Dỗ cho bé ngủ là vấn đề được nhiều gia đình quan tâm. Gần đây, một số người truyền tai nhau phương pháp “Tự khóc – tự ngủ”, với niềm tin rằng bé khóc chán thì sẽ tự ngủ, bố mẹ bớt mệt hơn và bé cũng trở nên tự lập từ sớm. Tuy nhiên, chính tác giả của phương pháp này gần đây đã thừa nhận ông hối tiếc vì đã đưa ra lời khuyên đó.

Tự khóc tự ngủ là gì?

“Cry-it-out” (CIO) hay còn gọi là “Tự khóc – tự ngủ” là phương pháp tập cho bé tự ngủ được bác sĩ nhi Richard Ferber giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1985 trong cuốn sách “Giải quyết các vấn đề giấc ngủ của trẻ em” của mình.

Theo Marry Baby, hiện nay có 2 cách áp dụng phổ biến là:

– Áp dụng triệt để – Để bé tự khóc đến khi bé tự ngủ, không có tác động gì thêm và hoàn toàn lờ đi tiếng khóc của bé. Bé khóc đến khi cạn nước mắt và rơi vào giấc ngủ.

– Tác động dần dần – còn được gọi là “luyện ngủ cho bé”. Với cách này, bố mẹ để bé nằm một mình khi tới giờ ngủ. Tuy nhiên, bố mẹ vẫn sẽ can thiệp một chút – cụ thể là họ sẽ thầm thì với bé một vài câu dỗ dành, rồi lại để bé tự khóc, và lại tiếp tục thầm thì dỗ bé… Thời gian giữa các lần bố mẹ vào dỗ bé được giãn cách dần cho đến khi bé rơi vào giấc ngủ.

Điều gì xảy ra với bé khi bé “tự ngủ” theo cách này?

Vietnamnet dẫn lời Tiến sĩ Tâm lý học Tracy Cassels cho rằng: “Tất cả các bậc cha mẹ cần phải biết rằng CIO và các phương pháp biến tấu của nó đều dựa trên niềm tin rằng ‘nín khóc là bé ổn’. Tuy nhiên sự thật có thể khác xa hoàn toàn. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên có những biểu hiện sinh lý khá phức tạp. Có những đứa trẻ dù không khóc quấy nhưng bên trong lại đang trải qua những cơn khủng hoảng tâm lý cực độ”.

Ảnh dẫn theo Afamily.

Tiến sĩ Margot Sunderland – Giám đốc trung tâm giáo dục và đào tạo về sức khỏe trẻ em tại London cũng bày tỏ quan điểm: “Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu như các bậc phụ huynh vẫn tiếp tục áp dụng phương pháp CIO sau khi đã biết được điều gì xảy ra với bộ não của con họ. Bộ não của trẻ sơ sinh rất dễ bị tổn thương bởi trong năm đầu tiên kể từ thời điểm bé chào đời, nó chưa được hoàn thiện. Lúc này sự phát triển của bộ não cực kỳ dễ bị ảnh hưởng bởi sự căng thẳng và khó chịu. Ngoài ra, những cảm xúc vui vẻ, hạnh phúc và khả năng bình tĩnh xử lý tình huống trong cuộc sống sau này của bé sẽ bị ảnh hưởng. Không chỉ vậy, việc để bé tự khóc tự ngủ còn có thể là nguyên nhân gây ra các chứng:

– Huyết áp cao

– Áp lực máu não cao

– Biến động thất thường của nhịp tim, nhịp thở, nhiệt độ

– Hệ thống miễn dịch và tiêu hóa bị ức chế

– Hormone tăng trưởng bị sụt giảm

– Ngưng thở

– Áp lực lớn trên tim dẫn đến nhịp tim nhanh. Nếu như việc này kéo dài, sức khỏe của bé chắc chắn không được đảm bảo.

Vì vậy đừng lấy làm vui mừng khi thấy con mình ngừng khóc. Đó chỉ là một quá trình được gọi là: Cô lập – tuyệt vọng – phản kháng – cam chịu – từ bỏ”.

Đây có lẽ là lý do vì sao mà trong các cuộc phỏng vấn gần đây của mình, Richard Ferber đã bày tỏ sự hối tiếc về lời khuyên mà ông đã đưa ra, theo Marry Baby. Ông chia sẻ rằng mình cảm thấy không vui khi các chuyên gia về sức khỏe trẻ em vẫn đang khuyến khích phụ huynh để mặc con mình, những bé còn rất nhỏ, khóc cho đến khi bé tự nín. Ông cũng cho rằng mọi chuyện sẽ vẫn ổn, nếu bố mẹ cùng ngủ với con.

Cha mẹ cũng bị tổn thương

Việc cha mẹ không đáp lại tiếng kêu khóc của bé không chỉ gây nguy hiểm cho bé mà còn khiến cha mẹ bị tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần.

Về mặt thể chất, Tiến sỹ Frans Plooj – Chủ tịch hiệp hội nghiên cứu đặc biệt về trẻ sơ sinh, Hà Lan nhận định: “Phương pháp CIO hay các biến thể của nó không chỉ có tác dụng tiêu cực lên bản thân trẻ mà nó còn có tác dụng tiêu cực đến việc nuôi con bằng sữa mẹ, bởi sữa mẹ được sản sinh theo cơ chế tùy thuộc vào nhu cầu của trẻ. Nếu nhu cầu bú đêm của bé bị bỏ qua, sữa mẹ cũng sẽ theo đó mà ít đi”.

Ảnh dẫn theo 24h.

Trầm trọng hơn là vết thương tinh thần. Giáo sư James McKenna – Giám đốc Phòng thí nghiệm hành vi giấc ngủ Mẹ & Bé tại Đại học Notre Dame (Mỹ) chia sẻ: “Trong suốt cuộc đời mình, tôi đã luôn ước ao rằng mình có thể lấy lại được 30 phút mình đã áp dụng phương pháp CIO cho con trai bé nhỏ của mình. Tôi đã nghĩ rằng mình làm việc đó cũng chỉ vì muốn tốt cho chính con mà thôi – nhưng sự thật là điều đó vô cùng ích kỷ, và tôi vẫn cảm thấy như có ai bóp chặt tim mình mỗi khi nghĩ đến những khoảnh khắc ấy. Khoảnh khắc tôi nhận ra hành động mà tôi cho là tốt đẹp lại là hành động vô cùng độc ác”. “Khi mở cửa phòng, tất cả những gì tôi nhìn thấy là đôi mắt của con trai tôi lập tức hướng về phía tôi với hy vọng và chờ đợi một vòng tay ấm áp từ bố mình”.

Phải làm gì khi bé không tự ngủ và khóc đêm?

Việc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa thể tự ngủ và khóc về đêm là hiện tượng không hiếm gặp, vậy nên trước hết, bạn hãy từ bỏ ý nghĩ nhất định muốn con vài tháng tuổi phải tự ngủ xuyên đêm. Nuôi con nhỏ quả thực rất vất vả, nhưng đó là hành trình mà bậc cha mẹ nào cũng cần trải qua, đó là ân đức bạn dành cho con yêu cũng như cha mẹ bạn đã dành cho bạn thuở trước.

Tiến sĩ Tâm lý học Tracy Cassels cho rằng sự hồi đáp và giao tiếp của bố mẹ là những viên gạch đầu tiên giúp trẻ xây dựng cảm giác an toàn và sự tự tin trong giao tiếp sau này, theo Vietnamnet. Khi bé khó ngủ, cha mẹ cần “kiểm tra các vấn đề liên quan đến sức khỏe, ăn uống, sự giao tiếp của bé chứ không phải là để mặc cho bé tự khóc đến khi cạn nước mắt và tự ngủ”.

Thực tế là, ngoài việc tạo ra môi trường ôn hòa và thói quen ngủ cho bé, có rất nhiều cách để khiến một đứa trẻ đang khóc bình tĩnh lại: cho bú, tạo ra những âm thanh tương tự như những gì chúng được nghe trong bụng mẹ… Việc da tiếp da cũng làm kích thích giải phóng oxytocin – hormone tình yêu và sự gắn kết, theo Afamily.

Ảnh dẫn theo Gia Đình.

Ôm ấp, vỗ về khi con khóc là bản năng của người làm cha mẹ, và từ nghìn đời nay con người chúng ta hết thế hệ này đến thế hệ khác vẫn lớn lên trong vòng tay yêu thương của cha mẹ theo cách như vậy. Ông bà cha mẹ chúng ta dường như không hề ỷ lại, dựa dẫm khi trưởng thành chỉ vì ngày xưa họ được ôm ấp vỗ về lúc khóc đêm.

Cuối cùng, xin được kết lại bằng câu nói của Giáo sư James McKenna:

Việc để cho một đứa trẻ sơ sinh khóc hết nước mắt, tách bé ra khỏi mẹ và không cho bé bú mẹ vào ban đêm thực sự là một việc làm tàn nhẫn, không chỉ vậy nó còn làm tăng cao nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh.

Bạn hãy nhớ rằng, sớm hay muộn, tất cả các em bé hay những đứa trẻ sẽ học được cách tự ngủ lại vào ban đêm mà không cần bạn phải “huấn luyện”.

Video xem thêm: Người luôn từ bi có được 9 lợi ích

videoinfo__video3.dkn.tv||d3704e118__