Nhiều người Việt Nam đã thuộc nằm lòng câu nói: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Đây cũng chính là câu mở đầu của bộ sách giáo dục trẻ em truyền thống “Tam tự kinh”, từng được ngợi ca và sử dụng rộng rãi ở các nước Á Đông như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. “Tam tự kinh” chỉ có trên 1000 chữ nhưng bao trùm cả văn học, lịch sử, triết học, thiên văn, địa lý, luân thường đạo lý. Sách thích hợp với trẻ nhỏ nhờ hình thức thơ 3 chữ ngắn, đơn giản, có thể hát như đồng dao nghe rất vui tai.

Tiếp theo bộ kinh điển giáo dục trẻ em “Phép tắc người con” (Đệ tử quy), Đại Kỷ Nguyên hy vọng rằng bộ sách “Tam tự kinh” này sẽ giúp các em nhỏ và mỗi người chúng ta nuôi dưỡng bản tính thiện lương, tịnh hóa tâm hồn, tìm lại và nâng cao những giá trị truyền thống tốt đẹp trong thời buổi đạo đức suy thoái hôm nay.

Kinh văn

Rằng nhân nghĩa, lễ trí tín

Ngũ thường đó, chớ rối loạn.

Diễn giải

Nói đến Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín là nói đến chuẩn tắc làm người và xử sự. Mang trong lòng tình yêu con người và làm lợi cho vật gọi là “Nhân”. Sự việc phù hợp với chính thường gọi là “Nghĩa”. Khiêm nhường có chừng mực gọi là “Lễ”. Năng lực suy nghĩ cẩn thận và phân biệt rõ ràng gọi là “Trí”. Thái độ và ngôn hành thành thật mà không lừa dối gọi là “Tín”. Năm loại phép tắc này mỗi người đều nên tuân thủ, một chút cũng không cho phép làm rối loạn. 

Câu chuyện: Từ bỏ tín nghĩa, sơn* mất người vong 

Ngu Phu là một người kinh doanh sơn ở nước Việt thời Xuân Thu, cùng thời với Kế Nhiên và Phạm Lãi. Ông không cam chịu cuộc sống bần khổ, thấy bạn bè kinh doanh rồi giàu có, ông cũng háo hức muốn thử. Đầu tiên, ông tìm đến chỗ Kế Nhiên để thỉnh giáo phương pháp làm giàu. Kế Nhiên nói với Ngu Phu: “Hiện giờ nguồn tiêu thụ sơn rất lớn, ông tại sao không trồng một ít cây sơn, thu hoạch rồi bán sơn?”. Ngu Phu nghe xong vô cùng vui mừng, bèn thỉnh giáo cách trồng cây sơn, Kế Nhiên kiên nhẫn chỉ giáo. Ngu Phu sau khi trở về thì thức khuya dậy sớm cần cù lao động, cuối cùng khai khẩn được vườn cây sơn rất lớn. 

Sau ba năm cây sơn đã lớn, Ngu Phu vô cùng vui mừng. Nếu có thể chặt cây mà chế được vài trăm hộc sơn thì có thể kiếm rất nhiều tiền. Ông chuẩn bị đem sơn đã chế ra vận chuyển đến nước Ngô để bán. Đúng lúc ấy, anh vợ thấy được và nói với Ngu Phu rằng: “Tôi thường đến Ngô quốc buôn bán nên biết được nước Ngô tiêu thụ sơn như thế nào, làm tốt, có thể được lợi tức gấp mấy lần!”. 

Ngu Phu nôn nóng phát tài, hỏi lần nữa làm thế nào mới có thể được lợi nhiều hơn, anh vợ ông nói: “Sơn ở nước Ngô là món hàng bán chạy. Tôi thấy không ít người bán sơn đều nấu lá cây sơn, dùng dầu của lá cây sơn nấu được hòa lẫn với sơn. Như thế mới đạt được lợi nhuận lớn hơn nữa, mà người nước Ngô cũng không phát hiện được”. Ngu Phu nghe xong, ngày đêm tận lực lấy lá sơn nấu thành dầu lá sơn, sau đó trộn với sơn rồi vận chuyển đến nước Ngô. 

Khi ấy, quan hệ của hai nước Ngô – Việt rất căng thẳng, không cho thông thương, sơn ở nước Ngô xác thực là hiếm có. Người buôn ở nước Ngô nghe nói Ngu Phu đến bán sơn đều hưng phấn không thôi, đi đến ngoại thành để đón tiếp ông, còn sắp đặt cho ông nơi ăn ở rất tốt. Tại nơi Ngu Phu ở, những người buôn sơn nước Ngô xem sơn của ông, quả nhiên biết đây là sơn thượng phẩm, bèn hỏi giá tiền, dán giấy niêm phong, hẹn hôm sau đổi tiền lấy vật.   

Đợi đến khi những lái buôn đi khỏi, Ngu Phu bèn mở niêm phong, ngay trong đêm lấy dầu đã nấu từ lá cây trộn vào trong loại sơn thượng hạng. Không ngờ do tay bận chân loạn đã lưu lại một vài dấu tích. Ngày hôm sau, những người buôn sơn đến như đã hẹn, phát hiện dấu vết tờ niêm phong bị tróc trên thùng sơn, bèn sinh ra hoài nghi, mới mượn cớ nói vài ngày nữa lại đến. 

Ngu Phu ở tại lữ quán mấy ngày cũng không thấy những người buôn nước Ngô trở lại. Thời gian dài thêm, sơn có trộn dầu lá sơn đã biến chất. Kết quả Ngu Phu một hai thùng cũng không bán được, ngay cả loại sơn hảo hạng cũng mất. Những người lái buôn nước Ngô khác sau khi nghe xong liền phê bình: “Thương nhân mua bán phải thành tín, chất lượng thương phẩm không được lừa người. Hôm nay anh rơi vào tình cảnh này, ai sẽ thương xót anh đây?”. 

Ngu Phu không có tiền đành phải ở nước Ngô xin ăn mà sống, lại còn bị người đời chế nhạo, cuối cùng vì bần khốn lao đao mà chết nơi đất khách quê người… 

Ảnh minh họa: Chụp màn hình video Chánh Kiến.
Ảnh minh họa: Chụp màn hình video Chánh Kiến.

Câu chuyện này cảnh báo chúng ta, thương nhân không thủ tín thì chính là tự mình đánh mất đi lợi ích. Dù là hoạt động kinh doanh kiếm tiền cũng phải coi trọng tiêu chuẩn làm người tối thiểu, mất đi tín nghĩa và danh dự thì sẽ mất tất cả. Tín nghĩa và danh dự là tài sản giá trị nhất của thương nhân. Dù có kẻ có thể ngẫu nhiên lừa người mà thành công thì lợi ích đạt được nhất thời cũng không dài lâu. 

Nhân nghĩa và lợi ích vốn là nhất thể, đạo lý này đối với người hôm nay đặc biệt quan trọng vì xã hội hiện tại lấy thương nghiệp làm chủ. Trong một xã hội đã mất đi thành tín, ai có thể giữ vững thành tín, ai có thể thu được cảm ân của mọi người, sẽ thành bảo vật hiếm có. Điều này còn hơn việc phí hết tâm trí sức lực nghĩ cách lọc lừa tiền tài người khác. Kiếm được chút tiền theo cách như vậy không bằng đắc được nhân tâm, không bằng đắc được sự tín nhiệm của mọi người. Đạo làm giàu chính là ở chỗ này.

(*): Nói về sơn được chiết từ cây sơn. Cây sơn là loại cây lấy nhựa. Do có độ gắn kết cao, nhựa sơn trở thành chất keo chủ đạo trong sản xuất đồ mộc, đồ thủ công mỹ nghệ. Sau này nhựa cây sơn trở thành nguyên liệu chính trong sơn.

Xem phim hoạt hình Tam Tự Kinh – Tập 9: Kẻ bội tín quên nghĩa, mất hết tất cả

Phụ chú

Nguyên văn chữ Hán

曰仁義 禮智信

此五常 不容紊

Âm Hán Việt

Viết nhân nghĩa, lễ trí tín

Thử ngũ thường, bất dung vặn. 

Pinyin Hán ngữ 

Yuē rényì, lǐ zhìxìn

Cǐ wǔcháng, bùróng wěn.

Chú giải 

(1) Nhân: mang trong lòng tình yêu con người và làm lợi cho vật. 

(2) Nghĩa: là việc hợp với chính thường. 

(3) Lễ: biểu đạt lễ nghi và lời nói có thiện ý như: yêu mến, tôn kính, khiêm nhường, cảm ơn… 

(4) Trí: năng lực suy nghĩ cẩn thận và phân biệt rõ ràng.

(5) Tín: thái độ và ngôn hành thành thật mà không lừa dối. 

(6) Thường: đạo lý vĩnh hằng bất biến. 

(7) Dung: cho phép. 

(8) Vặn: loạn.

Đọc sách bút đàm 

Bài trước giảng về ngũ hành, bài này giảng về ngũ thường Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín. Đây là năm nguyên tắc chủ chốt để làm người trong văn hoá truyền thống. Đáng buồn thay, chúng từng bị coi là “tàn dư phong kiến”, là đối tượng phải trừ bỏ. Hệ quả là giờ đây, hỏi đứa trẻ hay thậm chí cả sinh viên đại học, cái gì là ngũ thường, thì chỉ còn ít người biết. Các em nhỏ không tiếp xúc đến năm chữ ấy; sách giáo khoa cũng không đề cập; xã hội hiện đại quá chú tâm vào danh và lợi. Hậu quả của việc từ bỏ truyền thống giáo dục chính là đạo đức xã hội tụt dốc. Do đó, chúng ta phải từ gốc, từ trẻ nhỏ mà giáo dục lên, phục hưng lại văn hoá. 

Ảnh minh họa: JosepMonter / Pixabay.

Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín là trung tâm của giáo dục Nho gia, trải qua mấy nghìn năm vẫn còn nguyên giá trị. Mà trung tâm của trung tâm chính là hai chữ Nhân Nghĩa. Đây là căn bản mà Khổng Tử định ra. 

Nhân (仁: Nhân nghĩa) cũng là “nhân” (人: người), đồng âm cũng là đồng nghĩa. Chữ “Nhân” (仁) này là do chữ “người” (人) và chữ “nhị” (二) tạo thành; biểu thị rằng con người sống với nhau thì nên lấy thiện mà đối đãi, đối với người cần có cái tâm yêu quý bảo hộ, cần có cái tâm nhân từ. Triển khai ra thì rất phong phú. 

Xã hội con người phức tạp, nhưng nguyên tắc xử thế đơn giản chính là hai chữ “thiện đãi” (lấy thiện đối đãi người). Trong đó, mối quan hệ đầu tiên và cơ bản nhất là giữa cha mẹ và con cái. Là cha mẹ, phải giáo dục con cái, làm hết trách nhiệm của bậc làm cha mẹ. Cho chúng ăn no, cho chúng mặc ấm, khi con cái bệnh phải trông nom chăm sóc, phải chú ý an toàn, phải là tấm gương làm người, coi trọng đức dục (giáo dục đạo đức), bồi dưỡng kỹ năng sinh tồn, yêu thương bảo hộ và nuôi dưỡng chúng một cách toàn diện. 

Đổi lại, thế hệ con cái sau này phải biết cảm ơn cha mẹ, có thái độ cung kính, lời nói ôn hoà, báo ơn dưỡng dục của cha mẹ. Đối với cha mẹ phải tận dưỡng, khiến họ an tâm lúc về già, tận tâm mà lo liệu. 

Do đó, trong quan hệ cha con thì đặc trưng quan trọng nhất chính là trách nhiệm và cảm ân. Vì trách nhiệm mà cha mẹ sinh dưỡng và giáo dục ta, đây là cái thiện của cha mẹ. Còn cái thiện của con cái đối với cha mẹ chính là cảm ân và hồi báo, mọi thời khắc đều ôm giữ cái tâm cảm ân, lấy thái độ cung kính mà đối đãi cha mẹ, hồi báo công ơn to lớn vô tư mà cha mẹ đã bỏ ra. 

Quan hệ gia đình là cơ sở của quan hệ xã hội, hiểu được đạo lý hiếu đễ chính là hiểu được cách đối đãi nhân nghĩa với người. Đi ra xã hội, cấp trên vì cấp dưới mà gánh vác trách nhiệm, lo nghĩ bảo vệ cấp dưới. Làm quan cũng cũng đồng như cha mẹ của bách tính, phải chăm sóc cho đời sống của bách tính và cải thiện phong thái đạo đức, trở thành tấm gương để mọi người noi theo. Cấp dưới chủ yếu là coi trọng thái độ khiêm cung và cảm ơn. Thế mới là xã hội bình thường.

Nghĩa, thông thường liên quan đến chính nghĩa, nghĩa vụ, vì nghĩa không lùi, nghĩa không dễ từ, xả thân lấy nghĩa, vì nghĩa diệt thân…, chính là án chiếu theo nghĩa mà làm người và làm việc. Không cho phép không phân rõ đúng sai, mang theo tư tình mà hành xử. Do đó, Nhân và Nghĩa thường hợp thành một, trở thành quy phạm nhân cách hoàn mỹ, không mang theo tư tình. 

Lễ, là biểu hiện hình thức bên ngoài của Nhân, biểu đạt tâm thiện của bản thân một cách dễ dàng hơn; do đó với thân phận, tuổi tác, trường hợp khác nhau thì có ngôn hành lễ nghĩa khác nhau. 

Còn như Trí, thực ra là ở thế gian con người này, trí tuệ lớn nhất chính là phân biệt rõ đúng sai, khiến bản thân từ đầu đến cuối không mê mất chính đạo. Do đó có thành ngữ “đại trí nhược ngu” (người có trí huệ lớn trông như kẻ khù khờ), “lợi làm mờ mắt” để cảnh tỉnh thế nhân. Người bất nhân thông thường vì nhỏ mất lớn, cho nên người khôn vặt lại là nạn nhân của sự “thông minh” của mình. Không tham tài của, biết đủ, thường ôm giữ cái tâm khiêm cung và cảm ân, vậy mới có thể phù hợp Thiên đạo, một đời bình an mà có phúc. Trí, vẫn thuộc về phạm vi của nhân đức. 

Còn như Tín, một người không màng tín nhiệm liền sẽ mất đi lòng người. Có thể giữ chữ Tín, ít nhất không làm tổn hại người mà bạn đã hứa, cũng là đối tốt với người rồi, cũng ở trong phạm vi của Nhân. Đây là yêu cầu tối thiểu của Nhân, cũng là yêu cầu trong giao tiếp xã hội. 

***

Trung Quốc cổ đại từ đầu đến cuối đều coi trọng sinh mệnh, lấy Nhân Nghĩa làm gốc, không giảng việc tin gì đó một cách mù quáng. Nếu phát hiện những thứ thương thiên hại lý, những thứ hại người, thì không thể làm, vì hết thảy đều lấy Nhân làm gốc. Đây là lý ngũ thường đến từ Trung Quốc mà Nhật Bản học theo, tuy nhiên trung nghĩa thành tín của võ sĩ đạo lại lấy Tín là trung tâm chứ không lấy Nhân làm trung tâm. Nên đôi khi, trong giới võ sĩ Nhật Bản cổ đại xuất hiện hiện tượng tàn nhẫn không trân quý sinh mạng. Dẫu là thế, hai chữ Lễ Tín, dù tầng thứ lý giải có hạn, cũng khiến người Nhật Bản hôm nay thu được lợi ích không ít. Trong khi đó, người Trung Quốc ngày nay, dưới sự giáo dục dựa trên tuyên truyền thù hận đấu tranh, bạo lực và giả dối, đã trở nên coi thường sinh mệnh, khiến người ta giật mình.

Theo Chánh Kiến

Mạn Vũ biên dịch

Video: Tội ác dẫn đến diệt vong

videoinfo__video3.dkn.tv||e52317cb8__