Dù gia đình không mấy dư giả nhưng ông Đoàn Minh Hùng (56 tuổi, Q. Tân Phú, Tp.HCM) vẫn mở lớp học tình thương dạy chữ cho những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ.

Chiều chưa tắt nắng, mấy chục đứa trẻ đen nhẻm xếp hàng chật cả quán lá trước căn nhà thuê của ông Đoàn Minh Hùng, ở 166 Phan Anh, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú (Tp.HCM). Chúng đang chờ để được ăn cơm chay miễn phí trước khi bắt đầu buổi học chữ từ thiện.

“Vì không có hộ khẩu, không ở cố định nên các cháu không có điều kiện đến trường. Các cháu quen với vé số, với công việc trông em phụ mẹ hơn là cầm viết học chữ”, ông Hùng chia sẻ.

Tôi gom các cháu lại, dạy chữ, dạy làm người. Tôi chỉ mong các cháu sau này không thành công thì cũng thành nhân. 

Ông Hùng cho các học sinh ăn cơm trước khi vào giờ học (ảnh: Người Lao Động).

Ông Hùng tâm sự với Zing: “Tôi vốn xuất thân là nông dân lại có một tuổi thơ rất gian khó, thấy mấy đứa nhỏ trong xóm hàng ngày phải phụ giúp gia đình bán vé số, nhặt ve chai, tôi thấu hiểu phần nào. Dù không được học qua trường lớp chính quy nhưng tôi vẫn quyết định mở lớp học này với ước mong sao chúng nó có cái chữ để sau này vào đời không bị thiệt thòi”.

Theo Người Lao Động, đến với lớp học tình thương của ông Hùng, các em không chỉ được học chữ mà còn được học cách làm người, ứng xử lễ phép, học bảo vệ môi trường, luật lệ giao thông… Nhiều trẻ đã trở thành con ngoan, trò giỏi và biết giúp đỡ cha mẹ.

“Thấy các em từ không biết chữ đến biết chữ trở thành những con ngoan trò giỏi là niềm vui vô bờ bến đối với tôi”, ông Hùng tâm sự.

Các bé ở lớp của ông Hùng đều rất ngoan (ảnh: Zing).

Mỗi tháng, gia đình ông Hùng chi tiêu khoảng 25 triệu để lo việc ăn uống, mua sách vở, bút viết cho các em học tập. Ngoài ra, một số nhà hảo tâm cũng ủng hộ gạo, sữa bánh kẹo cho các em. Tới nay lớp học có 130 em.

Ngoài giờ giảng bài, ông Hùng và vợ là bà Kim Chi còn tranh thủ bán cơm chay, bán băng đĩa buổi tối, bỏ mối rau củ kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, lớp học ngày càng đông thì chi phí càng nhiều. Vì vậy ông bà quyết định về quê bán mảnh đất quê hương, dành tiền thuê căn nhà lớn hơn làm lớp học và mua thêm bút, sách cho tụi nhỏ.

Những xuất cơm ngon lành ấm áp yêu thương (ảnh: Zing).

Lớp học tình thương của ông thường dạy các môn học như Ngữ văn, Toán, cuối tuần thứ 7 thì học Anh văn. Có 9 lớp, từ vỡ lòng cho các em chưa biết đọc, viết đến các em học từ lớp 1 đến lớp 8. Ngoài ra còn có một số công nhân chưa biết chữ cũng theo học.

Các học sinh lớn tuổi, sau khi biết đọc, viết thông thạo, ông cũng tạo điều kiện cho đi học nghề để sau này đỡ chịu cảnh lang bạt mưu sinh.

Lớp học có đa dạng lứa tuổi đến học (ảnh: Zing).

Để điều hành các lớp học, ông nhận được sự giúp sức từ các tình nguyện viên. Sau khi tan sở, nhiều người đi làm trong công ty, xí nghiệp, công chức, các bác hưu trí hay sinh viên tranh thủ chạy thẳng đến lớp học phụ giúp hoạt động của lớp học.

Ông Hùng thật thà cho biết: “Tôi chỉ dạy được từ lớp 2 trở lại. Lớn hơn không dạy được vì kiến thức bây giờ mới, khác nhiều so với thời tôi học. Các lớp lớn phải trông cậy vào các sinh viên và thầy cô dạy giúp”.

Vợ và các con cũng ủng hộ tích cực và phụ giúp, đồng hành cùng ông trong công việc gieo chữ cho những trẻ em cơ nhỡ.

"Ông giáo" bán đất mở lớp học, nuôi cơm trẻ em nghèo giữa Sài Gòn
Tình nguyện viên tại các lớp học của ông Hùng. (Ảnh: Zing)

Sinh viên Phạm Thị Bạch Cúc (Trường Đại học Sư phạm TP HCM), từng tham gia tình nguyện tại lớp học, cho biết ông Hùng tuy có phần nghiêm khắc nhưng rất thương yêu học sinh, luôn tạo điều kiện cho các em được đến lớp. Còn bà Tôn Nữ Thị Thu (hàng xóm của ông Hùng) chia sẻ: “Người dân ở đây ai cũng quý vợ chồng thầy Hùng. Dạy không lấy đồng nào mà mỗi ngày, vợ chồng thầy Hùng đều nấu ăn cho mấy đứa nhỏ. Tụi nhỏ bị tai nạn hoặc gia đình có chuyện gì, thầy Hùng cũng đều cố gắng giúp đỡ. Lớp của thầy Hùng còn có những lao động nghèo đến học, học sinh lớn nhất của lớp hiện đã 47 tuổi.”

Trên trang Những câu chuyện thú vị cho biết, dù còn nhiều khó khăn nhưng mỗi tuần một lần, vợ chồng ông Hùng đều đặn tổ chức trò chơi bốc thăm trúng thưởng với phần thưởng là gạo. 130 học sinh tham gia chơi nhưng chỉ có 4 phần gạo, mỗi phần 5 kg được tặng luân phiên. Ai được thưởng vào tuần trước thì tuần sau sẽ không bốc thăm nữa… lần lượt tới cuối năm cả lớp ai cũng có quà.

“Gia đình các cháu đều nghèo, có cháu mất cha, có cháu mất mẹ, có cháu mồ côi ở với ông bà. Dành thời gian tới lớp học là các cháu mất đi vài tiếng đồng hồ phụ gia đình mưu sinh. Biết thế nên tôi ‘bù’ cho chúng bằng vài ký gạo và bữa cơm chiều miễn phí, chỉ mong các cháu kiên trì, cố gắng để con chữ không bị bỏ ngang”, vừa nói ông Hùng vừa lúi húi sửa lại mấy cái chân bàn, sắp xếp lại vài cuốn tập mấy em nhỏ để chưa ngay ngắn.

Video xem thêm: Người lái xe tốt bụng giúp người già khuyết tật qua đường đông

videoinfo__video3.dkn.tv||4f5a2141a__

Có thể bạn quan tâm: