Có một câu chuyện chứa đựng muôn vàn yêu thương của Xuân Thu sinh năm 1992 hiện ở Sài Gòn dành cho em gái bị bệnh não úng thủy ở cùng bố mẹ tại Bình Dương. Những tình cảm chất ngất được sẻ chia khi thấy em lo sợ chị đi lấy chồng rồi sẽ không còn ai trông em nữa.

Thương em vì lo sợ chị lấy chồng sẽ không còn ai chơi với em nữa

Trong một đoạn thư gửi em gái nhân ngày sinh nhật Thu  viết:

“Happy birthday em gái của chị! Cảm ơn em vì đã luôn là động lực cho chị thương yêu chị, cho chị biết phấn đấu và cố gắng nhiều hơn nữa. Và em đừng buồn vì chị đi lấy chồng, vì hai chị em mình sẽ cùng nhau lớn lên em nhé. Thương em”.

Tuổi thơ buồn tủi và ước mơ có thêm em để chơi cùng

Thu sinh ra trong hoàn cảnh mẹ là người vợ thứ hai của bố, trước Thu bố đã có những anh chị là con riêng. Vì vợ trước của bố đã qua đời nên ông đi bước nữa với mẹ của Thu, mẹ là một giáo viên ở Bình Dương. Cuộc sống tưởng chừng như hạnh phúc khi nghĩ rằng mọi thứ đều thuận theo tự nhiên và không có gì trái với đạo lý.

Nhưng sự thực lại không phải như vậy, ngay từ khi có mặt trên đời Thu đã bị coi là người ngoài rìa với các thành viên trong gia đình của bố, mọi người đều coi mẹ con Thu là gánh nặng đối với bố. Họ nghĩ ở tuổi của bố là để nghỉ ngơi chứ không phải làm những việc đang diễn ra trước mắt như thế này.

Thu kể lại: “Anh chị cùng cha khác mẹ của mình đâu có chấp nhận mình. Họ coi mình như một gánh nặng cho cha, vì lúc đó cha cũng đã có tuổi rồi. Mẹ mình cũng phải chịu nỗi buồn tương tự, như thể mẹ đến với cha là một sự sỉ nhục, hoặc một sai lầm”.

Tuổi thơ của Thu lặng lẽ đi qua trong nỗi cô đơn, mẹ bận đi làm cả ngày, bố nhiều tuổi rồi nên khoảng cách giữa hai thế hệ quá xa, không thể cùng nhau vui chơi hay chuyện trò to nhỏ. Những khi lủi thủi một mình Thu thường mơ ước giá như mình có một người em để cùng vui chơi, hay bảo vệ mình, để sớm tối luôn ở bên nhau thủ thỉ vỗ về.

Năm 2001, mẹ Thu bất ngờ mang thai, nhưng việc thiêng liêng đó lại không được chúc mừng mà trái lại, mẹ Thu gặp phải sự phản đối của cả gia đình. Vì khi này mẹ đã 47 tuổi và bố đã sắp đến tuổi 64, nếu sinh con sẽ không tốt, đứa bé sẽ có nhiều nguy cơ rủi ro về sức khỏe… Chưa nói đến việc bố cũng không còn khả năng lao động, đảm bảo được cuộc sống sinh hoạt cho cả gia đình sẽ rất là khó khăn.

Em xinh xắn bởi nước da trắng hồng và đôi môi đỏ chót

Nhưng vượt qua những ngăn cản từ mọi người, bố mẹ Thu vẫn quyết định giữ lại sinh linh bé nhỏ ấy. Ngày chào đời em nặng vỏn vẹn chỉ 1,7kg, bố mẹ đặt tên em là Xuân Lan. Xuân Lan vô cùng xinh xắn và đáng yêu bởi nước da trắng hồng, đôi môi đỏ chót và chiếc mũi cao vút.

Niềm vui chưa được bao lâu thì nỗi buồn ập đến bao trùm ngôi nhà nhỏ

Thời gian trôi đi yên ả với tiếng hát ru của mẹ, tiếng khóc ê a của em, những câu nói dỗ dành của bố khi đã ở những nấc thang sắp cuối của cuộc đời. Tuy nhiên, đã 6 tháng trôi qua Xuân Lan vẫn không có dấu hiệu gì của đứa trẻ phát triển bình thường, em không lật, không bò, cũng chẳng tập bi bô mà cứ ngờ nghệch như khi còn bé xíu.

Hạnh phúc chưa kịp hé mở, mọi nỗi lo toan ập đến chồng chất lên đôi vai của mẹ từ khi bố mẹ quyết định cho em đi khám vì nhận ra những dấu hiệu bất thường. Ngày Thu nép mình trong căn nhà nhìn bóng dáng bố mẹ khuất xa cùng em cũng là ngày Thu mơ hồ thấy mái ấm của gia đình mình đổ vỡ mà không thể làm gì được.

Dù em có lớn cỡ nào thì đầu óc vẫn cứ ngờ nghệch vậy thôi

Khi trở về bố mẹ đau buồn với kết quả trên tay. Bác sĩ chẩn đoán em bị căn bệnh não úng thủy, một căn bệnh khiến em dù cho có lớn lên đến cỡ nào thì trí óc cũng chỉ như một đứa trẻ, cứ ngờ nghệch muôn đời vậy thôi. Căn nhà của Thu bất giác tràn trề một nỗi u uất, sự giày vò và bất lực của mẹ và cha Thu.

Bền bỉ kiên trì chạy chữa cùng những yêu thương trọn vẹn của mẹ và chị dành cho bé Xuân Lan

Mẹ luôn tìm mọi cách chạy chữa cho em gái, trong suốt 3 tháng nghỉ hè, mẹ đã đưa hẳn Xuân Lan vào trường SOS tại Bình Dương để giúp em có thể làm vệ sinh cá nhân, hoặc ít ra là cũng hiểu người khác muốn gì bằng những bài tập ở trường. Sau đó, mẹ chạy đôn chạy đáo xin người quen cho em đi học một lớp mầm non ở địa phương với hy vọng Xuân Lan có thể bắt chước các bạn bình thường và có một cuộc đời ít ngây dại hơn.

Mẹ còn nhờ các giáo viên lớp 1 để có thể cho Xuân Lan đi học, chỉ là để tập đánh vần thôi… nhưng tất cả đều vô vọng, số phận em đã bị mặc định là chỉ có khóc hoặc cười.

Thu nhớ lại: “Hồi đó còn nhỏ, mình có biết gì đâu. Cũng có những khi mình mặc cảm về đứa em này lắm, mình thường giấu chuyện chứ đâu có cho bạn bè biết. Nhưng sau mình nghĩ lại, em gái mình vốn đã thiệt thòi rồi, bây giờ mình không chấp nhận nó nữa thì khác nào mình đẩy em vào hoàn cảnh của chính mình ngày xưa, khi không được anh chị cùng cha khác mẹ chấp nhận.

Nhớ có một lần, nó đi học lớp 1, đi vệ sinh ngay trong quần ở lớp. Cô giáo giận quá cho nó đứng phạt ở hành lang, không được ăn trưa. Vô tình thấy cảnh đó, lúc nó đứng ngây ngô một mình ở hành lang, nắng trưa gắt tạt vào người, mình xót xa không thể tả được”.

Tuổi thơ của hai chị em trải qua đằng đẵng trong những ngày buồn tủi khi bạn bè xung quanh khinh miệt Xuân Lan, trêu trọc hoặc nói những lời bất hảo. Những lúc như vậy, Thu cũng chỉ biết mím môi nắm tay lôi em gái về, thương em nhưng cũng chỉ biết để mắt và giải nguy cho em, chứ cũng chẳng biết làm gì hơn được.

Quyết định rời xa gia đình để tìm một sự cứu rỗi bình yên hơn cho em gái

Không chấp nhận một cuộc sống âm thầm chịu đựng như mẹ, Thu quyết định thoát ly khỏi gia đình, tìm con đường mới cho mình, cho em. Tuy nhiên để bước chân ra đi cũng là những đắn đo suy nghĩ, cũng sợ rằng khi không có mình bên cạnh, không biết em sẽ ra sao? Thu chia sẻ lại những suy nghĩ ngày đó:

Lúc có giấy báo nhập học Đại học, mình đã muốn nói với mẹ ngay là mình cần phải đi nhưng mình lại sợ em gái ở nhà không ai lo lắng, nó ngờ ngệch như vậy, nhỡ bị bắt cóc chắc là mất luôn không tìm được đường về nhà.

Năm đó, những tin đồn về bắt cóc trẻ em, những vụ “lạm dụng” trẻ em được đăng đầy trên báo đài mỗi ngày nữa khiến mình băn khoăn. Nhỡ khi mình đi học, Xuân Lan có mệnh hệ gì, cha mẹ cũng lớn tuổi hết, ai sẽ lo lắng cho gia đình…”.

Rồi cuối cùng Thu cũng vượt qua những nỗi lo đó để rời gia đình, tạm xa em gái để đi học. Ngày đi, cô phải bước đi thật nhanh mà không dám quay đầu lại, những tiếng nấc nghẹn ngào chôn chặt trong tim hồi lâu lại vỡ òa thành tiếng. Thu cố gắng tỏ ra mình cứng cáp, im lặng để bao bọc cho nỗi buồn của bản thân, của em gái, của bố mẹ. Bởi chỉ im lặng, Thu mới không thấy mình có tội khi rời bỏ gia đình trong hoàn cảnh thế này.

Những người có tình yêu sâu sắc luôn tin vào những điều tưởng như không thể. Sau cơn mưa xuất hiện vệt nắng vàng trải rộng cuối con đường

Thu chăm chỉ học hành, buổi tối đi làm thêm để kiếm tiền tự nuôi bản thân, phần còn lại dành dụm những ngày nghỉ dài được về quê mua quà cho em. Những cố gắng của Thu rồi cũng đã được đền đáp xứng đáng. Ra trường, Thu có một công việc ổn định và một mức thu nhập tạm gọi là đủ sống, đủ sức phụ mẹ lo cho em.

Những ngày tháng này, cô vẫn sắp xếp công việc để có thời gian về thăm em, giúp mẹ đưa em đi học, đưa em đi chơi công viên. Thu hạnh phúc nhất là khi hỏi em gái mình: “Lan thương ai nhất?”, và được em gái trả lời là: “Thương chị nhất trên đời”.

Rồi Thu có người yêu, là một Việt kiều Mỹ, lại băn khoăn khi một lần nữa phải đưa gia đình lên cân nhắc. Dù yêu nhưng Thu không muốn phải theo chồng mà rời xa nơi này, chẳng có ai chăm lo khi bố mẹ ngày càng già, ai là người chăm sóc cô em gái ngây dại của Thu…Cuối cùng mọi việc được sắp đặt như đã có sự an bài từ trước, chồng Thu đồng ý sẽ sống ở Việt Nam cùng gia đình nhỏ.

Ngày chị lấy chồng ai cũng mừng, riêng Xuân Lan thì khóc

Thu chia sẻ: “Ngày mình báo tin lấy chồng, cha mẹ ai cũng mừng, nhưng riêng em gái Xuân Lan thì khóc. Con bé cứ nghĩ chị theo chồng là sẽ bỏ em, em không được gần gũi hay ngủ với chị nữa nên buồn lắm, cứ nói: “Chị Vỹ (tên ở nhà của Thu) lấy chồng, đừng bỏ Lan nha”. Ngày đám hỏi của mình, Xuân Lan cũng mếu máo mấy lần làm mình không thể nào không rơi nước mắt“.

Thu hiện tai đang sống hạnh phúc cùng chồng tại một căn hộ ở quận 7 của Sài Gòn, công việc của hai vợ chồng đều ổn định, tuy nhiên khá bận rộn. Nhưng Thu vẫn sắp xếp để thường xuyên cùng chồng về Bình Dương thăm nhà, cũng có khi mẹ và em lên thăm gia đình nhỏ của Thu. Trong những dịp như thế, Thu luôn tranh thủ đưa em và mẹ đi đây đi đó chơi, ăn uống hoặc xem phim…

Ước mơ cho em gái có một tương lai tốt đẹp hơn

Chưa lúc nào trong tâm Thu bỏ quên những ý nghĩ sẽ làm một điều gì đó thiết thực hơn cho em gái. Ốn định để bố mẹ yên tâm lúc tuổi già, Thu chia sẻ:

Mình muốn sau này dành dụm đủ mua một căn nhà rộng rãi ở đây để đưa cha mẹ và Xuân Lan về Sài Gòn sống luôn. Sau đó, mình sẽ tìm trường học dành riêng cho những em bé như Xuân Lan, để em được đi học. Biết đâu, khi được học tập trong môi trường thích hợp, với những bạn bè giống mình, Xuân Lan sẽ vui vẻ hơn thì sao?

Thu có cuộc sống hạnh phúc cùng chồng ở Sài Gòn

Với mình, Xuân Lan là một người em thiệt thòi, đáng thương, nhưng chính Lan đã tạo động lực cho mình vượt qua biết bao nhiêu khó khăn để có ngày hôm nay. Mình luôn mong muốn Lan sẽ có khoảng thời gian sau này thật tốt đẹp, không còn bị trêu ghẹo và không còn buồn bã nữa. Mình sẽ làm mọi điều tốt nhất cho em”. 

Tình cảm anh chị em ruột thịt luôn là một sợi dây gắn kết vô hình, người này là điểm tựa của người kia. Nếu một người yếu đuối thì người còn lại sẽ là niềm hy vọng vững vàng trong cuộc đời của họ.

Mong em gái sẽ có một tương lai thật tốt

Cái lạnh nhất không phải là cơn gió khi trời sang đông, mà chính là ở những nơi không có tình người. Sống trong cuộc đời này, đâu là điều ý nghĩa nhất mà bạn đang có? Chính là sự yêu thương đối với người thân và bè bạn, là sự bao dung và hi sinh cho nhau một cách vô điều kiện, là khi dù khó khăn, gian khổ tới mức tưởng như không thể chịu được vẫn kiên trì không buông tay nhau. Gia đình từ bao đời nay vẫn là nơi ấm áp và thiêng liêng nhất của mỗi người, nơi ta dù có ra đi vẫn muốn quay trở về, nơi ta tìm được bình yên thực sự, vì đó là nơi có mẹ có cha, có anh chị em, có tình thương và có hy vọng.

Nguồn ảnh: Afamily

Gia Viên