Đời sống của con người không chỉ bó hẹp trong khung cảnh của những tòa nhà cao ốc hay đường xá, xe cộ, đó còn là thiên nhiên muôn màu muôn vẻ tươi đẹp và các loài động vật vô cùng đa dạng xung quanh ta. Bạn đã từng nuôi một con thú cưng chưa, hay có bao giờ bạn thử tìm hiểu về vô số động vật hoang dã trong tự nhiên không?

Hẳn là chỉ một số ít trong chúng ta quan tâm đến điều đó. Chúng ta thường “mắc kẹt” trong cuộc sống bận rộn hiện đại, trong những bức tường chật hẹp và tách biệt bản thân khỏi thế giới thiên nhiên. Người ta mất dần sự hòa điệu cùng thiên nhiên, xa lạ với các loài vật hoang dã, làm ô nhiễm môi trường sống của chính mình và của động vật, thậm chí khiến một số động vật hoang dã gặp nguy hiểm với rác thải của chúng ta. Dưới đây là một câu chuyện ngắn về hành trình giải cứu một chú chó sói bị mắc kẹt trong chiếc thùng nhựa của một nhóm bạn trẻ dũng cảm.

Tại khu vực hồ Nagpur, miền Trung Ấn Độ, một nhóm nhiếp ảnh gia nghiệp dư chuyên chụp ảnh phong cảnh đã phát hiện một chú chó sói quý hiếm bị kẹt đầu vào trong một cái thùng nhựa. Con vật có thể đã sục tìm thức ăn chứa bên trong thùng, nhưng rồi lại bị mắc kẹt. Bức ảnh họ chụp cho thấy con vật trong tình trạng đói lả và trở nên ngày càng suy kiệt.

Con chó sói trông hết sức suy kiệt được thấy lang thang tại vùng ngoài Nagpur, Ấn Độ, với cái đầu bị mắc kẹt trong một cái thùng nhựa.

Một thành viên trong nhóm chụp ảnh là anh Tanay Panpalia, một kế toán 26 tuổi từ Nagpur, đã nhìn thấy con chó sói bị mắc kẹt này khi anh đang đi chụp ảnh cùng bạn bè mình: “Đó là một cái thùng nhựa thường được người dân địa phương gần đó dùng để đựng thức ăn. Tôi và hai người bạn đánh liều tới hồ để chụp ảnh chim chóc, và chúng tôi cũng hy vọng sẽ chụp được ảnh của một vài con sói”, anh Tanay kể lại.

Các thùng nhựa thường được sử dụng để đựng thực phẩm, và đầu con sói bị kẹt trong chai có thể do đang tìm thức ăn trong đó.

Anh Panpalia cho biết thêm: “Chúng tôi quá phấn khích khi nhìn thấy một đôi sói và quyết định theo chúng một lúc để chụp ảnh, rồi chúng tôi phát hiện ra con sói bé hơn bị kẹt đầu trong một cái chai nhựa. Những con sói khác quan sát chúng tôi từ xa, chúng tôi khá sợ vì chúng tôi chỉ có ba người, trong khi có tới 10 con”.

“Tuy nhiên, con sói nhỏ này trông đã rất yếu vì nó không thể ăn được do đầu bị mắc kẹt trong thùng nhựa. Thật may, cái thùng có nhiều lỗ và con sói có thể thở và uống nước, có lẽ vì thế mà nó vẫn còn sống. Chúng tôi lập tức thông báo cho đội cứu hộ Ban quản lý rừng Nagpur và đi theo con sói tới khi họ đến”.

Con vật đáng thương không thể ăn uống khi đầu bị mắc kẹt trong thùng.

Và nhóm bạn bắt đầu nhiệm vụ giải cứu con vật đáng thương. Sau khi gọi cho Ban quản lý rứng Nagpur, họ đã mất hai giờ lần theo dấu vết con sói tới khi đội giải cứu đến và cắt cái chai ra khỏi đầu nó.

Sau khi gọi cho Ban quản lý rừng Nagpur, nhóm nhiếp ảnh đã mất hai giờ đồng hồ lần theo dấu vết con sói, tới khi đội cứu hộ đến và giúp giải cứu nó.
Cuối cùng, sau hai giờ đội cứu hộ từ ban quản lý rừng địa phương cũng đến nơi và với một cái túi cứu thương, họ đã có thể bắt con vật, cắt cái chai ra khỏi đầu nó và thả nó trở về lại khu rừng.

Anh Panpalia hào hứng kể lại: “Việc này đã thành công và nó không bị vết thương bên ngoài nào. Chúng tôi liên tục tưới nước lên người nó để hạ nhiệt cho nó và rồi thả nó về với tự nhiên. Nó chạy đi ngay lập tức và nhập với đàn sau đó. Toàn bộ cuộc giải cứu kéo dài khoảng 3 giờ, nhưng thật là đáng công”.

“Tôi rất buồn khi thấy những con vật xinh đẹp bị mắc kẹt và gặp nguy hiểm đến tính mạng do sự thờ ơ của con người. Trong khi lần theo nó, tôi đã quay được toàn bộ quá trình này, hy vọng có thể khiến mọi người thức tỉnh về việc vứt rác thải bừa bãi đã gây hậu quả nghiêm trọng thế nào cho các động vật hoang dã”.

Các loài động vật đã xuất hiện trong các bức tranh hang động cổ xưa và tồn tại như một món quà vô giá mà tạo hóa ban tặng để làm phong phú đời sống con người cho đến tận ngày nay. Tuy nhiên, khá nhiều người trong chúng ta xem các loài động vật không gì hơn là nguồn thực phẩm cho con người. Một số động vật được thuần chủng, chúng có thể trở thành bạn đồng hành hay kẻ bảo vệ trung thành của chúng ta, trong khi nhiều loài khác vẫn còn hoang dã và đôi khi bị đe dọa bởi các hoạt động của con người. Động vật không thể lên tiếng bảo vệ mình, vì lý do đó chúng ta cần phải bảo vệ chúng, và đó chính là điều chúng ta nên tự hào, là trách nhiệm của chúng ta. Đó cũng là cách chúng ta kết nối với thế giới tự nhiên, tôn trọng mọi tạo vật và yêu quý sự sống của muôn loài.

Nguồn ảnh: Tanay Panpalia/ Solent News/ Dailymail.

Liễu Nguyện – Tâm An