‘Sát nhân lặng lẽ’ – là từ mà các chuyên gia y tế dùng chỉ căn bệnh rối loạn chuyển hóa đái tháo đường. Đa số người mắc bệnh không có biểu hiện đặc trưng, khi phát hiện thì đã có biến chứng khác rồi. Nếu chăm sóc lưu ý thì bàn chân là mục tiêu rất dễ bị tấn công đến mức phải cắt bỏ.

Theo GS. TS Tạ Văn Bình – Chủ tịch Hội giáo dục Người bệnh Đái tháo đường Việt Nam cho biết: Thống kê trên thế giới cho thấy, cứ 6 giây trôi qua lại một người chết và cứ sau 32 giây lại có người phải cắt cụt chân vì bệnh tiểu đường. Chưa kể, bên cạnh đó còn hàng loạt các biến chứng khác khiến bệnh nhân mù mắt, hoại tử chân, bệnh tim mạch, tổn thương thần kinh… theo VTC14.

Ngoài ra, có khoảng 15% đến 25% bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) sẽ xuất hiện loét chân và trên 70% bệnh nhân loét chân sẽ bị tái phát trong năm năm. Thông tin trên được bác sĩ Huỳnh Quốc Hội, khoa Nội tiết BV Nhân dân 115 TP.HCM, đưa ra tại buổi sinh hoạt chủ đề “Dự phòng loét chân ở bệnh nhân ĐTĐ” được tổ chức ngày 08/05.

Bàn chân đái tháo đường là một trong những biến chứng ‘khó ưa’ nhất của bệnh tiểu đường. (Ảnh: NewBranch)

“Tuy nhiên, nếu thực hiện tốt dự phòng có thể giúp làm giảm được tỉ lệ đoạn chi lên đến 85%. Để dự phòng biến chứng ĐTĐ, bên cạnh việc duy trì sinh hoạt lành mạnh (ăn uống hợp lý, vận động thường xuyên), người bệnh cần chú ý chăm sóc bàn chân mỗi ngày”, bác sĩ Hội đưa ra lời khuyên.

Một số bước chăm sóc bàn chân cho người bị tiểu đường

  • Nên lau rửa bàn chân mỗi ngày, lau khô nhẹ nhàng bằng khăn mềm. Không nên ngâm chân trong nước quá lâu. Nếu da khô có thể dùng kem giữ ẩm nhưng tránh thoa vào vùng giữa các ngón chân.
  • Không đi chân trần ngay cả trong nhà. Tránh mọi tổn thương gây ra cho bàn chân một cách tối đa.
  • Nên đến khám bác sĩ nếu bàn chân có biểu hiện bất thường như tê bì, xây xát, tổn thương lâu liền… Tuyệt đối không tự ý dùng liệu pháp dân gian.
  • Cắt móng chân đúng cách: Nên cắt móng chân thường xuyên sau khi tắm rửa hoặc rửa chân sạch sẽ bằng dụng cụ chuyên dùng. Không cắt móng thành một mẩu duy nhất và tránh lôi kéo móng. Tránh để móng dài quá chiều dài móng hoặc cắt quá sát phần da. Không móc và cắt phần bên móng (khóe móng).
Cắt móng đúng cách cũng giảm thiểu nguy cơ bệnh lý bàn chân đái tháo đường. (Ảnh: ViCare)
  • Khi thấy móng đau, hình dạng bất thường, đổi màu, dày lên, mọc vào trong hoặc chấn thương móng thì nên đi khám sớm với bác sĩ chuyên khoa Nội tiết

Cũng theo BS Hội, bệnh nhân ĐTĐ nên ghi nhớ bốn dấu hiện nguy hiểm của bàn chân ĐTĐ: Đỏ lên hoặc thay đổi màu sắc khác (xanh, đen, tím hoặc tái) ở một phần bàn chân hay cả bàn chân; sưng, phù; đau hoặc đau nhói; tổn thương rách da và chủ động đi khám bàn chân. Bên cạnh đó, nên kiểm tra bàn chân để tìm các vết chai, nứt, thâm, các cục u, các sẩn, bóng nước… để điều trị kịp thời.

“Kiểm tra bàn chân thường xuyên giúp phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm hay bất thường. Nên so sánh hai chân với nhau. Khi bàn chân thay đổi hình dạng và có dấu hiệu bị nhiễm trùng thì cần đi khám ngay. Các vết chai, cứng không được xử lý tốt có thể đưa đến loét chân”,  bác sĩ Hội cho biết thêm.

Theo các chuyên gia hai trong số các nguyên nhân chính khiến bệnh tiểu đường ngày nay tăng mạnh chính là do lối sống và ảnh hưởng stress. Do vậy để tránh gặp phải căn bệnh mạn tính này và nguy cơ bị cắt cụt chân, mỗi người nên giữ cho mình lối sống lành mạnh, điều tiết tinh thần vui vẻ lạc quan.

Yến Dương