Nhiều người lao động phổ thông Việt Nam sang Nhật Bản làm việc với đủ các ngành nghề để có thể trích ra một khoản tiền nhỏ gửi về cho gia đình. Sau một thời gian, họ có thể trả nợ, xây nhà và giúp cho cuộc sống của người thân trở nên thoải mái hơn. Thế nhưng ít ai biết được rằng đằng sau những đồng tiền đó là mồ hôi công sức và những chắt chiu khó nói cùng ai.

Nhật Bản được biết đến là nơi có môi trường làm việc chuyên nghiệp, cơ sở vật chất đầy đủ và đặc biệt việc kiếm được mức lương 30-40 triệu đồng/tháng tại đây đã thu hút rất nhiều lao động Việt Nam. Tuy nhiên không ai biết được cuộc sống của mình sẽ như thế nào khi đến đây, liệu nó có phải màu hồng như những công ty môi giới thường quảng cáo?

image00
Lao động Việt Nam được đào tạo trước khi sang Nhật. (Ảnh: japan.net.vn)

Trước khi sang Nhật, khoảng thời gian ở Việt Nam đi học tiếng cũng khá vất vả. Muốn được vào học thì phải qua phỏng vấn, nếu bạn đạt thì mới vào trường. Học xong rồi phải trải qua kỳ thi, nếu đạt điểm mới có thể đủ điều kiện sang Nhật. Chi phí cũng không hề rẻ khi rơi vào khoảng vài trăm triệu, bao gồm tiền ăn ở, đào tạo dự bị, phí khám sức khỏe và tiền đặt cọc để đảm bảo người lao động sang Nhật sẽ không bỏ trốn.

image01
(Ảnh: japan.net.vn)

Các ứng viên còn được tham gia vào các buổi thi tiếng Nhật tại Việt Nam và phỏng vấn trực tuyến của người Nhật. Vượt qua được các vòng thi khó khăn này, ứng viên còn phải chờ thời gian cấp visa và đủ người mới đủ điều kiện.

Khi sang được Nhật

Chị Hà (quê Thái Bình) đã phải thế chấp căn nhà nhỏ ở quê và vay thêm người thân được 300 triệu để đổi lấy cơ hội sang Nhật làm việc. Háo hức là thế nhưng khi đặt chân xuống sân bay, chị khá hụt hẫng khi tự mình lê bước về căn phòng trọ mà công ty môi giới tìm trước đó. 4 người ở trong một phòng trọ 16m2 với cơ sở vật chất chỉ hơn nhà cấp 4 tại quê nhà một chút.

Dù thuê tại Hokkaido, một vùng quê của Nhật Bản nhưng chi phí cho phòng trọ đã lên tới 12 triệu đồng/tháng. Khi làm hợp đồng phải đặt cọc thêm 20 triệu để trừ dần nếu làm hỏng hóc hoặc mất đồ.

image05
Bữa ăn chỉ có cơm và rau của lao động Việt. (Ảnh: thông qua zing.vn)

Thu nhập của chị Hà rơi vào khoảng 130.000 yên, tương đương 27,5 triệu đồng. Trừ đi chi phí bảo hiểm, phụ phí, ăn ở, chị có thể để ra khoảng 12-13 triệu đồng. Tuy nhiên để đạt được con số này, chị phải rất tiết kiệm. “Bữa cơm tự nấu thường chỉ có cơm, rau và trứng, thỉnh thoảng có chút cá tươi. Bởi nếu mỗi lần ra tiệm, 100.000 đồng mỗi người/bữa chỉ đủ 1/5 cái dạ dày. Bên cạnh đó, cả việc cắt tóc, thậm chí may quần áo, chị em trong phòng cũng đều tự túc”, chị Hà cho hay.

Chị Thanh (quê ở Phú Thọ) sang Nhật làm điều dưỡng tại một bệnh viện ở vùng Miyakonojo, Miyazaki, Nhật Bản. Mức lương hiện tại của chị là 200.000 yên/tháng (tương đương khoảng 40 triệu đồng), sau khi trừ bảo hiểm khoảng 30.000 yên (6 triệu đồng), thuê nhà 15.000 yên (3 triệu đồng), xe đi lại 10.000 yên (2 triệu đồng); tiền ăn 30.000 yên (6 triệu đồng); chi phí sinh hoạt điện nước, nấu nướng 10.000 yên (2 triệu đồng) thì chưa tính chi phí đi chơi, thăm bạn bè, mỗi tháng chị dành dụm được khoảng 100.000 – 115.000 yên (tương đương với 22 – 25 triệu đồng). Đó là rất tiết kiệm và không có một chuyến đi chơi hay thăm bạn bè nào trong suốt 1 tháng.

Chi phí ở Nhật cũng rất đắt đỏ, nếu đi xe buýt là mất ít nhất 30.000 đồng/tuyến, đi tuyến xa giá sẽ đắt hơn gấp nhiều lần. Vé vào cửa công viên thông thường ở Việt Nam là 4.000 – 5.000 đồng/người, ở khu vui chơi giải trí 130.000 – 150.000 đồng/người, còn vé vào công viên tầm trung ở Nhật Bản đã gần 1 triệu đồng, công viên cao cấp hơn thì lên tới 1,3 triệu đồng. Vậy nên rất ít lao động đủ khả năng chi trả cho những hoạt động vui chơi giải trí thế này.

Ngoài hình thức xuất khẩu lao động, nhiều người Việt sang đây theo hình thức du học sinh và cũng gặp nhiều khó khăn. Thanh Hiếu (24 tuổi, đến từ Hải Dương) cho biết, muốn có tiền học phí, trang trải đi lại, ăn ở, anh phải làm thêm từ 12-14 tiếng 1 ngày. Mỗi giờ làm thêm được trả 820 yên, ban đêm là 1.100 yên, vậy nên rất nhiều người chọn làm ca đêm để kiếm được cao hơn.

Làm đêm nên có những người chỉ được ngủ 2-3 tiếng/ngày, không có thời gian đảm bảo ôn bài hay ăn uống. Nhiều người chịu áp lực không nổi đã phải bỏ học, ra ngoài làm với nỗi lo sợ bị phát hiện sẽ bị đuổi về nước.

Những nỗi đau không thể chứng kiến

Chị Hà cho hay, có những đêm nhớ con, chị chỉ khóc thầm. Chị không mường tượng được cuộc sống bên này lại khác xa so với những gì công ty môi giới vẽ ra.

Người nhà của một công nhân sang Nhật lao động chia sẻ lại: “Con gái cô nó tội lắm! Nó gọi cho cô vào toàn giờ khuya lắc. Tầm 11h đêm (tức khoảng 9h bên mình), lúc đó nó vừa ăn vừa nói chuyện, nó cười cười chứ cô thấy đau lòng, nhiều khi rơi nước mắt vì nhớ con nhớ cái, vì thấy tội cảnh cơm nhà không được ăn.”

Không chỉ là áp lực công việc, công nhân Việt Nam còn phải đối mặt với sự kỳ thị. Nguyên Hoàng – một lao động Việt Nam cho hay: “Các đồng nghiệp Nhật Bản luôn gọi tôi là“baka” (đồ ngốc) với tôi. Tôi cảm thấy kiệt quệ cả về thể chất và tinh thần”. Tuy nhiên, vấn đề của Hoàng không nằm ở chỗ anh phải chịu đựng những hành vi áp bức, trêu chọc, ức hiếp, cũng không phải do số giờ lao động mỗi ngày, mà nó nằm ở khoản tiền hơn 10000 USD gia đình anh đã vay mượn khắp nơi để đi xuất khẩu lao động. “Tôi không thể về nước trước khi không làm ra đủ tiền để trả nợ”, Hoàng nói thêm.

image04
Tâm sự của một thanh niên xa quê đi làm tại Nhật Bản. (Ảnh: FB Vô Vị)

Một lao động khác với tên tài khoản Vô Vị chia sẻ: “Làm việc ở Nhật Bản vất vả hơn ở Việt Nam rất nhiều nhưng cuối cùng vẫn chỉ đổi lại những đồng lương bèo bọt, trả lãi ngân hàng, xa gia đình, đi sớm về muộn. Và rất nhiều người bị vỡ mộng, dẫn đến ăn cắp. Đó cũng là lí do khiến người Nhật xem thường người Việt.”

“Những ai may mắn có thể làm được lâu dài, còn những ai đen đủi nếu ra ngoài sẽ bị bắt. Ở Nhật Bản người Việt Nam lừa người Việt Nam rất nhiều. Vì vậy, ra ngoài cũng không phải là giải pháp an toàn mà vô cùng nguy hiểm.”

image02
Có lẽ vì áp lực vất vả nên nhiều lao động Việt Nam trở thành những người ăn cắp. (Ảnh: thông qua yan.vn)

Có lẽ chính sự vất vả đã đẩy nhiều lao động Việt Nam vào con đường sa ngã, phải ăn cắp hay lừa đảo chính cả những đồng bào của mình. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới danh tiếng của lao động Việt Nam mà còn là sự đánh đổi quá lớn khi bản thân không lường trước được những gì xảy đến với mình.

Tuy vậy, vẫn có những người nhìn nhận tích cực hơn về việc sang Nhật làm việc. Tài khoản Quang bình luận: “Ở Nhật nếu làm được 1 xưởng nào ổn định, hay 1 công ty nào ổn định, sống tiết kiệm không tiêu pha, không đi xe điện ngầm đi chơi vào cuối tuần, không nhậu nhẹt, không ăn tiệm tự nấu đồ ăn. 3 năm sau về Việt Nam mở 1 cái cửa hàng gì đấy nho nhỏ, và lối tác phong, cách duy trì công việc của người Nhật vào. Không thành công cũng sẽ thành danh ở Việt Nam thôi. Gắng lên những người con xa xứ.”

Hay như Nguyen Van Tuyen Jonny chia sẻ: “Mình đây cũng đã từng lao động ở Nhật rồi đấy. Tuy rằng 3 năm ở Nhật không kiếm ra được một số tiền khổng lồ như các bạn tưởng tượng trong mơ. Nhưng cũng đủ để nuôi sống bản thân trong suốt thời gian mà các bạn sống ở đó. Sau đó là gia đình các bạn ở quê. Rồi tiếp sau đó là những người thân, bạn bè. Nhưng mà cái đó không là vấn đề cho lắm. Cái kết là các bạn đúc kết được kinh nghiệm cuộc sống và kinh nghiệm công việc.”

image03
Cuộc sống vất vả của những người lao động xa xứ. (Ảnh: thông qua yan.vn)

Có lẽ bản thân mỗi người sẽ tự có những đánh giá riêng cho mình khi làm việc tại một môi trường lao động khác biệt như Nhật Bản. Nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta có thêm một cái nhìn rõ nét về cuộc sống chân thực của những người con lao động xa xứ, những khó khăn vất vả mà họ phải đối mặt hàng ngày. Họ là những người hy sinh hạnh phúc, chịu xa quê hương để mong có cơ hội kiếm thêm thu nhập gửi về nhà, giúp gia đình có thể có được cuộc sống đầy đủ hơn. Dù không dễ dàng nhưng họ phải cố gắng nỗ lực làm việc và chỉ mong một ngày được về đoàn tụ với những người thân yêu của mình. Vậy nên hãy trân trọng công sức, sự hy sinh của người lao động Việt cũng như thấu hiểu những thiệt thòi mà họ đang phải chịu nơi xứ người xa lạ.

Cùng tìm hiểu thêm sự thật kinh hoàng về các trại lao động cưỡng bức tại Trung Quốc:

Thủy Tiên tổng hợp