Nhiều người Việt Nam đã thuộc nằm lòng câu nói: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Đây cũng chính là câu mở đầu của bộ sách giáo dục trẻ em truyền thống “Tam tự kinh”, từng được ngợi ca và sử dụng rộng rãi ở các nước Á Đông như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. “Tam tự kinh” chỉ có trên 1000 chữ nhưng bao trùm cả văn học, lịch sử, triết học, thiên văn, địa lý, luân thường đạo lý. Sách thích hợp với trẻ nhỏ nhờ hình thức thơ 3 chữ ngắn, đơn giản, có thể hát như đồng dao nghe rất vui tai.

Tiếp theo bộ kinh điển giáo dục trẻ em “Phép tắc người con” (Đệ tử quy), Đại Kỷ Nguyên hy vọng rằng bộ sách “Tam tự kinh” này sẽ giúp các em nhỏ và mỗi người chúng ta nuôi dưỡng bản tính thiện lương, tịnh hóa tâm hồn, tìm lại và nâng cao những giá trị truyền thống tốt đẹp trong thời buổi đạo đức suy thoái hôm nay.

Kinh văn

Rằng thủy hỏa, mộc kim thổ

Ngũ hành đó, theo lý số.

Diễn giải

“Ngũ hành” là chỉ: kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ. Người Trung Quốc cổ đại cho rằng chúng là cơ sở cấu thành nên các loại sự vật trong vũ trụ, giữa chúng lại có mối quan hệ tương sinh tương khắc. Ngũ hành là do tự nhiên quyết định. 

Câu chuyện tham khảo: Học thuyết ngũ hành nói về tương sinh tương khắc

Học thuyết ngũ hành đã nói rõ khởi nguyên (nguồn gốc) và tính đa dạng của vạn sự vạn vật trên thế giới. Giữa chúng là quan hệ tương sinh tương khắc. “Tương sinh” tức là quan hệ giúp đỡ, tăng thêm, dưỡng sinh, xúc tiến; còn “tương khắc” bao hàm ý nghĩa khắc chế, kiềm chế, bài xích, ước thúc. 

“Tương sinh” trong quy tắc của ngũ hành tức là: kim sinh thuỷ (người xưa khi đào được khoáng sản thì thường có nước ngầm chảy dưới), thuỷ sinh mộc (thực vật cần nước tưới), mộc sinh hoả (cháy rừng thành lửa), hoả sinh thổ (sau tai nạn lửa, còn sót lại là tro tàn), thổ sinh kim (trong đất thường có khoáng sản).

Còn “tương khắc” là: kim khắc mộc (rìu chặt được cây), mộc khắc thổ (thực vật hấp thu thành phần dưỡng chất trong thổ nhưỡng, khiến dưỡng chất trong đất ngày càng thiếu hụt), thổ khắc thuỷ (nước dâng đến đâu đất chặn đến đó), thuỷ khắc hoả (nước dập lửa), hoả khắc kim (nóng chảy đúc thành đồ kim loại).

Loại quan hệ tương sinh tương khắc của ngũ hành duy trì sự sinh trưởng bình thường và phát triển hài hoà của sự vật.

Trong truyền thuyết có một người tên là Trâu Diễn đã đề xướng lý luận ngũ hành. Ông cho rằng làm Thiên tử ắt phải có “đầy đủ đức” trong ngũ hành thì mới có thể lên ngai vàng của Hoàng đế. Nếu đức hạnh của họ suy yếu thì sẽ bị một nhóm/người khác trong ngũ hành thay thế.

Như Hiên Viên Hoàng Đế có đức của thổ (thổ đức), ông làm vua. Nhưng sau này, đức của thổ suy yếu, đức của mộc khắc thổ hưng khởi, vua Vũ có đức của mộc lên làm Hoàng đế. Mộc suy yếu, đức của kim mà khắc mộc hưng khởi lên, thế là Thương Thang có đức của kim lên làm Hoàng đế. Tiếp theo nữa, đức của hoả mà khắc kim hưng khởi lên, thì Chu Văn Vương có đức của hoả làm Hoàng đế. Như thế tuần hoàn không nghỉ, liên tục không ngừng. 

Ảnh minh họa: Chụp màn hình video Chánh Kiến.

Phụ chú

Nguyên văn chữ Hán

曰水火 木金土 

此五行 本乎數

Âm Hán Việt

Viết thuỷ hoả, mộc kim thổ

Thử ngũ hành, bản hồ số.

Pinyin Hán ngữ

Yuē shuǐhuǒ, mù jīn tǔ 

Cǐ wǔ xíng, běn hū shù

Chú giải

(1) Hành (五行): khái niệm cơ bản để phân loại vạn vật. 

(2) Bản hồ số (本乎數): căn bản từ đó chỉ lý của tự nhiên (bản: căn bản; hồ: từ đó; số: chỉ lý của tự nhiên). 

Đọc sách bút đàm

Các bài học trước bắt đầu giảng về vạn vật tự nhiên và lai lịch con người, khiến con người thấy được vũ trụ quan to lớn và hiểu được mối quan hệ nhất thể giữa con người và tự nhiên. Từ đó, nhắc nhở con người trong cuộc sống hàng ngày, khi làm việc nghỉ ngơi nên chú ý thuận theo tiết tấu của bốn mùa, phải phù hợp quy luật của Trời đất mà không được làm trái. Nếu không, thân thể không cách nào khoẻ mạnh, mùa vụ không thể nào sinh trưởng. 

Đây là vũ trụ quan của Đạo gia, khái niệm thiên văn địa lý được giảng là khái niệm cơ bản về “thiên nhân hợp nhất”. Tiếp nối phép tắc tự nhiên trong tam giới mà người xưa liễu giải, đoạn kinh văn này tiến thêm một bước giảng giải nữa. Đây chính là: ngũ hành cấu thành nên vạn sự vạn vật trong vũ trụ, giữa chúng là quan hệ tương sinh tương khắc, cân bằng thì an định, mất cân bằng thì hỗn loạn. 

(1) Quan hệ đối ứng của tự nhiên và ngũ hành

Ngũ hành: mộc, hỏa, thổ, kim, thuỷ.

Thời vụ: xuân, hạ, giáp hạt, thu, đông.

Phương vị: Đông, Nam, Trung (ở giữa), Tây, Bắc.

Thời tiết: gió, nóng, ẩm, khô, lạnh.

Quá trình phát triển: sinh ra, phát triển, lão hoá, kết thúc, an táng. 

Ngũ vị: chua, đắng, ngọt, cay, mặn.

Ngũ sắc: xanh, đỏ, vàng, trắng, đen. 

(2) Quan hệ đối ứng giữa nhân thể và ngũ hành

Ngũ hành: mộc, hoả, thổ, kim, thuỷ.

Ngũ tạng: gan, tim, tỳ (lá lách), phổi, thận. 

Ngũ phủ: mật, ruột non, dạ dày, ruột già, bàng quang. 

Ngũ quan: mắt, lưỡi, miệng, mũi, tai. 

Hình thể: gân, mạch máu, cơ thịt, da, xương. 

Cảm xúc: giận, vui, lo, buồn, sợ. 

Căn cứ theo quy luật này, chúng ta thấy được mối quan hệ đối ứng giữa ngũ hành với ngũ tạng ngũ vị của nhân thể và những mùa vụ trong năm, có thể nắm chắc đạo lý cơ bản của dưỡng sinh, có thể thuận theo quy luật của tự nhiên mà sinh sống. 

Ví như mùa xuân ngũ hành thuộc mộc, đối ứng là gió, gan, màu xanh, vị chua, nộ khí (giận); cho nên mùa xuân phải dưỡng gan, ăn rau màu xanh trồng trong mùa xuân, vị chua nhập vào gan, tức giận hại gan. 

Lại ví như thận: Thận thuộc thuỷ, đối ứng thân thể là bàng quang, xương, tai. Cho nên Trung y hiểu rằng, thận không tốt sẽ liên quan đến hết thảy, đều xuất hiện vấn đề; sức lực não bộ, xương, bài tiết đều không ổn. Người bệnh thận không ăn quá mặn, bởi vì muối tiến thẳng vào thận sẽ ảnh hưởng lượng nước trong nó, nhưng người bình thường mà thiếu muối lại không đủ sức lực, điều nói ra đều có đạo lý. Màu đen thuộc thuỷ, cho nên ăn những thứ có màu đen thì có thể khởi tác dụng bảo dưỡng đối với cơ quan này. 

Có câu “sợ vãi ra quần”, cảm giác kinh sợ đối với thận thì có ảnh hưởng. Thận bị kích thích thì bàng quang gặp vấn đề, cho nên việc đi tiểu là không khống chế được. 

Giữa ngũ tạng phải cân bằng, nếu ăn nhiều đồ ngọt, mà vị ngọt ngũ hành thuộc thổ, đối ứng là tỳ vị (lá lách và dạ dày), thổ khắc thuỷ nên đồ ngọt hại thận. Do đó đứa trẻ ăn nhiều đồ ngọt thì xương cốt không chắc chắn, răng cũng không tốt, dễ bị sâu răng. Cơ quan nào quá mạnh hay quá yếu đều có ảnh hưởng tới sức khoẻ. 

Nắm chắc những quan hệ cơ bản do ngũ hành cấu thành thì sẽ hiểu thân thể bản thân nên thuận theo tự nhiên thế nào, nên khống chế cảm xúc ra sao. Đây là quan niệm dưỡng sinh sâu sắc của cổ nhân.

Video: Tại sao chúng ta lại tức giận?

videoinfo__video3.dkn.tv||0388e73f9__