Trong nhân gian có nhiều người thành đạt, nhưng làm thế nào để biết ai là anh hùng ai kẻ tiểu nhân? Nếu nhìn bề ngoài địa vị và tiền bạc thật khó đoán định, duy chỉ có xem hành xử, xét tâm thái mới phát hiện ra bậc cao nhân chân chính.

Thành công là niềm mơ ước không của riêng ai, sự khác biệt ở chỗ lựa chọn tâm thái nào để nỗ lực, từ đó số phận mỗi người khác nhau.

Có người quen tính toán, thích dùng mưu kế, cả đời lấy lợi ích và công danh làm chí hướng, cũng có thể toại nguyện. Nhưng đổi lại là tâm thân phiền não và thành công ấy chỉ dừng ở lợi nhỏ, thậm chí có thể hại người không biết. Ngược lại, cao nhân ôm chí lớn, chiểu theo đạo của Thánh hiền, dùng lòng Nhẫn mà làm việc đại sự trong thiên hạ, kiến lập uy Đức rạng ngời.

Lão Tử giảng: “Kẻ đại trí trông như ngu đần, kẻ đại dũng trông như khiếp sợ, kẻ khôn khéo thì trông như vụng về” (Đại trí nhược ngu, đại dũng nhược khiếp, đại xảo nhược chuyết).

Người có thực tài thường không để lộ tài năng ra bên ngoài. Năng lực của họ như châu ngọc, không hiển thị để làm lóa mắt người khác. Vẻ ngoài nhu nhược, dường như là ngốc nghếch lại ẩn chứa tâm rộng như biển cả, nội lực thâm hậu phi thường.

Phải là người có đức Nhẫn cao, trí huệ lớn mới ẩn giấu được tài năng của bản thân. Người xưa cho rằng “Chân nhân bất lộ tướng, lộ tướng bất chân nhân”. Nhưng con người hiện đại thường làm điều ngược lại, cho rằng phải thể hiện cái tôi mạnh mẽ, khoe khoang năng lực để mưu cầu tiến thân. Kỳ thực là chạy theo lợi ích, ham hư vinh mà không nghĩ đến lập Đức. Do vậy, khi gặp mâu thuẫn và đứng trước cám dỗ, họ thường không nhẫn được.

Trong cuốn “Lưu hầu luận” của Tô Thức có đoạn viết: “Kẻ mà được gọi là hào kiệt, ắt phải có tiết khí hơn người. Nhân tình có chỗ không thể nhịn được, bởi vậy, kẻ thất phu gặp nhục thì tuốt kiếm tương đấu, cái đó chưa đủ gọi là dũng. Những bậc đại dũng trong thiên hạ, trái lại, thình lình gặp những việc kinh thiên động địa cũng không kinh sợ, vô cớ gặp những điều ngang trái cũng không oán giận. Đó là nhờ chỗ hoài bão của họ rất lớn và chí của họ ở rất xa”.

Từ cổ chí kim, bậc Đế vương vì đại nhẫn mà được thiên hạ, tướng lĩnh vì đại nhẫn mà được lâu dài, thương nhân vì đại nhẫn mà được giàu sang phú quý, người thường vì đại nhẫn mà có được tri kỷ.

Quán quân võ thuật bị đánh không đánh lại

Hơn 10 năm trước, tại một huyện ở miền Bắc Trung Quốc, xảy ra một trận ẩu đả. Trên phố, một nhóm côn đồ địa phương thay phiên nhau đánh đấm một người đàn ông trung niên cao to và khỏe mạnh. Sau khi im lặng chịu đựng trận đòn man rợ, mũi và miệng người đàn ông trung niên đã rớm máu.

Tuy nhiên, điều lạ là ông không đánh lại, cũng không tránh những cú đấm và cú đá. Người xem đều cho rằng người đàn ông này thật khờ dại.

Một cụ già không thể đứng xem cảnh này lâu hơn được nữa. Sau khi đám du côn rời đi, cụ già tới lau vết máu trên mặt người đàn ông trung niên. Cụ ngạc nhiên khi nhìn kỹ và nhận ra rằng đây là một huấn luyện viên trường võ thuật chuyên nghiệp ở một huyện gần đó. Thêm nữa, người đàn ông này đã đoạt giải quán quân trong một cuộc thi võ thuật danh tiếng!

Quá kinh ngạc, cụ già hỏi ông: “Với công phu của mình, ông thừa sức khuất phục mấy tên lưu manh đó. Tại sao ông không đánh lại khi bị đánh như vậy?”

Người đàn ông trung niên điềm tĩnh đáp: “Những người luyện võ giảng về ‘võ đức’. Bị họ đánh vài lần không thể gây ra vết thương lớn nào đối với tôi. Còn nếu động thủ tôi có thể làm chết người ấy chứ. Ngoài ra, đánh nhau với đám du côn không biết võ đó có thể làm bẩn tay tôi”.

Đại tướng quân Hàn Tín chịu nhục chui háng

Điển cố “Hàn Tín chịu nhục chui háng” là minh chứng lịch sử cho bậc đại trí nhược ngu.

Thời ấy, gia cảnh bần cùng, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc nhưng chí hướng của Hàn Tín đặt ở nơi cao xa, lại là người luyện võ nên ông thường đeo bên mình một thanh bảo kiếm.

Trong thành Hoài Âm có một kẻ vô lại là con trai của một người đồ tể, kẻ vô lại này rất ngang ngược, thường hay bắt nạt người khác.

Một lần vì muốn hạ nhục Hàn Tín nên hắn ta đã ở nơi đông người mà chặn đường ông. Kẻ vô lại nói: “Ngươi khoác kiếm làm gì? Ngươi dám sát nhân không? Ngươi dám sát nhân thì chặt đầu của ta xem. Nếu ngươi không dám sát nhân thì ngươi chui háng ta mà đi”.

Đối mặt với sự khiêu khích đột nhiên xảy đến này, Hàn Tín không hề sợ hãi mà nhìn thẳng vào kẻ vô lại thật lâu. Cuối cùng, thần sắc không hề thay đổi, ông thực sự đã chui qua háng của kẻ vô lại mà đi.

Nếu khi ấy Hàn Tín lấy đầu kẻ vô lại bằng thanh bảo kiếm của mình, ông sẽ không phải chịu nỗi nhục chui dưới háng của hắn. Nhưng ông đã nhẫn chịu nỗi nhục này để tránh lấy đi một mạng người.

So với chí hướng cao xa, lòng ôm hoài bão lớn thì những việc vô cớ trở thành không đáng kể. Người mong muốn làm việc đại sự, ắt phải có tâm đại nhẫn, có tĩnh khí, và Hàn Tín thực sự đã làm được điều này.

Sau này, Hàn Tín trở thành đại tướng quân của Hán Cao Tổ Lưu Bang, giúp ông sáng lập triều Hán. Công lao vĩ đại của Hàn Tín đối với triều Hán đã chứng minh ông là một bậc đại trí.

Hoàng đế Đường Tuyên Tông nhượng bộ, chịu khổ

Trước khi lên ngôi, hoàng đến Đường Tuyên Tông (tên thật Lý Thầm) đã từng chịu nhục, giả ngốc, cũng đã từng rời khỏi kinh đô lưu lạc chốn nhân gian.

Tháng 2/820, anh của Lý Thầm là Lý Hằng được thái giám giúp lên làm Hoàng đế lấy hiệu là Đường Mục Tông. Bốn năm sau, Đường Mục Tông bị bệnh chết, Đường Kính Tông Lý Trạm lên ngôi. Nhưng ông cũng chỉ sống đến năm 18 tuổi rồi băng hà. Sau khi Đường Kính Tông Lý Trạm chết, Đường Văn Tông Lý Ngang và Đường Vũ Tông Lý Viêm lần lượt lên thay.

Trong khoảng thời gian dài 20 năm, Lý Thầm đều trốn tránh, giả ngốc, không tham dự vào việc gì, rất kiệm lời. Đường Văn Tông thường đến dụ ông nói chuyện, xem như là một trò vui còn Đường Vũ Tông thì coi thường và không tôn trọng ông. Năm 841 khi Đường Vũ Tông lên ngôi, vì để tránh tai họa, bảo toàn tính mạng ông liền xin làm hòa thượng, đi du hành khắp nơi, rời xa chốn thị phi.

Trong thời gian này, ông vẫn giả ngây giả ngốc, che dấu danh tính của mình. Sau khi Đường Vũ Tông chết, hoạn quan khuynh đảo triều đình, muốn nhân lúc này mà lập người ngu dốt lên ngôi để dễ bề thao túng, nên cuối cùng quyết định chọn Lý Thầm.

Năm 846, Lý Thầm sau thời gian chịu khổ nhẫn nhục đã trở lại cung, đăng cơ trở thành vị Hoàng đế có nhiều công lao với đất nước. Từ khi lên ngôi, Lý Thầm như trở thành người hoàn toàn khác, thông minh, trí tuệ hơn người khiến nhiều người nể phục.

Trong suốt thời gian lưu lạc tại nhân gian, ông biết rõ khó khăn của dân chúng, ông cũng sống thanh đạm tiết kiệm cho nên đến tận thời nhà Đường suy vong, ông vẫn được dân chúng xưng tụng là “Tiểu Thái Tông”, có ý so sánh ông với Đường Thái Tông – vị hoàng đế vĩ đại của Trung Hoa. Khoảng thời gian 13 năm ông trị vì đất nước cũng là thời đại hưng thịnh cuối thời Đường.

Lý Thầm trước khi lên ngôi phải đối mặt với rất nhiều hoàn cảnh phức tạp rối ren nhưng ông có thể nhẫn chịu hết thảy, tránh được tai họa mất mạng. Nhờ điều này Lý Thầm cuối cùng có cơ hội lên ngôi, thành tựu được nghiệp lớn. Nếu không có đức tính nhẫn nhịn, biết thoái lui thì sẽ không thể có kết quả sau này như vậy.

Lý học gia nổi tiếng thời nhà Tống, Trình Di từng nói:

Nhẫn được cả việc mà người thường không thể nhẫn, khoan dung cả việc mà người thường không thể khoan dung, ấy chỉ có bậc trí huệ hơn người mới làm được.

Video: Cổ nhân thường nói “tích đức, thất đức” – Đức ấy là gì?

videoinfo__video3.dkn.tv||3e7c4ea50__