Ngoài tính năng dẫn đường, giúp tránh chướng ngại vật, gậy thông minh của nhóm sinh viên trường Đại học (ĐH) Bách khoa Đà Nẵng và ĐH Sư phạm Kỹ thuật ĐH Đà Nẵng còn biết báo động khi người khiếm thị, người già bị ngã.

Sản phẩm của nhóm sinh viên trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng

Theo Lê Quốc Tín sinh viên năm 4, trưởng nhóm nghiên cứu, gậy dò đường thông minh gồm 3 phần chính: tay cầm, cảm biến và hộp điều khiển trung tâm. Cảm biến được đặt ở nhiều nơi trên gậy, như ở phần chân cho mục tiêu phát hiện các vật cản nhỏ, 3 cảm biến ở phần giữa để dò ra các chướng ngại kích thước lớn hơn.

Quốc Tín cho biết thêm một chức năng quan trọng khác của gậy là thông báo cho người nhà khi người thân gặp nạn. Cụ thể khi tai nạn xảy ra, gậy có thể tính toán thời gian “nằm bất động” của mình, đồng nghĩa với việc người dùng đang gặp sự cố, nhờ đó hộp điều khiển trung tâm có gắn một thẻ sim điện thoại có thể tự động nhắn tin hoặc thực hiện các cuộc gọi đến người thân của người dùng, thông báo vị trí GPS giúp nhanh chóng tìm kiếm.

Gậy thông minh này còn được tích hợp nhiều tính năng khác như phần tay cầm có gắn đèn, còi để tạo sự chú ý với những người xung quanh. Quốc Tín nói trên báo Tuổi Trẻ: “Bọn mình đang đánh giá thị trường và tiếp tục tích hợp ứng dụng chỉ đường như Google Maps cho người khiếm thị thông qua cây gậy này”.

Nhóm sinh viên đem gậy chỉ đường thông minh đi thử nghiệm ở Tp. Đà Nẵng (ảnh: Hà Nam/Tuổi Trẻ).

Sản phẩm của nhóm sinh viên Khoa Điện – Điện tử, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng

Từ câu chuyện của một giảng viên khi liên tục phải vào điện thoại theo dõi bố mẹ già ở nhà vì bố mẹ cô tuổi đã cao, đi lại không vững, nhóm sinh viên Khoa Điện – Điện tử (trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật – ĐH Đà Nẵng) bắt tay vào triển khai ý tưởng chế tạo một chiếc gậy thông minh, tích hợp ứng dụng công nghệ để hỗ trợ người già.

Thành viên của nhóm gồm các bạn Lê Như Thiên Sao, Nguyễn Trọng Nhiên, Lê Đặng Thái Phong, Lê Thị Hướng và Huỳnh Đình Sâm.

Sau 2 năm nghiên cứu và phát triển, sản phẩm của nhóm đã không ngừng cải tiến, nâng cấp, gặt hái không ít thành công tại các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật. Tháng 5/2018, chiếc gậy thông minh hỗ trợ người già đầu tiên ra đời sau 10 tháng chuẩn bị lên ý tưởng, chế tạo, thất bại rồi lại tiếp tục sữa chữa.

Bằng những kiến thức được học, cộng với việc nghiên cứu tính ứng dụng thực tiễn của sản phẩm, gậy thông minh được nhóm chế tạo nhằm mục đích theo dõi, hỗ trợ người già, trong đó nổi bật với tính năng phát hiện, cảnh báo nếu người già trượt ngã.

Bạn Lê Như Thiên Sao cho biết trên báo Dân Trí: “Hình dáng chiếc gậy thông minh này không khác một chiếc gậy người già thường sử dụng được bày bán trên thị trường là mấy. Tuy nhiên những công nghệ vượt trội lại được cả nhóm mài công nghiên cứu, nằm gọn ở phía tay cầm của gậy”.

Theo bạn Sao, bình thường chiếc gậy sẽ đặt theo phương thẳng đứng, bằng cách sử dụng cảm biến gia tốc trọng trường, nếu chiếc gậy nghiêng một góc gần bằng 90 độ một cách đột ngột (tức lúc người già không may trượt ngã), cảm biến sẽ ghi nhận và phát ra cảnh báo.

Hệ thống sẽ tự động gọi điện thoại, nhắn tin đến lần lượt các số điện thoại cài đặt sẵn trên app để thông báo khi người già gặp nguy hiểm (ảnh: Dân Trí).

Hệ thống sẽ nhanh chóng định vị qua GPS được tích hợp sẵn, tự động gọi điện thoại, nhắn tin đến lần lượt các số điện thoại cài đặt trong app trên smartphone, gửi vị trí định vị, đồng thời phát loa ngay tại chiếc gậy để những người xung quanh được biết. Phía tay cầm của chiếc gậy cũng tích hợp sẵn các nút bấm, nếu người già cảm thấy sức khỏe không ổn định, cần sự trợ giúp thì chỉ cần nhấn nút, các cuộc điện thoại, tin nhắn và cảnh báo sẽ được gửi đi.

Trong một số trường hợp bị té ngã nhưng người sử dụng vẫn thấy khỏe mạnh và có thể đứng dậy được hoặc trường hợp không phải người sử dụng bị té ngã, mà do vô ý làm rơi gậy thì có thể nhấn nút màu xanh để gửi tin nhắn thông báo cho người thân không cần phải đến cứu giúp. Nút màu trắng còn lại là nút tắt âm thanh thông báo trên loa của thiết bị.

Bạn Lê Đặng Thái Phong, thành viên của nhóm cho hay: “Chiếc gậy giúp người già và cả người thân trong gia đình chủ động trong việc theo dõi, trợ giúp. Chỉ bằng một cái nhấn nút, các cuộc gọi, tin nhắn sẽ lần lượt được phát đi theo đúng trình tự cài đặt trong app tích hợp. Chúng em cũng đã nhiều lần thử nghiệm, kết quả khả quan khi hệ thống hoạt động khá ổn định, chi phí lại thấp hơn nhiều so với các sản phẩm thông minh đang có ở thị trường trong và ngoài nước”.

Tính năng nổi bật của gậy là phát hiện, cảnh báo nếu người già trượt ngã (ảnh: Dân Trí).

Chi phí chế tạo một sản phẩm vào khoảng 500.000 đồng, sản phẩm của nhóm dự kiến sẽ có giá bán thấp hơn nhiều so với thị trường.

Video xem thêm: Điều gì làm nên giấc mơ Shen Yun?

videoinfo__video3.dkn.tv||8ccc916fa__