Bà là Irena Sendler, nữ anh hùng đã giải cứu 2.500 trẻ em Do Thái trốn thoát khỏi nanh vuốt của Đức Quốc xã.

Bà Sendler chỉ mới 29 tuổi khi chiến tranh nổ ra trên khắp châu Âu. Thời điểm Đức xâm chiếm Ba Lan, bà là nhân viên của Sở Phúc lợi Vác-sa-va. Sau khi Đức Quốc xã lên nắm quyền, bà đã chứng kiến những ​​đồng nghiệp Do Thái của mình bị đuổi việc sau nhiều năm công tác.

Năm 1943, bà Sendler gia nhập Zegota (Hội đồng viện trợ cho người Do Thái), với nỗ lực giúp đỡ người Do Thái thoát khỏi Holocaust (cuộc diệt chủng). Bà sớm trở thành một trong những nhà hoạt động chính của Zegota đảm nhiệm nhóm trẻ em Do Thái, dưới tên giả là Jolanta.

Công việc tại Sở Phúc lợi Xã hội đã tạo điều kiện hoàn hảo cho bà Sendler tiếp cận các trại tập trung, lén chu cấp thực phẩm, thuốc men và quần áo cho người dân nghèo Do Thái. Bằng cách giấu bọn trẻ trong xe cứu thương, rồi dẫn chúng qua các đường cống ngầm và các lối đi, hoặc giấu trong các vali, các thùng to rồi đẩy ra ngoài, bà Irena và nhóm của bà đã đưa bọn trẻ ra khỏi trại tập trung.

Trong khoảng thời gian từ năm 1935 đến tháng 10 năm 1943, hơn 2.500 trẻ em đã được giải thoát khỏi các trại tập trung, ít nhất 400 trong số đó là do chính bà Sendler đưa ra. Khi lũ trẻ đã ra khỏi khu vực nguy hiểm, bạn bè của Zegota sẽ giúp bà đưa chúng đến các gia đình Kitô giáo ở Ba Lan và đặt cho chúng những cái tên Kitô giáo. Bọn trẻ cũng được dạy những lời cầu nguyện và những giá trị của Kitô giáo phòng trường hợp chúng bị đưa đi kiểm tra.

Irena Sendler làm y tá tại Sở phúc lợi Warsaw ở Ba Lan (ảnh: Wikimedia Commons).

Mục đích tối thượng bà Sendler hướng đến là giữ an toàn cho bọn trẻ tới khi chiến tranh kết thúc, sau đó đưa chúng trở về với gia đình. Vì vậy, trước khi bị Gestapo (Mật vụ của tổ chức SS do Đức Quốc xã lập ra) bắt giữ vào tháng 10 năm 1943, bà đã ghi chép cẩn thận về nơi ở của những đứa trẻ, tên mới, tên thật và giấu các mẩu giấy trong những chiếc lọ rồi chôn dưới đất.

Sau khi bị bắt, bà Sendler bị Gestapo tra tấn dã man. Chúng đánh gãy cả ống chân và bàn chân bà. Nén chịu nỗi đau, bà vẫn quyết tâm không để lộ danh tính của những đứa trẻ và không bao giờ giao cho Gestapo những thông tin đó.

Không moi được thông tin gì, Gestapo đã kết án tử hình bà. May mắn thay, những người đồng đội tại Zegota đã kịp mua chuộc được vài viên cảnh sát và giúp bà trốn thoát trên đường đến địa điểm hành hình. 

Bà Irena đã nhận được nhiều danh hiệu nhờ những nỗ lực nhân đạo trong chiến tranh, gồm Huân chương Công trạng Chữ Thập Vàng và Huân chương Đại Bàng Trắng, danh hiệu tôn vinh cao quý nhất của Ba Lan. Bà được trìu mến gọi với tên “nữ Oskar Schindler”.

Tại một viện dưỡng lão ở Warsaw, tổng thống Ba Lan và phu nhân đã đích thân đến thăm bà (ảnh: yadvashem.org).

Với giáo sư văn học Michal Glowinski, một trong những đứa trẻ được bà Irena giải cứu, bà chắc chắn là một người hùng. “Tôi nghĩ về bà như cách bạn nghĩ về người mà bạn mang ơn cả cuộc đời vậy”, ông nói. Vào năm 2008, bà Irena đã gặp lại một số người bà đã cứu nhiều năm về trước.

“Trước sự thờ ơ của xã hội hôm nay, bà Irena Sendlerowa là một tấm gương vĩ đại”, Elzbieta Ficowska, một trong những đứa trẻ mà bà Irena đã giải thoát khỏi trại tập trung khi mới 5 tháng tuổi, tâm sự. “Bà Irena Sendlerowa giống như một người mẹ thứ ba của tôi và nhiều đứa trẻ đã được giải cứu khác”. 

Bà Sendler qua đời vào năm 2008, hưởng thọ 98 tuổi. Bà ra đi để lại cho chúng ta bài học mộc mạc: “Anh hùng làm những điều phi thường. Những gì tôi đã làm không phải là điều gì phi thường cả. Đó là chuyện bình thường thôi”.

Hãy tưởng tượng có bao nhiêu nạn nhân của cuộc diệt chủng sẽ sống sót nếu có nhiều người như bà Irena Sendler?…

Huyền Diệu

Theo The BL

Bạn đang đọc bài viết: “Người phụ nữ giải thoát 2.500 trẻ em Do Thái trong cuộc diệt chủng của Đức Quốc xã” tại chuyên mục Đời Sống của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||830fd9b79__