Một tuần có 7 ngày, nếu như mỗi ngày cha mẹ có thể chơi cùng con một trò chơi thì đó chính là mang đến cho con sự giáo dục thường xuyên cũng như khoảng thời gian hạnh phúc không gì đánh đổi được.

Có câu danh ngôn: “Con bạn cần sự hiện diện của bạn nhiều hơn những món quà” (Jesse Jackson). Thật vậy, thời gian cha mẹ dành cho con, chơi cùng con là vô cùng quý giá đối với quá trình phát triển và trưởng thành của chúng. Tuy nhiên cuộc sống hiện đại đã vô tình lấy đi của người lớn quá nhiều thời gian cho công việc và các mối quan hệ, khiến thời gian dành cho con chẳng còn lại là bao. Để giải quyết thực tế này, mỗi khi ở bên con cha mẹ hãy tăng cường “chất lượng” bù đắp cho số lượng.

Shanna Donhauser, chuyên viên kiêm nhà trị liệu về nuôi dạy trẻ mầm non, Seattle đưa ra lời khuyên về thời gian chất lượng cho con như sau:

Cha mẹ hãy dành ra một khoảng thời gian nhất định trong ngày cho riêng con. Đây là thời điểm không bị ảnh hưởng bởi điện thoại hay các công việc bận rộn, cha mẹ ở bên cạnh trẻ một cách trọn vẹn và cùng bước vào thế giới của con. Chỉ cần 10 hay 15 phút mỗi ngày cũng có thể tạo nên sự khác biệt to lớn, nhất là khi thời gian ấy đã được cha mẹ lên kế hoạch từ trước. Theo cách đó, cha mẹ đang cố gắng nói với trẻ một thông điệp ‘Cha/mẹ muốn biết hiện tại con thế nào, và cha/mẹ sẽ ở bên con một cách toàn tâm toàn ý’.

Có thể nói rằng “kế hoạch” là 2 từ cần nhớ. Bởi vì nếu không có kế hoạch, cha mẹ sẽ lúng túng không biết làm gì chơi gì cùng con, càng không biết dùng trò chơi để hiểu con và khéo léo dạy dỗ con. Khi chơi cùng con trở thành một hoạt động không thể thiếu giống như ăn uống hàng ngày, một cách tự nhiên cha mẹ sẽ đặt ra câu hỏi này: ‘Hôm nay chơi gì cùng con?’. Nó cũng nên thường trực như câu hỏi ‘Hôm nay ăn gì?’ vậy.

Dựa theo lời khuyên của các chuyên gia trên Reader’s Digest, ĐKN mang đến cho quý độc giả một kế hoạch “thực đơn” chơi cùng con 7 ngày trong tuần như sau:

Thứ hai: Chơi LEGO với con

Theo Erin Zambataro, Phụ trách Chương trình Giáo dục Mầm non, Thư viện Carnegie, Pittsburgh chia sẻ trên Reader’s Digest “Khi chơi ghép hình từ các khối (hoặc đồ chơi tương tự), trẻ em đang bước đầu tiếp cận các khái niệm STEM (gồm khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) như đo lường, đối xứng, cân bằng, kích cỡ và các kỹ năng mềm như khả năng sáng tạo, sự bền bỉ, làm việc nhóm, và thể hiện bản thân. Trò chơi này giúp trẻ nuôi dưỡng sự tự tin sau mỗi lần hoàn thành nhiệm vụ, chuẩn bị cho trẻ đối mặt với các bối cảnh và tình huống mà chúng sẽ gặp trong tương lai”.

Thứ ba: Chơi cờ với con

 “Hãy chơi cờ với con. Những lợi ích của trò chơi được phát huy tốt hơn khi trẻ em được chơi cùng người lớn. Cha mẹ có thể mở rộng trò chơi, tăng thêm thử thách, và cùng con giải quyết vấn đề.”, theo Erin Zambataro.

Thứ tư: Cùng con chơi trò “Điều gì sẽ xảy ra?”

“Hãy hỏi con những câu hỏi bắt đầu bằng ‘Điều gì sẽ xảy ra’. Chẳng hạn như, ‘Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta chỉ ghép các khối vuông lại với nhau?’ hoặc ‘Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể thở dưới nước?’ Suy nghĩ của trẻ em rất sáng tạo và có thể học hỏi nhiều khái niệm thực tế thông qua các trò chơi vui nhộn.” —Erin Zambataro. Và đây là một cách dễ dàng giúp khuyến khích con trẻ. 

Thứ năm: Dạy con thiền định

Fran Walfish, Tiến sĩ, chuyên viên tâm lý gia đình và các mối quan hệ xã hội của Beverly Hills, tác giả cuốn sách The Self-Aware Parent (tạm dịch là Cha mẹ thông thái) chia sẻ: “Một phần quan trọng trong việc giúp trẻ xây dựng tính kiên cường là dạy trẻ biết cách kiểm soát nỗi lo lắng và sự sợ hãi. Cha mẹ hãy nói với con rằng lo lắng là điều hết sức bình thường trong cuộc sống, và lo lắng chỉ là nhất thời, thường phát sinh khi trẻ nhận thấy các rủi ro khi đưa ra quyết định và quyết tâm thực hiện. Hãy giúp trẻ xét xem lo lắng ấy có chính đáng không và làm những điều cần thiết để xoa dịu những lo lắng ấy. Sau cùng, cha mẹ hãy hướng dẫn trẻ tự độc thoại nội tâm hoặc chuẩn bị một “câu thần chú” để có thể sớm trở nên bình tĩnh và ổn định cảm xúc bản thân.”

Thứ sáu: Nghịch đất cùng con

Lori Baudino, Tiến sĩ, Chứng chỉ chuyên viên tâm lý học lâm sàng và Chứng chỉ Nhà trị liệu bằng Khiêu vũ /Chuyển động (Board Certified Dance/Movement Therapist) cho biết: “Cha mẹ hãy giúp trẻ biết cách sử dụng các giác quan để khám phá môi trường xung quanh. Hỏi về điều con nhìn thấy, âm thanh con nghe được, những cảm xúc con cảm nhận được, mùi vị ra làm sao… Bằng cách này, trẻ biết cách nhận thức và kết nối với mọi môi trường. Trẻ em luôn rất tò mò, nhiều ý định và luôn muốn biết vì sao, như thế nào. Cha mẹ hãy hưởng ứng và tham gia cùng con. Khi có cha mẹ bên cạnh, đảm bảo an toàn, trẻ sẽ không ngừng khám phá, tìm tòi và đạt được sự mãn nguyện vượt trội về mọi mặt gồm trí tuệ, thể chất và tinh thần.” 

Thứ bảy: Cho con leo cây

 “Trẻ em cần có thời gian vui chơi ngoài trời mỗi ngày. Nghiên cứu cho thấy 20 phút chơi đùa ngoài trời có thể giúp mọi đứa trẻ tăng cường sự chú ý, ngay cả đối với trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Một nghiên cứu độc lập khác cho thấy thời gian vui chơi ngoài trời đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển toàn diện của trẻ và trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.” —Shanna Donhauser, chuyên viên kiêm nhà trị liệu về nuôi dạy trẻ mầm non, Seattle.

Chủ nhật: Cho con tham gia các hoạt động tình nguyện 

 “Khi chúng ta tốt bụng, hào phóng, công bằng và đồng cảm với người khác, đây chính là nền tảng của lòng tự trọng. Xây dựng lòng tự trọng là một quá trình, không phải là cảm giác có được chỉ sau một đêm, vì vậy cha mẹ hãy cho trẻ cơ hội tham gia phục vụ những người quanh mình. Hãy giúp con luôn giàu từ tâm và tử tế với người khác suốt cả cuộc đời.” —Fran Walfish,Tiến sĩ, chuyên viên tâm lý gia đình và các mối quan hệ xã hội của Beverly Hills, tác giả cuốn sách The Self-Aware Parent (tạm dịch là Cha mẹ thông thái).

Nguồn ảnh: Shutterstock.

Theo Reader’s Digest

Hà Nguyễn – Đan Tâm

Video xem thêm: Vì sao Nguyễn Trãi dạy con: “Áo mặc miễn là cho cật ấm; Cơm ăn chẳng lọ kén mùi ngon”?

videoinfo__video3.dkn.tv||dcf466139__