Trên thế giới đã có những trận đại dịch lớn, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Dù các trang chính sử nước ta chủ yếu ghi về các cuộc chiến tranh, những thay đổi về chính trị, hành chính, nhưng các cuộc đại dịch cũng không hề bỏ qua.

Hãy cùng tìm hiểu về dịch bệnh trong lịch sử Việt Nam qua bài trắc nghiệm dưới đây. 

Câu 1: Trận dịch lớn nhất được ghi nhận trong lịch sử Việt Nam vào thời vua nào?

A. Lý

B. Trần

C. Nguyễn

Trận dịch lớn bùng nổ năm 1849 dưới thời vị vua thứ tư của triều Nguyễn – vua Tự Đức. Theo ghi chép của các tài liệu lịch sử, đây cũng chính là trận dịch lớn nhất từng xảy ra ở nước ta. Trận dịch khiến kỳ thi Nho học năm 1849 phải hoãn, số người chết ở Vĩnh Long lên đến hơn 43.000 người, Quảng Bình hơn 23.000 người. Tháng 1/1850, theo thống kê của Bộ Hộ số tử vong trong năm 1849 hơn nửa triệu người, khoảng 589.460 người (dân số lúc này khoảng 8 triệu). Trận dịch này cực lớn nhưng thông tin rất ít, không nói tên dịch bệnh, chỉ nói dịch tràn lan do khí độc phát tán.

Đáp án C

Câu 2: Trận dịch lớn đầu tiên tại Việt Nam được sử sách ghi chép diễn ra vào thời nào?

A. Đinh

B. Lý

C. Trần

Dịch bệnh được ghi nhận sơ lược trong lịch sử Việt Nam, suốt trong Đại Việt sử ký toàn thư (từ khởi thủy đến năm 1789) chỉ đề cập 9 lần xảy ra dịch bệnh, lần đầu thấy chép vào năm 1100 (Lý Nhân Tông, năm Canh Thìn).

Trong số 9 lần ấy, với những ghi nhận tối giản của sử quan, người sau chỉ có thể biết được có 5 trận dịch với phạm vi lan rộng toàn quốc (toàn miền Bắc), 4 trận thuộc phạm vi địa phương như Lạng Sơn, Quốc Oai, Tam Đái, Sơn Tây, Nghệ An. Trận dịch trầm trọng nhất được biết là tại các huyện thuộc Sơn Tây hồi tháng 10/1757, dân chết do bệnh dịch và đói lên đến 8, 9 phần.

Đại Nam thực lục của nhà Nguyễn ghi chép đầy đủ hơn những thời trước, không gian địa lý của thời này cũng tương ứng với ngày nay, nên những ghi nhận này có thể phản ánh bao quát tình hình dịch bệnh toàn quốc trong thế kỷ 19. Có thể còn thiếu sót do chưa rà soát kỹ nhiều nguồn sử liệu, trước mắt chỉ riêng trong Đại Nam thực lục thấy chép gần 70 trận dịch lớn nhỏ trong thời gian 75 năm (từ năm 1820 đến 1895, trung bình hơn 1 năm xảy ra 1 trận).

Đáp án B.

Câu 3:  Trận dịch lớn đầu tiên tại Việt Nam vào thế kỷ 19 xảy ra dưới thời vua nào của triều Nguyễn?

A. Minh Mạng

B. Thiệu Trị

C. Tự Đức

Đây cũng là trận dịch lớn đầu tiên ở Triều Nguyễn. Tháng 6, năm 1820 (Minh Mạng năm đầu), dịch khởi phát ở các trấn Hà Tiên, Vĩnh Thanh, Định Tường (ứng với khu vực Tây Nam Bộ) rồi lan ra toàn quốc, đến tháng 12 mới ngưng, quân và dân đều mắc, số tử vong thống kê được là 206.835 người (dân số lúc này khoảng 7 triệu), triều đình phát chẩn đến 73 vạn quan tiền. Hay tin dịch bệnh phát ra từ Hà Tiên lan tới Bắc Hà, Vua Minh Mạng đã tổ chức cầu đảo và tự trách phạt mình, ngõ hầu làm dịu cơn quốc nạn. Một danh nhân kiệt xuất của Việt Nam được UNESCO vinh danh cũng chết trong trận dịch này.

Đáp án A

Câu 4: Danh nhân kiệt xuất của Việt Nam được UNESCO vinh danh đã chết vì dịch bệnh là ai?

A. Nguyễn Trãi

B. Nguyễn Du

C. Chu Văn An

Trong trận dịch vào Minh Mạng năm đầu, dịch bệnh hoành hành khắp chốn và len vào trong chính kinh thành. Nguyễn Du, dẫu khi đó đang là quan đại thần, dẫu sắp phải đảm nhận việc đi sứ trọng trách quốc gia, nhưng vẫn không thể thoát khỏi cái chết thương tâm. Vua tiếc thương ban hai mươi lạng bạc, hai cây gấm và khi đưa tang về cho thêm ba trăm quan tiền. 

Đáp án B

Câu 5: Trận dịch lớn đầu tiên tại Việt Nam vào thế kỷ 19 là do bệnh gì ?

A. Tả

B. Đậu mùa

C. Sởi

Tuy không ghi chép rõ tên dịch bệnh hay có bằng chứng cụ thể, nhưng qua câu “Vua lấy bạch đậu khấu trong kho và phương thuốc chữa dịch sai người ban cấp” được ghi chép vắn tắt trong Đại Nam thực lục, các chuyên gia nhận định đây là trận dịch tả. 

Đáp án A.

Câu 6: Căn bệnh gì khiến một hoàng tử và hơn 13.000 người dân tại Quảng Ngãi tử vong?

A. Tả

B. Đậu mùa

C. Phong

Theo sách Chín đời chúa mười ba đời vua triều Nguyễn, đậu mùa là căn bệnh làm hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh (anh trai của vua Minh Mạng) tử vong vào năm 1801. Hoàng tử Cảnh là người được vua Gia Long dự định truyền lại ngôi báu. Thấy căn bệnh khủng khiếp đã cướp đi sinh mạng anh trai, vua Minh Mạng đã nỗ lực tìm cách trị đậu mùa để phòng ngừa cho người dân và con, cháu. Song, kỳ lạ thay lại một lần nữa vua Tự Đức (cháu vua Minh Mạng) cũng bị đậu mùa, tuy thoát chết nhưng để lại di chứng nặng, thể trạng ốm yếu và không con nối nghiệp, đã khiến cơ đồ nhà Nguyễn lung lay.

Theo ghi chép của sách Đại Nam thực lục, từ tháng 11/1887 đến tháng 6/1888, cũng bệnh dịch đậu mùa hoành hành ở tỉnh Quảng Ngãi, khiến 13.934 người tử vong.

Đáp án B

Ảnh minh họa: Shutter Stock

Video xem thêm: Những cuộc đàn áp đức tin tàn khốc nhất trong lịch sử

videoinfo__video3.dkn.tv||a0d3ef59e__