều gì đó hấp dẫn nên cha mẹ mới đọc say mê và chăm chỉ như thế”. Chuyện tương tự cũng sẽ xảy ra khi cha mẹ ham mê xem tivi hay nghịch điện thoại. Gia đình nào bố mẹ ham mê chơi thể thao, trẻ cũng thường có xu hướng tương tự.

Cha mẹ cũng cần có ý thức để tạo ra thói quen đọc sách ở trẻ bằng cách bố trí thời gian đọc sách cố định, thường xuyên đọc sách cho con, trò chuyện với con về thế giới trong trang sách. Trẻ em có trí tưởng tượng rất mạnh và trẻ hạnh phúc với thế giới đó. Đừng bỏ phí cơ hội ấy.

Nếu có thể hay cho trẻ tiếp xúc và chơi với các gia đình có thói quen đọc sách để trẻ giao lưu, học hỏi và cảm nhận bằng thực tế. Hãy dẫn trẻ đi mua sách, đi tới thư viện mượn sách, giao lưu với các tác giả, họa sĩ.

Cùng với đọc, nếu trẻ đã có thể cầm bút có thể cho trẻ kết hợp đọc rồi vẽ, đọc rồi kể, đọc rồi tóm tắt… Nghĩa là phong phú hóa hoạt động biểu đạt của trẻ dựa trên nền tảng đọc (đầu vào).

Nói tóm lại, trẻ có đọc sách hay không phụ thuộc rất lớn vào ý thức của cha mẹ. Nếu cha mẹ cố gắng một chút khi trẻ còn nhỏ thì sau này khi trẻ có thói quen đọc sách, cha mẹ sẽ không phải tốn công, nhọc sức giục giã ép buộc con đọc sách. Đọc cũng là học vì khi đọc sẽ tư duy, tưởng tượng và tái tạo thông tin. Đọc là một cách rèn luyên khả năng tập trung rất quan trọng và hữu ích.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, khả năng tập trung của trẻ ngày càng suy giảm do sự gia tăng phong phú của nguồn thông tin và trẻ em bị cuốn vào nhịp điệu sinh hoạt của người lớn.

Vì vậy, đọc sách cho trẻ nghe và cho trẻ đọc sách là một cách để trẻ được sống đúng là mình – nghĩa là sống như một đứa trẻ trong thế giới của bản thân.

Nguyễn Quốc Vương (Nhà nghiên cứu giáo dục)

Tiêu đề bài viết do Đại Kỷ Nguyên đặt. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.

Video xem thêm: Pháp Luân Công – Những hỏi, đáp thắc mắc

videoinfo__video3.dkn.tv||64e5fc2d8__