Nhiệt độ miền Bắc đột ngột xuống dưới 10 độ C ảnh hưởng tới sức khỏe và sinh hoạt của mọi người. Nhiệt độ xuống thấp khiến bạn có nguy cơ mắc các bệnh hô hấp, xương khớp… Dưới đây là một số biện pháp giúp bạn tránh “sốc nhiệt” cho cơ thể khi trời lạnh đột ngột.

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, sáng sớm nay nhiệt độ ở Hà Nộị dao động ở mức 9-11 độ. Trong ngày, dù nhiệt độ có tăng lên, đạt mức cao nhất cũng chỉ 14 -16 độ. Như vậy, nhiệt độ đã giảm 3-5 độ so với hôm qua.

Không riêng Hà Nội, do ảnh hưởng của không khí lạnh tràn về, toàn miền Bắc từ hôm nay trời rét đậm. Nhiệt độ các tỉnh Đông Bắc Bộ cũng chỉ từ 11 – 15 độ; ở một số khu vực núi cao, ban ngày 6 độ, đêm giảm dưới 5 độ. Riêng Mẫu Sơn, Sa Pa, Phia Oắc, Fansipan, nhiệt độ ban đêm có thể xuống 1-3 độ C.

Nhiệt độ xuống thấp khiến bạn có nguy cơ mắc các bệnh hô hấp, xương khớp… Cơ thể run rẩy là dấu hiệu cho thấy bạn đang mất nhiệt và rất dễ bị cảm lạnh, thậm chí với người cao tuổi có thể gây đột quỵ.

Dấu hiệu dễ nhận biết khi cơ thể bị hạ thân nhiệt:

  • Lạnh người, cơ thể run rẩy.
  • Phản ứng chậm, tay chân lóng ngóng.
  • Nói lắp bắp do cứng hàm, khó phát âm.
  • Thở chậm, khó thở.
  • Kiệt sức, buồn ngủ.
  • Da đỏ, tái, lạnh.
  • Mất ý thức.
5 biện pháp giúp cơ thể không bị "sốc nhiệt" khi thời tiết giảm dưới 10 độ C
(ảnh: Thanh Niên).

Trước tình hình thời tiết lạnh đột ngột, để tránh “sốc nhiệt” mọi người có thể tham khảo một số lưu ý dưới đây:

Giữ ấm cơ thể

Vào những ngày lạnh rét, bạn cần mặc ấm với quần áo chống gió, cài chặt khuy áo, dây khóa, đừng quên đeo găng tay, quàng khăn, đội mũ, bịt tai và vào ngay phòng kín khi bắt đầu cảm thấy lạnh.

Trang bị đầy đủ khi đi ra ngoài đường. (Ảnh: kenh14.vn)

Nếu bạn chuẩn bị đi ra ngoài, đừng bỏ qua hiện tượng run rẩy của cơ thể. Đó là dấu hiệu cho thấy cơ thể mất nhiệt và là tín hiệu báo bạn cần nhanh chóng trở về nhà.

Ăn đủ chất, tăng cường đạm, các gia vị cay

Chế độ dinh dưỡng cũng là yếu tố bạn cần chú ý. Nên tăng cường ăn rau xanh, trái cây để nâng cao sức đề kháng. Các gia vị như hành, tỏi, gừng, quế… giúp giữ ấm rất tốt, giải cảm, ấm bụng, kích thích tiêu hóa.

Ăn uống ưu tiên các chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất để tăng sức đề kháng.

Duy trì chế độ luyện tập trong nhà

Để giữ ấm cơ thể, chống lạnh rét mùa đông, bạn cần tăng cường hoạt động, lao động chân tay để cơ thể sản sinh nhiều nhiệt. Buổi tối, hãy ngâm chân vào nước muối ấm để điều hòa khí huyết, giữ ấm cơ thể.

Tránh uống nước lạnh, đồ có cồn

Tăng cường uống nước ấm, trà gừng, trà thảo mộc, nước trái cây trong những ngày mùa đông lạnh giá. Hãy nhớ, nước lạnh, đồ uống có cồn làm cơ thể mất nhiệt nhanh hơn.

Trà gừng là thức uống rất tốt để tránh cảm lạnh vào mùa đông. (Ảnh: shutterstock)

Trước khi đi ngủ hoặc sau khi thức giấc, nên uống sữa ấm hoặc mật ong để tốt cho đường hô hấp và giữ thân nhiệt.

Nếu thấy ho, không tự ý dùng kháng sinh

Cảm cúm, lạnh là triệu chứng thường gặp, không quá đáng lo ngại và có thể khỏi trong vòng một tuần. Khi có các triệu chứng: mệt mỏi, sốt, nhức đầu, đau rát họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, ho, hắt hơi…, người bệnh tuyệt đối không dùng kháng sinh. Thói quen tự ý sử dụng kháng sinh mỗi khi có bệnh của người Việt hiện rất nguy hiểm.

Phương Nam