Thật phiền toái khi da dị ứng ngứa nổi mề đay sần sùi, vừa khó chịu lại thêm nguy cơ để lại sẹo xấu. Nhiều trường hợp loay hoay chữa mãi mà vẫn không dứt, có thể là do bạn chưa tìm đúng thuốc.

Bề ngoài thì vấn đề này có thể là do người bệnh ăn phải các thực phẩm dễ gây dị ứng, do thay đổi thời tiết hoặc cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh ngoài da, dị ứng, bệnh nội tạng… Nhưng nguyên nhân tận gốc chính là do những độc tố có trong cơ thể thông qua các điều kiện thời tiết, nhiệt độ, thực phẩm phát lên da.

Theo Đông y: Nguyên nhân gây nên bệnh bao gồm “nội nhân” (tác nhân bên trong) và “ngoại nhân” (tác nhân bên ngoài). Nội nhân chủ yếu do cơ thể suy yếu (âm dương mất cân bằng), khí huyết không điều hòa, chức năng tạng phủ bị rối loạn… khiến cho khả năng thích ứng với môi trường của cơ thể bị suy giảm mà sinh ra bệnh. Ngoại nhân chủ yếu do “phong hàn” hoặc “phong nhiệt”, nhân lúc cơ thể bị suy yếu, xâm nhập vào mà gây nên bệnh.

Các dạng dị ứng thường gặp

Các dạng dị ứng phổ biến nhất đó là dị ứng thực phẩm, dị ứng thời tiết.

1. Dị ứng thực phẩm

Dị ứng thực phẩm có thể gặp ở bất cứ ai, ở bất cứ độ tuổi nào. Khi ăn phải nhóm thực phẩm dễ dị ứng, người bệnh sẽ bị nổi mẩn đỏ ngoài da, nổi mề đay, ngứa, sưng đỏ, mạch máu sưng phồng. Ở hệ thống tiêu hóa thì môi, miệng, và cuống họng sưng phồng, đầy bụng, nôn mửa, bụng đau cuộn, tiêu chảy. Ở hệ thống hô hấp thì khó thở, suyễn, khò khè, ho, nghẹt mũi, chảy nước mũi.

Mỗi người có một biểu hiện khác nhau, có người không xuất hiện đầy đủ các triệu chứng, dị ứng có thể xảy ra ngay khi ăn thực phẩm dị ứng hoặc sau vài giờ, có khi vài ngày sau đó.

2. Dị ứng thời tiết

Người bị dị ứng thời tiết thường có những biểu hiện như ngứa mũi, tai, mắt, miệng, họng, da hoặc trên bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể. Hắt hơi sổ mũi nhiều lần, chảy nước mũi trong, giảm khướu giác, nặng hơn là nghẹt mũi, ho, ù tai, đau họng có quầng thâm, phù nề dưới mi mắt, mệt mỏi, nhức đầu và đôi khi cũng ảnh hưởng đến việc xử lý bộ nhớ của não bộ.

Đặc điểm của người bị dị ứng thời tiết thường là da rất nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết. Do đó khi thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại rất dễ khiến da bị ảnh hưởng.

Bài thuốc điều trị dị ứng

Lá đơn đỏ – Kinh giới
  • Lá đơn đỏ: 20 gam,
  • Kinh giới tươi: 20 gam
  • Kim ngân hoa: 20 gam
  • Bèo cái (đại phù bình): 40 gam.

– Đối với kim ngân hoa nếu không có loại tươi thì có thể mua loại khô từ tiệm thuốc bắc hoặc nam với lượng 5 gam)

– Mỗi ngày một thang sắc uống. Uống liên tục 7 ngày.

Chú ý: trong thời gian uống không dùng thực phẩm gây dị ứng cho người bệnh (những thực phẩm mà người bệnh đã từng bị dị ứng).

Cao Sơn

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.