Mặc dù đều là những người cao tuổi nhưng mỗi ngày ông Jiang Huaxin đều dành 3 tiếng đồng hồ để đi bộ cùng mẹ. Trong thời đại bận rộn, công nghệ đang dần thay thế con người, tấm lòng hiếu thảo và sự tận tụy chân thành của ông thật mấy ai sánh được.

Ông Jiang Huaxin 65 tuổi cùng mẹ, bà Xia Suqing 87 tuổi sống tại thành phố Trùng Khánh, phía Tây Nam Trung Quốc. Mỗi ngày, người dân ở đây đều bắt gặp cảnh tượng hai con người với số tuổi gộp lại đã trên 150 đi về qua lại trên cùng một đoạn đường.

Mỗi ngày vào lúc 5h40 chiều, sau khi ăn tối với mẹ, ông Jiang sẽ đi bộ đưa mẹ trở về nhà của bà. Đến 7 giờ sáng hôm sau, ông quay lại đón mẹ và cùng bà đi trở về căn hộ của ông. Khoảng cách giữa hai nhà là 3,5 km, ông Jiang và mẹ mình đi như thế mỗi ngày trong suốt 5 năm qua.

Sau khi người anh của ông mất vào năm 2009, ông đã nhận lấy trách nhiệm chăm sóc mẹ. Ông đón mẹ về căn hộ của ông để tiện chăm sóc, tuy nhiên “Mẹ tôi thích ngủ trong căn nhà cũ”, ông Jiang nói.

Khi mẹ kiên quyết đòi ngủ trong căn nhà cũ, ông Jiang đã đưa mẹ về nhà mỗi ngày. “Mẹ đã già rồi, vì vậy tôi thật sự muốn mẹ đi bộ càng ít càng tốt. Nhưng mà bác sĩ lại khuyên mẹ nên đi bộ nhiều hơn.”

Vào năm 2010, bà Xia đã làm phẫu thuật để thay các khớp chân. Các bác sĩ khuyên bà nên đi bộ ít nhất 2 giờ một ngày. Để đi bộ đoạn đường 3,5 km thì người trẻ tuổi cũng phải mất tới 40 phút. Vì bà Xia đi bộ rất chậm, nên họ phải mất 100 phút để đi hết một chiều và tổng cộng hơn 3 giờ mỗi ngày để di chuyển giữa 2 địa điểm.

Mỗi ngày trên con đường dài thân quen, bóng dáng hai con người đã đi qua quá nửa cuộc đời lại dìu dắt nhau, nâng đỡ cho nhau. Người ta cảm thấy đoạn đường ấy như chiếc cầu bắc ngang quá khứ và hiện tại, căn nhà cũ của bà Xia và hiện thực cuộc sống. Có lẽ vì thế, quãng đường 3,5km không chỉ để bà Xia rèn luyện đôi chân, mỗi bước chân của họ giống như để hoài niệm và lưu giữ tất cả những gì đáng quý, đáng trân trọng của một thời đã xa.

5 năm, quãng đường 3,5km đã được nhân lên tới con số 12.775km. Mỗi một lần lại là những câu chuyện khác nhau, những lời thủ thỉ tâm tình khác nhau của ông Jiang và mẹ. Có lẽ điều ý nghĩa nhất mỗi người con có thể làm cho cha mẹ mình là ở bên họ, chăm sóc cho họ, cảm thông với họ từ những điều đơn giản, nhỏ bé nhất.

Trong “Tử du vấn hiếu” Khổng tử có viết: “Ngày nay, người ta gọi người nuôi được bố mẹ là người có hiếu. Phận làm con chỉ “nuôi” mà bất kính với cha mẹ thì không thể gọi là có hiếu”. Một người có hiếu và bất hiếu thì qua từng lời nói, cử chỉ, nét mặt đều thể hiện ra. Người luôn cáu gắt với cha mẹ, không có biểu hiện điềm đạm, ôn hòa, sắc mặt cau có thì chính là tự mình “bẻ gãy chữ hiếu”.

Hơn nữa, “hiếu” thực sự phải chân thành, không phải chỉ là bề ngoài. Lòng hiếu thuận lớn nhường nào, thể hiện ra bên ngoài cũng lớn nhường đó, tất cả những điều trong lòng sẽ phản ánh chân thực ra sắc mặt. Mỗi ngày về đến nhà, bạn hãy mỉm cười với cha mẹ. Điều cha mẹ hạnh phúc và yên tâm nhất chính là thấy con cái mỉm cười mỗi ngày.

Như Quỳnh – Thiên Thủy