Suốt hai năm nay, cứ khoảng 10h sáng đến 2h chiều các ngày thứ 3-5-7 hàng tuần, anh Khải lại cùng đồng nghiệp đến đường Cống Quỳnh (quận 1, Sài Gòn) để cắt tóc miễn phí cho người nghèo. 

“Tiệm” cắt tóc miễn phí của Lê Văn Khải mở ngay trên vỉa hè rộng rãi. Tuy không có gương, không có dầu gội, dầu dưỡng tóc đắt tiền, các loại thiết bị làm tóc hiện đại, nhưng nơi này mang lại niềm vui và hạnh phúc cho rất nhiều người dân lao động, sinh viên nghèo… và cho cả những người thợ cắt tóc. 

“Tiệm” cắt tóc của Khải và những người bạn (ảnh: Diễn Đàn Doanh Nghiệp). 

Đều đặn cứ thứ 3-5-7 hàng tuần, khoảng 10h sáng, các bạn trẻ trong nhóm cắt tóc tình nguyện của Khải lại tập trung ở vỉa hè đường Cống Quỳnh, mỗi người một việc. Người chuẩn bị đồ nghề, người quét dọn vệ sinh khu vực cắt tóc, có bạn cẩn thận bày biện bàn ghế. Đúng 11h30, tiệm cắt tóc miễn phí mở cửa đón chào những khách hàng đầu tiên, theo Dân Trí

videoinfo__video3.dkn.tv||ea5fab325__

Diễn Đàn Doanh Nghiệp đưa tin, từ khi mới 13 tuổi, Khải đã nghỉ học ra đường mưu sinh với đủ nghề từ giữ xe, bưng bê, bán hàng… Tới năm 25 tuổi, chàng trai trẻ mới quyết định theo nghề cắt tóc.

Ngày còn nghèo khó, Khải thường hay đến quán cơm Nụ Cười 2000 đồng dùng cơm giá rẻ. Chứng kiến xung quanh là những người có hoàn cảnh bất hạnh, phải bươn chải mưu sinh kiếm sống mỗi ngày, chắt chiu từng đồng nuôi gia đình, nên anh tâm nguyện khi đã ổn định việc làm sẽ thực hiện điều gì đó để sẻ chia cùng họ. 

Khoảng tháng 9/2017, Khải cùng một số anh em quyết định mở tiệm cắt tóc miễn phí như một cách để trả ơn đời, trả ơn những cô chú đã giang tay giúp đỡ họ trong những ngày tháng khó khăn. Họ xin phép cô chú ở quán cơm Nụ Cười 1 được đặt bảng cắt tóc miễn phí cho những người lao động nghèo.

Cắt tóc miễn phí nhưng mọi người rất nhiệt tình và cẩn thận (ảnh: Yan).

Ban đầu không có nhiều người biết đến, nhưng thông qua truyền miệng mà tiệm tóc đông dần lên, từ công nhân, các cô chú bán vé số cho đến các bạn sinh viên ăn cơm tại quán Nụ Cười 1 đều trở thành khách hàng đặc biệt của nhóm bạn trẻ.

Nhiều tay kéo thấy việc ý nghĩa nên cũng tham gia với anh Khải. Ban đầu chỉ có 4 người, nay “tiệm” đã có 10 thợ lành nghề. Mỗi ngày, nhóm cắt tóc trung bình cho khoảng 20 người, ngày cao điểm thì hơn 30 khách.  

Các bạn ra tận nơi để cắt tóc cho một người khuyết tật bán vé số (ảnh: Dân Trí).

Khải chia sẻ, công việc này không tốn nhiều thời gian mà lại vô cùng ý nghĩa. Anh vừa giúp người nghèo giảm đi một phần gánh nặng về vật chất nhưng chính bản thân cũng có những niềm vui và hạnh phúc khi thấy các cô, các chú và các bạn sinh viên nở nụ cười hài lòng có đầu tóc mới, sạch sẽ, gọn gàng và đẹp.

“Đôi khi làm việc tử tế không xuất phát từ những điều lớn lao mà nó hiện hữu từ những điều bình dị. Tụi mình không có nhiều về vật chất thì góp một chút sức lao động để người nghèo cảm thấy được ấm lòng”, anh trải lòng. 

Khải hướng dẫn cho một bạn kỹ thuật cắt tóc (ảnh: Dân Trí).

Chú Huỳnh Văn Thành, khách hàng của tiệm cắt tóc cho biết: “Mình lượm ve chai, buôn bán ve chai đâu có tiền nhiều đâu. Giờ vô tiệm cũng 4-5 chục rồi, đỡ được vài chục ngàn để mua gạo rồi cũng đỡ lắm chứ”. 

Đối với nhóm bạn trẻ, việc làm tử tế này không chỉ giúp đỡ cho người dân nghèo mà công việc này còn mang lại cho họ nhiều trải nghiệm thú vị về cuộc sống, biết hiểu và san sẻ gánh nặng với mọi người. Như Khải chia sẻ: “Cho đi là nhận lại, mình làm phước thì sẽ tích đức cho con cháu. Giúp người và giúp luôn cả mình”.

Video xem thêm: Tổ tiên tích đức thay vận mệnh, con cháu vinh hoa lộc mãn đường

videoinfo__video3.dkn.tv||266fb0fc4__