Con có nhớ hồi trước, khi nhà ta chuyển đến Bayside (Úc), mỗi buổi chiều, hai ba con thường đi dạo mấy phố rồi đến một cửa hàng tạp hóa chơi điện tử. Trước cửa tiệm, thường có mấy cậu thanh niên 16, 17 tuổi, đầu cạo trọc hay để kiểu tóc kỳ quái đang hò hét ầm ĩ. Ba còn thấy họ tụ tập hút cần sa ở các góc phố.

Thế nhưng, chúng ta dần nhận ra, họ là loại người “anh không động đến tôi thì tôi không động đến anh”. Thậm chí, có thể nói họ là những người lễ phép. Khi chúng ta bước vào tiệm, nếu họ đang đứng ở cửa, lập tức họ tránh sang một bên và nói: “Xin lỗi!”.

Khi chúng ta chơi thua một bàn, họ đứng bên máy, tay cầm xèng có ý chờ đợi và hỏi lịch sự: “Chú xong chưa, cháu có thể chơi được không?”.

Lúc đầu, ba còn ngờ, tại sao họ lễ phép như vậy, hay vì chúng ta là người phương Đông, họ giữ khách khí đối với khách lạ? Hay vì ba đã 30 còn con chưa đến 10 tuổi, không thuộc lứa tuổi của họ nên được nhường nhịn? Rồi một thời gian sau, ba nhận ra đối với ai họ cũng như vậy.

Nhờ một lần nói chuyện với người bạn Mỹ, ba mới biết, bọn trẻ đó đã được giáo dục phép lịch sự trong gia đình từ nhỏ, lại sống trong một môi trường ai cũng cư xử hòa nhã nên lễ phép đã trở thành một phản ứng tự nhiên, không cần phải “động não”. Chúng lớn lên sau này có thể hư hỏng nhưng sự lễ phép đã học từ nhỏ dường như không thay đổi mấy.

Ảnh minh họa (nguồn: Harvard Health – Harvard University).

Chuyện đó làm ba nhớ lại một lần tới vườn thú, chỉ một con chó hắt hơi mà mấy người chung quanh đồng thanh: “Bless you!” (“Chúa phù hộ cho bạn”, ở Việt Nam ta thường nói “Cơm bống”). Sau đó, mọi người nhận ra chỉ là con chó và ai nấy đều bật cười. Như vậy, câu nói “Bless you!” đã trở thành một tập quán, bất kể là ai hắt hơi.

Hồi mới sang Mỹ giảng dạy, một học sinh làm rơi cây bút xuống gần ba, ba nhặt lên đưa cho anh ta. Khi anh ta nói cảm ơn, ba đã không có phản ứng ngay, phải mất 2 giây sau ba mới đáp: “Không có gì!” thì lập tức cả lớp cười ồ. Vì sao vậy? Bởi vì nói câu “Không có gì” với người phương Tây là một phản ứng tự nhiên sau khi được cảm ơn. Ba đã phải mất một lúc suy nghĩ mới bật ra được.

Ở Mỹ, nếu không theo những phép lịch sự cơ bản thì thậm chí còn gây hiểu nhầm. Năm ngoái, ba từ Đài Loan trở về, tới trường thì thư ký khoa hỏi: “Ở nhà có chuyện gì không, tôi nghe nói anh không được vui?”. “Không có gì, tôi vẫn khỏe mà!” – Ba rất ngạc nhiên đáp. Sau mới biết, lúc vào thang máy, gặp đồng nghiệp, tuy ba đã chào, song không nhờ anh ta bấm nút lên tầng ba mà lại tự tay làm lấy. Ở Đài Loan, chuyện đó rất bình thường, mọi người cho việc nhờ bấm hộ thang máy là làm phiền người khác. Song ở đây, người ta cho rằng việc đưa giúp lọ hạt tiêu, bấm hộ thang máy, thậm chí mở cửa giùm là một loại “nghi thức” thể hiện lịch sự. Không nhờ mà tự làm “qua mặt” họ, sẽ bị xem là có vấn đề. Chỉ vì ba vừa từ Đài Loan về, chưa kịp thích nghi đã dẫn đến hiểu lầm.

Vì mẹ bỗng nhiên tâm sự với ba, thấy những đứa trẻ khác khi được cha mẹ mở cửa xe đều nói “Cảm ơn mẹ!”, “Cảm ơn bố!”, còn con mình thì đến nửa câu cũng không nói được, nên ba phải nói với con chuyện này.

Lưu Dung

Tiêu đề do ĐKN đặt. Độc giả có thể đọc bài gốc tại đây

Video xem thêm: “Phép tắc người con” (Đệ tử quy)

videoinfo__video3.dkn.tv||4a1528235__