Với các bậc cha mẹ, giúp đỡ con cái là một trong những nhiệm vụ cao cả nhất mà mỗi người tự nguyện nhận lãnh. Tuy nhiên, trước tình trạng thế hệ trẻ đang ngày càng lười biếng, ỷ lại, được biết đến là thế hệ “gà công nghiệp” mù mờ trước tương lai của chính mình, liệu các bậc cha mẹ có nên xem lại cách giúp đỡ con của bản thân. Sự hỗ trợ ấy có thực sự đúng hướng và giúp những đứa trẻ học được sự trưởng thành? 

Giúp đỡ là một hành động đáng trân trọng nhất của con người, nó thể hiện cho sự tốt bụng, đoàn kết và lòng hào hiệp. Tuy nhiên một vấn đề rất thường gặp phải, sự giúp đỡ đôi khi không dừng lại ở sự cộng tác, hiệp lực vì một mục đích chung. Mà nó có thể bị hiểu lầm thành: Để giúp đỡ cách tốt nhất và nhanh nhất là thay người kia giải quyết những khó khăn. Điều này diễn ra ngày càng phổ biến, đặc biệt là trong mối quan hệ cha mẹ – con cái. Vì nghĩ rằng con làm một việc quá chậm và  không đủ tốt, cha mẹ sẽ làm luôn việc đó thay con. 

Bản chất của sự giúp đỡ là gì? (Ảnh minh họa: nospensees)

Chúng ta có thể gọi sự giúp đỡ thứ hai là “sự giúp đỡ đầu độc”. Những cha mẹ có thái độ này thường sẽ giải quyết các vấn đề thay con cái, và tước mất cả con cơ hội được đối mặt với những thách thức của riêng con. Điều này sẽ ngăn cản sự phát triển các phẩm chất của đứa trẻ, đồng thời truyền cho con một thông điệp rất rõ ràng: Con không thể làm được việc này. 

Hành xử thường xuyên theo cung cách này, chúng ta sẽ hủy hoại sự phát triển của đứa trẻ bằng cách kìm hãm việc lĩnh hội, rèn luyện khả năng, ý kiến, kỹ năng, thái độ đúng đắn của trẻ. Đó là lý do, chúng ta dễ dàng nhận ra, rất nhiều những đứa trẻ hiện nay thiếu hụt các kỹ năng bởi “cha mẹ tốt” đã giải quyết hộ các con rất nhiều những thử thách mà trên thực tế chúng hoàn toàn có thể tự mình vượt qua. 

Ngày nay, những đứa trẻ trở nên yếu mềm hơn rất nhiều so với các thế hệ trước, bởi các cha mẹ đang ra sức loại bỏ tất cả mọi khó khăn, trở ngại có thể mang đến cho con họ cảm giác thất vọng, hụt hẫng. 

Một sự giúp đỡ không thực sự

Chúng ta cần phân biệt việc “trợ giúp con trẻ” “làm thay con mọi chuyện”. Hay một cách khái quát hơn, sự trợ giúp thực sự chỉ tồn tại trong mối quan hệ hợp tác hoặc cộng tác. Cách thương và hỗ trợ con tốt nhất chính là “sự giúp đỡ trên tinh thần cộng tác, hợp tác”. Hãy cùng xem sự khác biệt. 

Để hiểu hơn về sự giúp đỡ trên tinh thần cộng tác, hãy lấy một ví dụ, nếu hai người có cùng chung một mục đích kinh doanh, việc cộng tác hay hợp tác là điều hết sức cần thiết: Khi đó, một người có thể đảm nhận việc chọn đồ nội thất, còn một người sẽ chịu trách nhiệm về quảng cáo. 

Sự công tác vì một mục đích chung ấy sẽ nuôi dưỡng đối với cả hai người tham gia, bởi mỗi người đều được hưởng những lợi ích, học hỏi được nhiều điều từ công việc của người kia, đồng thời nhờ đó, công ty cũng chính là mục đích chung có nhiều cơ hội để phát triển. 

Dạy con kỹ năng và giá trị của việc dọn dẹp là cách mà các cha mẹ thích sự “hỗ trợ trong hợp tác” lựa chọn. (Ảnh minh họa: akira)

Lấy một ví dụ gần hơn trong việc nuôi dạy và trợ giúp con cái. Nếu bạn là bậc cha mẹ thích sự “trợ giúp với tinh thần cộng tác”, bạn sẽ không bao giờ chạy theo để dọn dẹp mọi đồ đạc thay con. Giúp con học được kỹ năng dọn dẹp đồ đạc sau mỗi giờ chơi, đồng thời giúp con hiểu giá trị của sự ngăn nắp sẽ là lựa chọn của bạn.

Khi huấn luyện cho con hai kỹ năng này, bạn sẽ không phải la hét vì con không bao giờ biết tự cất dọn sau khi chơi xong. Đứa trẻ sẽ tự giác làm việc của mình, bạn tiết kiệm được nhiều thời gian và sức lực để thực hiện những nhiệm vụ khác. Đó là cái được của cha mẹ. Trong khi đó, đứa trẻ của bạn sẽ lĩnh hội được kỹ năng và giá trị của việc dọn dẹp. Con có đủ tự tin và sự tự giác để thực hiện công việc của mình, thêm vào đó, con biết được thêm một cách để thể hiện tình yêu, sự quan tâm của chúng đối với cha mẹ. Đó là cái được của con.

Mục đích chung của sự cộng tác của bạn và con chính là tình cảm giữa hai người. Với sự trợ giúp trên tinh thần hợp tác, bạn có thể khiến con thêm tin tưởng vào chính chúng và vào niềm tin mà bạn trao tặng cho con.  

Sự hỗ trợ trên tinh thần hợp tác sẽ trao cho con không chỉ sự tự tin mà còn là sự tin tưởng vào cha mẹ. (Ảnh minh họa: avschool)

Ngược lại, nếu sự giúp đỡ chỉ đi theo một chiều, chỉ để giải quyết vấn đề ở bề mặt, nó sẽ trở thành “có hại” đối với người nhận sự giúp đỡ. Sự giúp đỡ một chiều, hay làm hộ sẽ nuôi dưỡng những suy nghĩ sai lầm nơi người nhận giúp đỡ (trong tình huống này là những đứa trẻ): 

  • Đứa trẻ sẽ nghĩ rằng chúng thực sự cần đến cha mẹ để làm nhiệm vụ đó. 
  • Cha mẹ có trách nhiệm phải hỗ trợ con trong công việc này. 
  • Việc giúp đỡ con là một điều rất quan trọng với cha  mẹ. 

Những suy nghĩ tiêu cực này chính là nguồn cơn của thái độ ỷ lại, chờ đợi giúp đỡ và hành động mè nheo của trẻ khi bị cha mẹ từ chối một điều gì đó. 

Nguy hại hơn, “việc làm thay con mọi chuyện” khiến cả hai bên cha mẹ và con cái đều chịu những tổn thất. Về phần con cái, chúng sẽ nghĩ rằng không có cha mẹ, chúng không thể làm được nhiệm vụ đó, đây là suy nghĩ có thể “tiêu diệt” sự tự tin của đứa trẻ. Trong khi đó “việc làm thay con mọi chuyện” sẽ nuôi dưỡng trong lòng cha mẹ một niềm lo lắng lớn: Không có mình, con không thể làm gì cả.

Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái theo hướng này sẽ nhanh chóng gây ra sự mệt mỏi. Bởi cha mẹ sẽ luôn lo lắng và trông chờ những nhu cầu của con, ưu tiên thỏa mãn và hoàn thành những nhu cầu của con so với những nhu cầu của cá nhân mình. Đây chính là nguồn cơn cả sự mất cân bằng nơi rất nhiều người mẹ trẻ. Họ dành hết thời gian cho con, và không đủ thời gian để chăm sóc và làm mới chính bản thân mình. 

Gia đình bao bọc

Đặc điểm chung của những bậc phụ huynh “làm thay con tất cả”  là không thể nhìn thấy con mình “chịu khổ”. Tuy nhiên, suy nghĩ về “sự chịu khổ” của họ lại hoàn toàn sai lầm.  

Các bố mẹ bảo bọc con thái quá thường có một tuổi thơ rất khó khăn, và họ không muốn con cái mình phải sống như vậy. Đó là lý do, họ đẩy sự giáo dục con cái sang thái cực bao bọc hoàn toàn: Họ giải quyết giúp con mọi vấn đề, kể cả những vấn đề mà con cái họ hoàn toàn có thể tự giải quyết. Những đứa trẻ này sẽ phải đi tới độ tuổi trưởng thành – nơi mà chúng cần có khả năng tự làm chủ cuộc sống của mình.Tuy nhiên những đứa trẻ quá được bao bọc sẽ hoàn toàn lạc lối ở ngưỡng cửa này. 

Trẻ cần những giây phút “hụt hẫng” để học được những bài học con cần học. (Ảnh minh họa: yeutre)

Vậy điều gì đã xảy ra? Đứa trẻ trong suốt thời thơ ấu đã không được chia động từ “học” theo nghĩa chân chính của từ này. Cha mẹ sống thay cho chúng, chúng không bao giờ bị lừa, không bao giờ có cảm giác hụt hẫng, chúng cũng không bao giờ có cơ hội học hỏi từ những sai lầm của mình và tự sửa chữa những sai lầm ấy. Vậy nhưng mắc sai lầm, “chịu khổ”, “chịu đựng những cảm xúc khó chịu” lại là cách duy nhất để thực sự học được một điều gì đó. 

Sự phát triển của trẻ sẽ trở nên trì trệ, mặc dù trong chúng ẩn chứa một tiềm năng rất lớn. Rất nhiều đứa trẻ sống trong những gia đình bao bọc trở thành những người lớn chịu nhiều nỗi đau xuất phát từ sự tự ti: Họ luôn tự nói với mình rằng, họ không có khả năng đối mặt với vấn đề nếu không có sự giúp đỡ từ bên ngoài. 

Chúng trở thành những con người phụ thuộc. Tệ hơn, những đứa trẻ lớn tuổi ấy có xu hướng chọn bạn đời có cách hành xử như cha mẹ của mình. Đó là lý do tại sao, khả năng của họ lại tiếp tục bị vùi lấp. 

Đâu mới là sự giúp đỡ thực sự?

Sự giúp đỡ thực sự sẽ mang đến cho con niềm vui và sự tự tin (Ảnh minh họa: Afamily)

Nếu bạn muốn giúp đỡ, hay nói cách khác là cộng tác với ai đó, hãy để mong muốn giúp người kia phát triển bản thân và nuôi dưỡng sự tự tin nơi họ làm kim chỉ nang cho những quyết định và hành động của mình. Giúp đỡ chính là nuôi dưỡng “lòng tin vào bản thân” của người kia, nhờ việc nhấn mạnh những điều họ đã làm được, nuôi dưỡng khả năng giải quyết vấn đề của họ bằng cách nói với họ về những vấn đề tương tự. Để từ đó họ nhìn thấy họ có đầy đủ những khả năng để tự mình giải quyết vấn đề. 

Điều quan trọng cả hai phải sử dụng đến sự kiên nhẫn và chấp nhận rằng cuộc sống luôn mang đến những hụt hẫng. Nhưng không ai trong chúng ta có thể chết vì những hụt hẫng ấy. Tất cả rồi sẽ ở lại sau lưng và chỉ có những điều cần học, cần ghi nhớ là còn ở lại. 

Cách dạy con hay nhất phải chăng là trở thành người “cộng tác tốt” của con trong hành trình trưởng thành? (Ảnh minh họa: nospensees)

Nếu chúng ta loại bỏ hết những chướng ngại cho người được giúp đỡ, chúng ta sẽ không cho phép con tự đi tìm những giải pháp cho bản thân mình. Điều đó ngăn cản con hành động, quá trình động não, suy nghĩ, thử nghiệm và tìm những phương án thay thế. Chẳng phải khi làm thay con, chúng ta đã bày sẵn tất cả mọi thứ ngay trước mắt những đứa trẻ. 

Ví dụ, khi con cái bạn không tìm được việc làm, nhưng bạn luôn chu cấp tiền nhà mỗi tháng cho con. Điều này cho phép con bạn có một cuộc sống tương đối thoải mái nhưng lại cho họ suy nghĩ “tại sao họ phải bắt đầu tìm một công việc? Vì điều đó là không cần thiết”. Suy nghĩ này thực sự là một vấn đề. Nên bạn tiếp tục như vậy, điều gì sẽ xảy ra vào cái ngày mà bạn không còn trên cõi đời này để giả tiền nhà hàng tháng cho đứa trẻ to lớn của mình. 

Sự hỗ trợ trên tinh thần hợp tác là cách tốt nhất để dạy cho con cách tự bước đi. (Ảnh minh họa: NotreFamille)

Hợp tác, trong trường hợp này chính là hãy giúp con làm một bản CV chỉn chu, lựa chọn công việc theo cách mà con có thể trải nghiệm tất cả những gì con nên phải trải qua. Để đứa trẻ của bạn có thể thực sự làm diễn viên chính trong cuộc sống của con. 

Hy Văn biên dịch