Làm việc trong các môi trường quốc tế là đích đến của nhiều bạn trẻ bởi mức lương cao và phong cách làm việc chuyên nghiệp. Nhiều bạn trẻ có chuyên môn tay nghề cao nhưng không dám gửi đơn xin việc đến các tập đoàn quốc tế vì nỗi lo làm việc các sếp và đồng nghiệp nói tiếng Anh. 

Trong bài học này, chúng ta sẽ thực hành nói tiếng Anh tại môi trường làm việc với 5 lưu ý sau đây:

1. Chọn cách xưng hô phù hợp

Bạn có thể chủ động tìm hiểu trước về đối tác, hoặc dành thời gian đọc danh thiếp khi gặp để xưng hô cho phù hợp, đúng chức danh. Ngoài ra, hãy nhớ rằng:

 – Họ tên người nước ngoài thường có vị trí ngược so với tiếng Việt. Nếu đối tác của bạn tên Alex Spencer (Alex là tên còn Spencer là họ), hãy luôn gọi ông ấy là “Mr. Spencer”, trừ khi ông ấy nói “Please call me Alex” (Bạn có thể gọi tôi là Alex thôi là được rồi) thì hãy gọi ông ấy bằng tên.

 – Dùng Mr. để chỉ đối tác là nam; Ms. hoặc Mrs. để chỉ đối tác là nữ. Nếu không chắc chắn người nữ đối diện đã kết hôn hay chưa, bạn có thể dùng Ms. như một giải pháp an toàn, tránh gây hiểu lầm.  

2. Giới thiệu đối tác với mọi người

(Ảnh: http://owensxley.com)

Sau khi gặp trực tiếp, cách bạn giới thiệu đối tác cho mọi người cũng là một khâu quan trọng để thể hiện sự chuyên nghiệp của bản thân. Bạn có thể tham khảo một số mẫu câu như:

I’d like to introduce you to my manager, Mrs. Linh Nguyen. (Xin giới thiệu với ông đây là quản lý của tôi, bà Linh Nguyen.)

 Allow me to introduce my colleague, Hoang Anh. (Cho phép tôi được giới thiệu đồng nghiệp của mình, anh Hoang Anh.)

 Van, this is Mr. John Snow from Aerospace Inc. (Thưa ông Văn, đây là ngài John Snow từ tập đoàn Aerospace Inc.)

3. Trình bày ý kiến tranh luận

Một nét văn hóa rất hay ở các nước phương Tây là họ luôn khuyến khích bạn đưa ra ý kiến tranh luận để làm rõ hơn vấn đề. Tuy nhiên trong kinh doanh, bạn sẽ cần chọn cách trình bày lịch sự, phù hợp để tỏ mong muốn đóng góp với đối tác. Những mẫu câu thông dụng nhất gồm:

That may be true. However,… (Ý kiến đó nghe khá ổn. Tuy nhiên…)

I’m afraid I cannot agree with you on that. (Tôi e là mình không hoàn toàn đồng ý với bạn.)

I’m sorry but that’s not quite what I got in mind. In my opinion… (Tôi xin lỗi nhưng tôi không nghĩ vậy. Theo ý kiến của tôi thì…)

4. Chủ động đưa ra lời mời

(Ảnh: https://haasintheworld.wordpress.com)

Thông thường, những buổi gặp gỡ đối tác không chỉ dừng lại trong phòng họp mà đó có thể là một bữa ăn trưa hoặc ăn tối để tạo không khí thân thiện hơn. Hãy luôn chủ động đưa ra lời mời và chọn cách đặt vấn đề, vì ngôn ngữ quá đời thường sẽ không phù hợp khi nói chuyện với đối tác, nhưng lời lẽ trịnh trọng quá mức lại dễ gây cảm giác giả tạo. Bạn có thể chọn những giải pháp an toàn như:

 I’d like to invite you to…(Tôi muốn mời ông/ bà…)

 Would you like to join us for lunch? (Bạn có muốn đi ăn trưa cùng chúng tôi không?)

 We’d be glad to have you as our guest at…(Sẽ rất tuyệt nếu bạn có thể cùng chúng tôi dùng bữa tại…)

5. Đừng chỉ nói “Goodbye”

Cuối cùng, một trong những yếu tố tạo nên sự khác biệt, chuyên nghiệp trong mắt đối tác nước ngoài chính là cách bạn chào tạm biệt sau buổi họp. Bạn đừng nên đi theo lối mòn và chỉ biết nói “goodbye”. Thay vào đó, hãy gây ấn tượng tốt bằng cách dùng những lời chào mang tính lạc quan, thiện chí hơn như:

Thanks for your time. It has been great discussing with you. (Cám ơn ông/ bà đã dành thời gian. Thật vui khi có cơ hội trao đổi chi tiết với ông/ bà.)

I look forward to our next meeting. (Rất mong được gặp lại ông/ bà trong buổi họp kế tiếp.)

Please feel free to contact me if you have any question. I’m sure we will keep in touch. (Xin cứ liên hệ với tôi nếu bạn có thêm câu hỏi gì. Tôi chắc chắn sẽ luôn liên lạc được.)

Thiện Nhân (Tổng hợp)