Trong thế giới hiện đại, các thiết bị công nghệ kỹ thuật số đang hấp dẫn cả người lớn và trẻ em, thậm chí là gây “nghiện”. Chúng tác động xấu đến tính cách và kết quả học tập của trẻ, nhưng thật khó để cách ly trẻ hoàn toàn khỏi các thiết bị này. Tiến sỹ Shin Yee Jin, chuyên gia giáo dục hàng đầu Hàn Quốc đưa ra 7 nguyên tắc dạy con thời đại công nghệ kỹ thuật số, chúng ta hãy cùng tham khảo.

Khi mà các thiết bị công nghệ kỹ thuật số đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của con người, những người không biết sử dụng các thiết bị công nghệ sẽ bị coi là “người nguyên thủy”. Sống trong một thời đại như vậy, nên ngay cả trước khi đi học mầm non, thậm chí đứa trẻ sơ sinh mới 4 tháng tuổi đã vô cùng thích thú với các thiết bị này. Trẻ em có thể đường đường chính chính cầm điện thoại trên tay sử dụng một cách thành thục.

Có rất nhiều lý do để lý giải nguyên nhân tại sao cha mẹ lại cho trẻ tiếp xúc với điện thoại, máy tính như: dỗ dành những cơn quấy khóc không dứt của con, giúp con học tiếng Anh nhanh hơn và tiện lợi hơn, và trên tất cả là bởi các thiết bị này có thể mang lại niềm vui cho con trẻ.

Hiện nay, Pháp cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong trường học. Đức và Phần Lan đưa ra khuyến cáo mạnh mẽ về việc hạn chế sử dụng điện thoại di động ở trẻ em. Ngay cả các thiên tài của thung lũng Silicon cũng cách ly máy vi tính và điện thoại khỏi cuộc sống thường ngày của con cái họ. Tại sao lại như vây? Bởi vì họ đã nhận ra mặt trái, những rắc rối của các thiết bị ấy đối với sự phát triển của trẻ. Vì họ biết rằng các thiết bị công nghệ này sẽ gây nghiện, không chỉ ảnh hưởng đến kết quả học tập mà còn gây hại cho nhân cách của trẻ.

Vẫn biết rằng biện pháp tốt nhất là phải tuyệt đối để trẻ tránh xa các thiết bị này. Nhưng làm sao có thể “bế quan tỏa cảng” khi mà chúng ta đang phải nuôi dạy con trong một thế giới đã hoàn toàn bị chinh phục bởi các thiết bị công nghệ này?

Trẻ tiếp xúc quá sớm với các thiết bị công nghệ thì dễ đem lại rất nhiều hệ lụy. (Ảnh: Diit.cz)

Thay vì bắt buộc phải lảng tránh, điều thiết thực hơn là cha mẹ hãy chuẩn bị cho mình một tư thế đối phó đúng đắn. Bởi vì đối với điện thoại thông minh hay các trò chơi điện tử, một khi trẻ đã hình thành nên thói quen sử dụng của riêng mình thì sau này sẽ rất khó sửa đổi. Các bậc cha mẹ có thể tham khảo 7 nguyên tắc dạy con thời đại công nghệ kỹ thuật số của Tiến sỹ Shin Yee Jin, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực giáo dục của Hàn Quốc để tìm ra cách dạy dỗ tốt nhất cho con em mình.

Nguyên tắc 1: Cho trẻ sử dụng khi nào?

Chúng ta nên để trẻ tiếp xúc với các thiết bị kỹ thuật công nghệ càng muộn càng tốt. Nhưng trên thực tế, không phải cứ bắt đầu muộn mới là tốt. Thậm chí, có những trẻ em ngay từ nhỏ đã sớm tiếp xúc với điện thoại thông minh, nhưng nhờ có phương pháp giáo dục thích hợp của cha mẹ nên vẫn có được những thói quen tốt. Ngược lại, cũng có không ít trẻ em đến tận cuối cấp I hoặc bước vào lứa tuổi thanh thiếu niên mới bắt đầu sử dụng các thiết bị công nghệ kỹ thuật số, nhưng vì giữa cha mẹ và con không có sự thấu hiểu lẫn nhau nên không kiểm soát được, thậm chí có thể xảy ra những hậu quả đáng tiếc hơn nữa.

Do đó, cha mẹ cần phải cẩn thận lựa chọn một thời điểm thích hợp. Có một vài điều kiện để có thể nhận định đâu là thời điểm thích hợp. Trước hết, chỉ cho trẻ sử dụng thiết bị công nghệ khi trẻ vẫn đặt dưới sự kiểm soát của cha mẹ. Tuy nhiên, cha mẹ không nên đơn phương áp đặt với trẻ. Nếu không, trẻ sẽ vờ như đang nghe lời, mà thật ra vẫn chưa tự nhận thức được vấn đề và tự nguyện làm theo.

Khi cân nhắc về thời điểm cho trẻ sử dụng các thiết bị công nghệ thông minh, cha mẹ nên nhận định xem trẻ đã đủ trưởng thành để tuân thủ theo các quy tắc mà cha mẹ đề ra chưa. Trẻ chỉ có thể tự kiểm soát bản thân và tuân thủ theo đúng quy tắc nếu đã có được nền tảng là khả năng tiết chế, khả năng điều tiết sự kích động và khả năng chịu đựng nỗi thất vọng, để dù trẻ vẫn còn muốn chơi cũng vẫn có thể kiềm chế được.

Nếu nhận thấy trẻ có biểu hiện khó kiểm soát sự kích động hoặc thiếu tập trung hơn so với những trẻ em cùng tuổi, thì cha mẹ chưa nên cho con sử dụng các thiết bị này. Thay vào đó, cha mẹ hãy tập trung giải quyết vấn đề của con đang gặp phải trước tiên. Bởi vì, những trẻ em thiếu khả năng tập trung và có xu hướng bốc đồng thì sẽ dễ sa đà, dễ phụ thuộc vào các thiết bị điện tử hơn các trẻ em khác.

Sự vận động cần thiết là quan trọng với sự phát triển của trẻ, các thiết bị công nghệ chỉ phục vụ cho những nhu cầu về học tập giải trí khi thực sự cần thiết. (Ảnh:Yeutre.vn )

Nguyên tắc 2: “Nội dung” quan trọng hơn “thời gian”

Yếu tố “nội dung” quan trọng hơn yếu tố “thời gian”. Việc trẻ chơi trong mấy tiếng đồng hồ không có tác động nhiều bằng việc trẻ chơi cái gì trong mấy tiếng đồng hồ đó. Vì vậy, cha mẹ nên vạch rõ phạm vi những việc trẻ được làm và không được làm.

Đối với những trẻ thích chơi game, cha mẹ cần kiểm soát chặt chẽ về những nội dung mà trẻ tham gia. Hãy đảm bảo rằng trẻ không truy cập các trang web bạo lực, có nội dung không phù hợp với trẻ. Nhất là không được cho trẻ tham gia vào những trò chơi trực tuyến có đối thủ là người lớn, vì như vậy trẻ sẽ dễ dàng bị đẩy vào tình huống nguy hiểm.

Ngoài ra, cha mẹ cần quan tâm đến các thông tin cá nhân của trẻ. Hãy đặt ra cho trẻ nguyên tắc tuyệt đối không bao giờ được công khai các thông tin cá nhân như họ tên, trường học, số điện thoại… Cha mẹ cần giải thích cho trẻ hiểu rằng những thông tin được đăng tải dễ bị lợi dụng phục vụ cho mục đích xấu.

Nguyên tắc 3: Ngay từ đầu cha mẹ phải đặt ra khung hình phạt nếu trẻ không giữ lời hứa

Trước khi cha mẹ cho trẻ sử dụng các thiết bị công nghệ, cha mẹ cần giúp trẻ hiểu rõ và ghi nhớ rằng mình sẽ phải tuân thủ những quy tắc nào, và khi không giữ đúng lời hứa thì sẽ phải nhận những hình phạt nào.

Nguyên tắc 4: Cha mẹ cần giải thích lý do đặt ra các quy tắc

Khi truyền đạt cho trẻ những quy tắc và giới hạn trong việc sử dụng các thiết bị điện tử, cha mẹ cần trò chuyện, phân tích lý do vì sao việc tuân thủ những quy tắc và giới hạn này là cần thiết. Có như vậy, trẻ mới cảm nhận được tính chất bắt buộc của việc này. Nếu cha mẹ chỉ đơn phương áp đặt, trẻ sẽ coi những lời của cha mẹ như lời phàn nàn phiền phức và sẽ kích động tâm lý chống đối.

Cha mẹ hãy từ tốn giải thích và giúp trẻ hiểu rằng: nếu con chơi điện tử quá nhiều thì sau này bộ não sẽ không phản ứng với những kích thích đơn thuần từ việc đọc sách hay học tập nữa. Mà như thế thì con sẽ khó thành công. Cha mẹ hãy cùng nhau lựa chọn những lời hay ý đẹp để giảng đạo lý cho trẻ, trẻ sẽ tự giác thực hiện các quy định của cha mẹ.

Dạy cho trẻ ý thức được rằng nếu như dùng các thiết bị điện tử để phục vụ việc chơi là hoàn toàn vô bổ. (Ảnh: NY Daily News)

Nguyên tắc 5: Cha mẹ cùng con chia sẻ những trải nghiệm kỹ thuật số

Cha mẹ hãy lắng nghe và chia sẻ cùng con những trải nghiệm do các trò chơi điện tử mang lại. Với cách làm này, trẻ sẽ cảm nhận được sự đồng cảm của cha mẹ. Trẻ sẽ cảm thấy rằng cha mẹ luôn quan tâm đến việc mình sử dụng các thiết bị điện tử. Từ đó hình thành ở trẻ trách nhiệm phải thực hiện các quy tắc do cha mẹ đề ra.

Nguyên tắc 6: Cả gia đình đều đồng thuận

Khi đề ra các quy tắc trong việc sử dụng các thiết bị công nghệ điện tử, thì sự đồng thuận của gia đình trong việc chấp hành các quy tắc là vô cùng quan trọng. Sự đồng thuận có thể đạt được thông qua các “cuộc hội ý gia đình”. Từ đây, mọi người đều có thể hiểu lập trường, quan điểm của nhau và đặt ra các quy tắc để mọi người cùng tuân theo.

Cha mẹ có thể tổ chức các buổi “hội ý gia đình” để xác định xem thành viên nào trong gia đình đang tuân thủ tốt các quy tắc đã đề ra. Đồng thời, những câu chuyện mà mọi người chia sẻ giúp cho các thành viên trong gia đình hiểu nhau hơn, gắn kết chặt chẽ hơn. Do đó, các cuộc hội ý này sẽ thúc đẩy tinh thần trách nhiệm của các thành viên trong gia đình.

Cha mẹ có thể định ra một ngày trong một tuần cả gia đình đều không sử dụng điện thoại, máy tính. Thay vào đó, mọi người sẽ cùng tham gia một hoạt động chung như đọc sách. Giải phóng khỏi các thiết bị trong một ngày vừa là cách bảo vệ an toàn cho bộ não, vừa là cơ hội để cha mẹ xác định độ phụ thuộc của chúng ta đối với các thiết bị này. Thêm vào đó, việc này còn góp phần tăng cường sợi dây gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình.

Cha Mẹ đóng vai trò quản lý nhưng phải tỏ ra rất hợp tác với con trẻ, nhẹ nhàng uốn nắn trẻ sử dụng các thiết bị công nghệ một cách đúng đắn. (Ảnh: NewBranch)

Nguyên tắc 7: Nếu cha mẹ không kiểm soát được tình hình, hãy nhờ sự trợ giúp của các chuyên gia

Cha mẹ hãy nhớ “say mê” và “nghiện” là hai khái niệm khác nhau. Trạng thái “say mê” là thường xuyên có hứng thú làm một việc gì đó vì yêu thích, nhưng vẫn đủ tỉnh táo để phân biệt khi nào cần làm và khi nào cần dừng để chuyển sang việc khác.

“Nghiện” là một trạng thái hoàn toàn khác. Bộ não con người khi ở trong trạng thái “nghiện” sẽ chỉ khát khao một điều duy nhất, tập trung vào một điều duy nhất đến mức mất khả năng kiểm soát. Đây chính là nguyên nhân gây tử vong sau nhiều ngày liên tiếp chơi điện tử trong các quán internet gây chấn động dư luận trong thời gian qua.

Khi trẻ quá say mê, chỉ cần có sự đồng hành của cha mẹ thì mọi việc còn kiểm soát được. Ngay cả với trạng thái nghiện, nếu cha mẹ có quyết tâm và cố gắng cùng con đến cùng thì dù vực sâu có tăm tối đến đâu vẫn còn hy vọng giúp trẻ cân bằng lại.

Tuy nhiên, nếu trẻ quá nghiện mà cha mẹ không có phương pháp giáo dục nào khác, thì cha mẹ phải nhờ đến sự trợ giúp của các chuyên gia tư vấn. Có như vậy, trạng thái “nghiện” của trẻ mới được can thiệp điều trị có hiệu quả. Thời gian qua, có không ít các trường hợp phải nhập viện để điều trị những rối loạn về tâm thần do trẻ quá nghiện mạng xã hội và trò chơi điện tử.

Nếu trẻ từ chối đến bệnh viện điều trị thì cha mẹ cần kết hợp cùng chuyên gia giúp trẻ điều trị tại nhà. Nếu cha mẹ cáu giận và tự ý can thiệp, có thể cha mẹ sẽ càng nổi nóng hơn, tình trạng của trẻ sẽ tệ hơn. Lúc này, tốt nhất cha mẹ hãy tìm sự trợ giúp từ bên ngoài cho vấn đề này của trẻ.

Nuôi dạy con trở thành người thông minh nhưng sáo rỗng, chỉ có kiến thức mà không có trí tuệ, không thể làm chủ cơn nóng giận với cảm xúc bất an, chỉ biết tìm đến cha mẹ, không biết phải xoay xở ra sao khi chỉ có một mình; hay dạy con để chúng trưởng thành, thực sự có trí tuệ có nhân cách, tất cả phụ thuộc vào phương pháp dạy con của cha mẹ.

Hồng Ân