Bạn hẳn còn nhớ anh tài xế taxi Grab biến chiếc xe của mình thành “tiệm tạp hóa mini”, tặng đồ ăn vặt miễn phí cho khách đi xe. Ở Sài Gòn, trên chuyến xe buýt từ Miền Đông ra Chợ Lớn cũng có một bác tài xế “dễ thương” và “vì người khác như thế”. 

Hình ảnh của bác tài Lê Xuân Huy (36 tuổi) cùng rổ tiền lẻ đặc biệt của mình đang khiến rất nhiều người dùng mạng ấm lòng. Theo báo Thanh Niên, bác tài Huy chuẩn bị rổ tiền lẻ này để giúp đỡ những hành khách không may thiếu tiền lẻ mua vé xe. Ý tưởng này có thể lạ lùng với những người không thường xuyên dùng xe buýt. Nhưng với những người thường xuyên dùng phương tiện công cộng này, rổ tiền lẻ của bác tài Huy lại mang rất nhiều ý nghĩa. 

Bác tài Huy và rổ tiền lẻ nghĩa tình (Ảnh: dẫn theo Thanh Niên)

Giá vé xe buýt không quá lớn, nhưng trong nhiều trường hợp khách vẫn không có đủ tiền để mua vé. Anh Huy có thể dễ dàng liệt kê ra những trường hợp như thế: Ví dụ, buổi sáng sớm, có vị khách đưa anh tờ 500 ngàn đồng. Lúc đó anh không đủ tiền để gửi lại cho khách, nhưng cũng không thể mời khách xuống xe. Tình huống ấy gây khó xử cho cả hai bên. Hay có những vị khách không may quên tiền hoặc bị người khác móc ví, không đủ tiền đi xe. Khi ấy, rổ tiền lẻ của anh Huy sẽ giúp cả khách và nhà xe vượt qua khỏi hoàn cảnh bối rối. 

Anh Huy tự mình đổi tiền lẻ để tặng cho những hành khách không đủ tiền xe (Ảnh: dẫn theo Thanh Niên)

Mong muốn được giúp đỡ những người khác đã giúp anh Huy có được sáng kiến “rổ tiền lẻ này”. Mỗi ngày anh sẽ trích 50 ngàn đồng tiền lương để duy trì “món quà tặng khách” của mình. Anh tự mình đi đổi tiền lẻ rồi xếp ngay ngắn vào trong rổ. Sau đó anh không quên lấp đầy rổ tiền lẻ bằng những viên kẹo ngọt ngào. Những viên kẹo này là dành cho các cháu nhỏ và các bạn sinh viên đi đường. Sau một ngày học tập vất vả, một chiếc kẹo ngọt có thể khiến mọi người được thoải mái hơn, bớt đói hơn trên quãng đường về nhà vừa xa xôi lại chật chội, đông đúc. 

Những chiếc kẹo ngọt là dành cho trẻ nhỏ và các bạn sinh viên (Ảnh: dẫn theo Thanh Niên)

Để khách hàng hiểu ý và tấm lòng của mình, anh Huy đã đặt một tấm bảng ghi rõ “Nếu quên mang theo tiền lẻ bạn cứ lấy tiền lẻ đủ để mua vé”. Lời nhắn này sẽ giúp mọi người bớt ngại ngần để chấp nhận sự giúp đỡ và tấm lòng của anh. 

Dòng chữ “Nếu quên mang theo tiền lẻ bạn cứ việc lấy tiền lẻ để mua vé” sẽ khiến nhiều người bớt ngại ngần (Ảnh: dẫn theo Thanh Niên)

Thấy đây là một ý tưởng hay, rất nhiều khách đi xe đã xin góp tiền để giúp anh Huy duy trì rổ tiền lẻ mà không làm ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân. Tuy nhiên, anh Huy đều lịch sự từ chối tất cả những đề nghị ấy. Anh không muốn người ta hiểu lầm ý tốt của mình, để người ta lại nghĩ anh lợi dụng điều này để làm việc quyên góp này kia. 

Không chỉ có một tấm lòng nhân ái, bác tài xe 54 này còn là một người trượng nghĩa. Một lần vào dịp cuối tháng 6 vừa qua, khi nghe có tiếng tri hô của một du khách bị móc túi, anh Huy đã lập tức xuống xe để đuổi theo, ngăn người ta phạm tội. Trong khi chạy đuổi anh còn làm mất đôi dép của mình. Chứng kiến toàn bộ sự việc, một hành khách trên xe đã bí mật tặng anh 100 nghìn để mua đôi dép mới. Dường như ở nơi đâu, cái Thiện xuất hiện đều giống như một cơn mưa hạ, đánh thức những điều thiện lành trong tâm hồn con người. 

Tuy nhiên, với anh Huy, món tiền này có ý nghĩa tinh thần còn lớn hơn nhiều so với giá trị vật chất của nó. Có lẽ khi giúp người khác anh không bao giờ tính đến những thiệt thòi mình có thể gặp, nên khi cầm trên tay số tiền này, anh ghi nhận nhiều nhất là tấm lòng và mong muốn chia sẻ của hành khách ấy dành cho mình. Đó là lý do tại sao, anh quyết định sẽ ép plastic tờ tiền ấy để làm kỷ niệm, thay vì dùng nó để mua cái gì đó cho riêng mình. 

Anh Huy sẽ ép plastic đồng tiền nghĩa tình này (Ảnh: dẫn theo Thanh Niên)

Đôi khi, trong cuộc sống này, chúng ta không cần có quá nhiều tiền, cũng không cần đến quá nhiều vật chất. Vậy nên, khi mất đi một chút tiền trong khoản lương mỗi ngày, hay mất đi một đôi dép cũng không phải là điều gì quá to lớn. Mất đi những thứ ấy cuộc sống của chúng ta cũng không khó khăn hay vất vả hơn. Điều quan trọng mà những người như anh Huy hay bác tài Grab – chủ tiệm tạp hóa mini trên xe hướng đến lại là một điều hoàn toàn khác. Họ hướng đến một điều gì đó nằm ngoài vật chất: Đó là cảm nhận được nhiều hơn những điều ý nghĩa trong cuộc sống của mình. 

Và bạn có nhận ra để có thể có một cuộc sống có ý nghĩa hơn, họ chọn cách làm những điều tốt cho người khác. Họ không chỉ làm tốt vai trò tài xế của mình bằng cách lái xe an toàn. Họ còn chân thành quan tâm đến cảm nhận của những hành khách của mình và thật tâm muốn làm điều gì đó để khiến cuộc sống của người khác trở nên dễ dàng hơn. Phải chăng đây chính là cách mang đến hạnh phúc thực sự cho mỗi người? 

Trong đời sống cần lắm những tấm lòng như thế (Ảnh minh họa: Mytour)

Như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì, em biết không?… Để gió cuốn đi”. Bay theo những làn gió ấy không chỉ là lòng tốt, không chỉ là nụ cười của những người đón nhận niềm vui. Mà những suy nghĩ, hành động vì người sẽ giúp mỗi chúng ta mang ra khỏi tâm hồn của mình những ích kỷ, toan tính, những cố chấp vào vật chất, danh vọng. Để rồi tâm hồn lại được quay về với cái trong sáng, thuần thiện, ấm áp thủa ban đầu. 

Hy Văn