“Cuộc đời các vĩ nhân cũng giống như huyền thoại – trắc trở nhưng cao đẹp” – Janusz Korczak.

Đã có hàng chục cuốn sách và hàng trăm bài viết kể về “huyền thoại” Janusz Korczak. Thế nhưng, nếu phải tóm gọn trong đôi lời ngắn ngủi thì có lẽ đây là câu nói súc tích và đầy đủ nhất. Mặc dù chưa bao giờ tự nhận mình là vĩ nhân, nhưng những gì ông cống hiến và để lại cho đời đã đủ để nói lên tất cả.

Janusz Korczak (1878*-1942) tên thật là Henryk Goldszmit, sinh ra trong một gia đình gốc Do Thái ở thành phố Warsaw, Ba Lan. Trong những năm Janusz còn sống, người Do Thái thường bị xã hội phân biệt và coi khinh. Janusz từng kể lại trong nhật ký rằng, người bạn thơ ấu của ông là một con chim yến. Khi chim yến ‘qua đời’, cậu bé Henryk đã đào mộ chôn nó và định đặt lên đó cây Thánh giá. “Cháu không được làm vậy! Đó chỉ là con chim, không thể sánh với con người được” người quản giáo nói. Khi nước mắt đẫm ướt hai mắt Henryk, bà lại nói: “Khóc vì một con chim là tội lỗi”. Đáng buồn hơn, cậu con trai của người phụ nữ ấy châm chọc thêm rằng, chim yến là Do Thái cũng giống như Henryk, và là người Do Thái, Henryk sẽ không được lên Thiên Đường mà phải đến nơi toàn là bóng tối…

Ngay từ khi còn trẻ, Janusz Korczak đã cống hiến cuộc đời mình cho những trẻ em nghèo. Ông lựa chọn học ngành y, khoa nhi; viết những tác phẩm về trẻ em và dành cho trẻ em; thậm chí chương trình phát thanh của ông cũng là vì trẻ em. Khi được hỏi vì sao ông không kết hôn, Janusz nói ông không muốn có con, bởi sẽ không phải một vài, mà là hàng trăm trẻ nhỏ cần được ông chăm sóc.

Janusz Korczak và các em nhỏ trong cô nhi viện (Ảnh: documentarytube.com)
Janusz Korczak và các em nhỏ trong cô nhi viện (Ảnh: documentarytube.com)

Khoảng năm 1911, Janusz Korczak quản lý cô nhi viện Dom Sierot trên phố Krochmalna (ngày nay là phố Jaktorowska) ở Warsaw. Nếu như có thiên đường dành cho trẻ mồ côi thì có lẽ Dom Sierot chính là một nơi như vậy. Cô nhi viện được tổ chức dựa trên quan điểm tiến bộ của Janusz rằng, trẻ em cần được đối xử bằng sự tôn trọng và công bằng.

Trẻ em “là một cái bình quý, mà cuộc sống ban cho ta để giữ gìn và nuôi dưỡng ngọn lửa sáng tạo. Đó là tình yêu được chắp cánh của bố mẹ, những người sẽ nuôi dưỡng không phải con “tôi”, con “chúng ta” mà là một tâm hồn được trao cho ta để gìn giữ.”

_Janusz Korczak

Không phân biệt Do Thái hay Công giáo, tất cả các cô nhi tại Dom Sierot đều được nuôi nấng, chăm sóc, và dạy bảo bằng tình yêu thương. Trẻ em có quyền lên tiếng nói vì công lý và vì quyền lợi của chính mình. Tại đây, các em có hội đồng và tòa án riêng (thành viên hội đồng và ban thẩm phán đều là trẻ em); các phiên tòa xét xử được chính các em tổ chức mỗi tuần, và bất cứ ai, ngay cả Janusz, cũng đều phải tôn trọng quyết định của chủ tọa phiên tòa.

1939-1940, khi Đức Quốc xã chiếm đóng Ba Lan và dồn người Do Thái về khu cách ly Warsaw Ghetto, Janusz vẫn quyết không rời bỏ những đứa con của mình – mặc dù bạn bè đã chuẩn bị sẵn sàng nơi trú ẩn an toàn cho ông. “Anh sẽ không bỏ rơi con mình khi nó ốm đau, gặp nạn, hay trong nguy hiểm, phải không? Vậy làm sao tôi có thể rời bỏ 200 đứa trẻ bây giờ?” Janusz nói.

Ai cũng biết cuộc sống trong Ghetto là địa ngục trần gian. Đó là nơi tù túng, bị ngăn cách với bên ngoài, cùng với cái đói và bệnh tật rình rập khắp nơi. Người Do Thái không chỉ chết vì đói, vì sốt rét hay bệnh lao, mà còn vì bị lính Đức đánh đập.

Mỗi buổi sáng, người ta lại thấy Janusz Korczak – vốn được mọi người kính trọng gọi bằng cái tên “giáo sư già” – vác bao tải trên lưng để đi xin từng chút thức ăn cho lũ trẻ của mình. Trại cô nhi vẫn bình yên ngay giữa hỗn loạn và khó khăn của thành phố; vẫn có những vở kịch của trẻ em được diễn, vẫn có những hoạt động sinh hoạt và vui chơi được tổ chức, và vẫn có những bài học được giảng dạy mỗi ngày. Janusz đã làm tất cả để tạo cho các em một môi trường yên bình ngay giữa thảm cảnh bi thương của chiến tranh.

Janusz Korczak và các em nhỏ trong cô nhi viện ở Warsaw, Ba Lan
Janusz Korczak và các em nhỏ trong cô nhi viện ở Warsaw, Ba Lan (Ảnh:eilatgordinlevitan.com)

Và cũng trong thời gian này, không ít bạn bè và học trò cũ của Janusz tìm cách giúp ông thoát khỏi Ghetto – nhưng Janusz luôn khước từ. Đối mặt với ốm đau và cái đói, ông vẫn kiên cường bảo vệ lũ trẻ cho đến lúc cuối đời.

Vào 6/8/1942, trong giai đoạn đầu của cuộc thanh trừ người Do Thái ở Warsaw Ghetto, quân Đức bắt buộc cô nhi viện của Janusz phải lên chuyến tàu “tái định cư ở phía Đông” – cách gọi ám chỉ về trại tập trung hủy diệt Treblinka. Janusz bảo các em hãy mặc những bộ đồ đẹp nhất, mỗi em cầm theo một đồ chơi hay cuốn sách yêu thích nhất để trở về vùng nông thôn, nơi có hoa, có bướm, có những cánh đồng cỏ xanh bát ngát. Đây cũng là lần duy nhất trong suốt cuộc đời mình ông nói dối trẻ em…

Nghệ sĩ dương cầm Wladyslaw Szpilman ghi lại cảnh tượng đó trong cuốn hồi ký “The Pianist” của ông như sau:

Sáng hôm ấy đã có lệnh trại mồ côi Do Thái do Janusz Korczak quản lý phải tản cư. Bọn trẻ phải được đưa đi riêng. Ông có dịp thoát thân, và điều khó khăn duy nhất khi ông thuyết phục bọn Đức cùng đưa ông đi. Ông đã dành nhiều năm trời sống cùng với bọn trẻ, và trong chuyến đi cuối cùng này, ông không nỡ để các em đi một mình. Ông muốn làm nhẹ mọi việc cho chúng. Ông bảo với bọn trẻ là chúng sắp được về vùng nông thôn cho nên chúng rất vui. Ít ra chúng cũng có thể đổi các bức tường kinh khủng của thành phố ngột ngạt, lấy những cánh đồng đầy hoa, có những dòng suối chúng có thể tắm, những khu rừng đầy dâu dại và nấm. Ông dặn chúng mặc bộ quần áo đẹp nhất, vì thế khi bọn trẻ ra sân, xếp hàng đôi, ăn mặc sạch sẽ và tâm trạng vui sướng.

Một đội hình hàng dọc nhỏ, dẫn đầu là một viên SS yêu trẻ như người Đức vẫn thế, dù là những đứa hắn sắp thấy trên đường vào thế giới mới. Hắn khoái một cậu bé mười hai tuổi, một tay chơi vĩ cầm, cặp cây đàn dưới cánh tay. Tên SS bảo em đi lên đầu đoàn diễu hành trẻ em và chơi đàn, thế là các em lên đường.

Lúc tôi gặp cả đoàn trên phố Gesia, các em đang mỉm cười và hát đồng thanh. Cậu bé chơi vĩ cầm và Korczak dắt hai đứa bé nhất, ông đang kể cho chúng nghe một chuyện vui gì đó, mặt chúng rất rạng rỡ.

Tôi chắc rằng trong buồng hơi ngạt, lúc khí Cyclon B bóp nghẹt các cổ họng của trẻ thơ, và nỗi sợ hãi bất chợt thay cho niềm hy vọng lan vào trái tim của trẻ mồ côi, nhà thông thái già ắt phải thì thầm, ráng sức lần cuối cùng: “Ổn cả thôi mà, các cháu, tất cả rồi sẽ ổn thôi mà”, để ít ra ông có thể dành trách nhiệm nhỏ bé của mình cho những đứa trẻ sợ hãi đang chuyển từ cuộc sống sang cái chết.

(Trích chương 8, “The Pianist”)

Đài tưởng niệm Janusz Korczak (Ảnh: Pixabay)
Đài tưởng niệm Janusz Korczak (Ảnh: Pixabay)

Có một câu chuyện kể rằng, khi đoàn cô nhi của Janusz đến điểm dừng chân Umschlagplatz, ngay trước khi tới trại Treblinka, một viên sĩ quan SS nhận ra Janusz Korczak chính là tác giả cuốn sách mà hắn ta yêu thích khi còn là đứa trẻ. Viên sĩ quan đến hỏi ông:

– Có phải ông đã viết quyển “Ông vua Matiush đệ nhất” không? Tôi đã đọc từ bé, quyển sách rất hay. Ông được tự do!
– Thế còn các cháu?
– Trẻ em sẽ phải đi!
– Thế thì anh nhầm! Không phải tất cả mọi người đều khốn nạn…

Sau đó vài ngày, tại trại tập trung Treblinka, Janusz Korczak cùng với những đứa con của mình, gần 200 đứa bé và những người giúp việc, bảo mẫu… đã đi vào lò hơi ngạt. Trên đường đi ông dắt tay hai em bé nhỏ nhất và kể cho chúng câu chuyện cổ tích còn dang dở, để chúng không để ý đến nỗi sợ xung quanh. Cảnh sát Ba Lan đứng thành hàng, giơ tay chào, còn lính Đức thắc mắc hỏi người đàn ông này là ai, trong số họ nhiều kẻ không cầm được nước mắt…

Có duy nhất một tảng đá mang tên người, và đó là: "Janusz Korczak (Henryk Goldszmit) và những đứa trẻ"(Ảnh: ד"ר אבישי טייכר, Wikipedia)
Có duy nhất một tảng đá mang tên người, và đó là: Janusz Korczak (Henryk Goldszmit) và những đứa trẻ (Ảnh: ד”ר אבישי טייכר, Wikipedia)

Tại đài tưởng niệm 840.000 người Do Thái ở Treblinka có nhiều tảng đá lớn. Những tảng đá thay cho tấm bia mộ ấy không khắc gì ngoài địa danh thành phố hoặc tên quốc gia của các nạn nhân. Nhưng có duy nhất một tảng đá mang tên người, và đó là: “Janusz Korczak (Henryk Goldszmit) và những đứa trẻ”.

Hồng Liên

Xem thêm: