Từ 0-1 tuổi là giai đoạn vàng ở trẻ với nhiều thay đổi trong cấu trúc não bộ. Lúc này, cha mẹ dạy trẻ một số trò chơi đơn giản, giúp con phát triển nhanh về thể chất lẫn trí tuệ.

Trò chơi cho trẻ dưới 3 tháng tuổi

Bắt chước

Trẻ bắt đầu làm quen với việc quan sát thế giới và thích thú khi nhìn thấy gương mặt người thân. Cha mẹ cùng trẻ chơi trò bắt chước bằng cách pha trò biểu cảm khuôn mặt. Chú ý giữ khoảng cách 20-35cm với mặt trẻ, để chúng có thể tập trung quan sát. Mỗi cử động trên gương mặt như mở to mắt, thè lưỡi, há miệng… giữ tối thiểu 20s.

Sẽ mất vài phút hoặc vài lần thực hiện để trẻ có thể làm theo. Các trò bắt chước nên tăng độ khó dần đều tuỳ theo khả năng nhận biết của trẻ. Trò chơi này giúp bé nâng cao thị giác và củng cố sự gắn bó giữa con với cha mẹ.

(Ảnh: conlatatca.vn)

Cù ky

Trẻ lớn hơn một chút, bạn vừa hát, vừa cầm lấy bàn tay hoặc bàn chân của chúng, cù nhẹ nhàng. Lặp lại bài hát một vài lần, trẻ đoán được mình sắp bị cù ky sẽ tự cười khúc khích. Những giai điệu đơn giản, lặp đi lặp lại sẽ nâng cao khả năng ghi nhớ cho trẻ.

Co và kéo

Giai đoạn trẻ có thể ngẩng đầu lên 1-2 giây khi nằm sấp, mẹ cho bé chơi co kéo với bóng. Lăn một quả bóng màu sắc rực rỡ về phía trẻ, giữ khoảng cách 60cm. Trẻ sẽ tập trung nhìn rồi cố gắng vươn mình về phía quả bóng. Trò chơi này giúp phát triển cơ cổ, cánh tay và chân. Cha mẹ nhớ dành lời khen và âu yếm trẻ ngay sau khi chơi xong.

Trò chơi cho trẻ dưới 6 tháng tuổi

(Ảnh: tiki.vn)

Nắm bắt

Dùng một món đồ chơi mềm, nhỏ, có gắn ruy băng màu sắc rực rỡ đung đưa trước mặt trẻ. Chúng sẽ bị kích thích và cố gắng chạm hoặc bắt lấy đồ chơi. Trò chơi này luyện tay và mắt cho trẻ. Bạn có thể lựa chọn một món đồ chơi phát ra tiếng kêu để con thu hút và có động lực lấy hơn.

Trò chuyện

Các em bé rất thích tương tác với cha mẹ. Cha mẹ có thể đối diện với trẻ và nói những âm thanh đơn giản giúp chúng phản xạ tốt hơn với âm thanh.

Khi trẻ nói “aahh”, bạn nói “aahh”. Bạn đùa nghịch với các từ và âm thanh khác nhau như thử kéo dài âm thanh nói “baaaaa” thay vì “ba”, hoặc thêm âm thanh mới cho một từ quen thuộc như “ohhhhhhh-baaaa”.

Trò chơi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi

(Ảnh: .dreamstime.com)

Múa rối

Làm con rối đơn giản bằng cách cắt rời ngón trên đôi găng tay cũ. Sau đó, cho con rối nhảy múa, hát hò, cù… giúp trẻ phát huy trí tưởng tượng của mình. Cha mẹ có thể mua các loại thú bông nhỏ để chơi với trẻ, chú ý chất liệu của món đồ chơi vì da của trẻ ở độ tuổi này rất nhạy cảm.

Cùng trẻ nhặt lại đồ chơi

Trẻ thích lục lọi và làm đổ tất cả mọi thứ trong ngăn kéo, túi xách và ví… Bạn biến tấu thói quen này thành một trò chơi có ích bằng cách đổ đầy các món đồ chơi vào thùng nhựa hoặc bát lớn. Cho trẻ đổ hết ra ngoài rồi cùng chúng nhặt lại. Vừa cho vào hộp, kết hợp giới thiệu cho trẻ về hình khối, màu sắc, cũng như phân biệt kích thước.

Trò chơi cho trẻ dưới 12 tháng tuổi

Bóng đá

Trẻ chưa biết đi cũng có thể đá bóng. Mẹ đặt quả bóng dưới chân trẻ, tay giữ hai bên nách để con đứng trên chân của mình. Nhẹ nhàng đẩy nhẹ chân bé về phía trước để tiếp xúc với bóng. Khi quen với trò chơi, trẻ sẽ tự dùng chân để đá bóng mà không cần sự trợ giúp người lớn. Hoạt động đung đưa và đá chân nhiều giúp trẻ phát triển cơ bắp phần bụng và bắp chân.

(Ảnh: kidkingdom.vn)

Xây tháp

Bạn mua những bộ đồ chơi khối gỗ để chơi xây tháp cùng trẻ. Khi chiếc tháp đủ cao, bạn nhẹ nhàng làm đổ tòa tháp, trẻ sẽ tỏ ra rất thích thú. Trò chơi đơn giản này giúp trẻ sử dụng đôi tay khéo léo hơn, tìm hiểu về sự cân bằng, cũng như kích thước, hình dạng. Bên cạnh đó, việc xếp lại toà tháp từ đầu rèn luyện cho trẻ tính kiên nhẫn.

Minh Lan