Sứa có hơn 1000 loài phân bố chủ yếu ở các vùng biển ôn đới và nhiệt đới. Những sinh vật nguyên thuỷ này đã tồn tại được khoảng 600 triệu năm. Tuy mang một vẻ bề ngoài nhẹ nhàng, thanh mảnh rất uyển chuyển nhưng chúng lại tiềm ẩn những nguy hiểm bên trong các xúc tu. Chỉ một cái chạm nhẹ trong tích tắc, bạn cũng có thể nhận ngay hậu quả nặng nề.

Gần đây, sứa xuất hiện dày đặc ở các vùng biển như Cửa Lò (Nghệ An), Mỹ Khê (Đà Nẵng), Bãi Sau (TP Vũng Tàu)… gây ra rất nhiều phiền toái cho khách du lịch và người dân. Do đó, nếu bạn có ý định đi tắm biển thì hãy nhanh chóng trang bị cho mình và gia đình những kiến thức cơ bản, phòng khi ‘chạm trán’ với loài động vật có độc này.

Sứa xuất hiện nhiều ở một số vùng biển của Việt Nam. (Ảnh: Deepthroaters)

Sứa ‘tiêm’ chất độc vào cơ thể người như thế nào?

Sứa là động vật thân mềm, 95% cơ thể là nước liên kết với nhau bằng các xơ protein – chất hơi đục, giống gel gọi là mesoglea. Với cơ thể mỏng manh như vậy, chúng phải nhờ vào chất độc chứa trong tế bào vòi gọi là cnidocytes để sinh tồn và bắt mồi. Ngay cả sứa con, chỉ bé bằng một cục tẩy, cũng có khả năng chích độc. Các con sứa có hình cây dù với cái chóp trên đầu và xúc tu xung quanh rìa với chứa nhiều tế bào vòi, bao bọc lấy nang trâm (nematocysts) chứa chất độc (một ống rỗng rất bé, nằm cuộn dưới áp suất thẩm thấu cao).

Khi tiếp xúc với người sẽ kích hoạt các thụ cảm, nắp của tế bào sẽ bật ra và nước biển tràn vào, rồi làm nang trâm bé tí bắn ra, đâm xuyên và tiêm độc vào nạn nhân. Nang trâm bắn ra chỉ trong vòng chưa đến 1/1.000.000 giây, là một trong những chu trình sinh hóa tự nhiên nhanh nhất và có thể bắn ra ngay cả khi con sứa đã chết.

Ngay cả những con sứa đã chết vẫn có thể phóng độc tố. (Ảnh: KhoaHoc.tv)

Vùng biển Việt Nam có 2 loại sứa chủ yếu là sứa trắng và sứa lửa, hay gặp nhiều nhất vào cuối xuân đến hết thu. Đây cũng là mùa du lịch biển.

Người tắm biển nếu đụng phải sứa trắng có thể chỉ hơi ngứa nhưng đụng phải sứa lửa (những con sứa có tua màu xanh, đỏ) thì gây ra rát bỏng, sau đó da bị phồng, rộp lên. Đa số khi bị sứa cắn chỉ thấy khó chịu và phiền toái, nhưng đôi khi có thể dẫn tới tử vong do bị quá mẫn dẫn tới sốc phản vệ không cấp cứu kịp thời.

Khi bị sứa độc tấn công, thường gặp các dấu hiệu sau:

  • Có cảm giác bỏng rát trên da, nổi nốt phỏng
  • Nơi bị chích ngứa ran hoặc tê bì, nổi mẩn đỏ
  • Da khu vực này chuyển sang màu đỏ hoặc tím
Chỗ da bị sứa chích sẽ thấy bỏng dát, có thể nổi nốt bỏng. (Ảnh: Timeout Vietnam)

Các triệu chứng có thể diễn ra nghiêm trọng hơn như: buồn nôn, chóng mặt, ói mửa, khó thở.

Do đó, trước lúc xuống biển thì trang bị các kiến thức phòng chống khi bị sứa chích, sẽ giúp bạn an tâm hơn trong chuyến đi của mình.

Khi bị sứa chích cần được điều trị cứu trợ ngay lập tức

Việc điều trị dựa trên nguyên tắc giảm đau và chữa lành các phản ứng dị ứng nếu có. Bạn có thể thực hiện theo 4 bước sau:

1. Nên rửa bằng nước biển để loại bỏ các nang trâm còn dư, giảm bớt độc tố, tránh kỳ cọ làm tổn thương lan rộng.

2. Rửa sạch khu vực bị thương bằng giấm sẽ làm những nang trâm chưa bắn độc tố bị bất hoạt.

3. Dùng nhíp để nhổ các trâm độc có thể nhìn thấy, hoặc dùng vật có cạnh như que kem, thìa, bìa cứng… cạo nhẹ lên vết chích để đẩy tế bào phóng độc ra ngoài.

4. Ngâm da trong nước nóng:

Sử dụng nước từ 43 – 45°C và luôn bảo trì nhiệt độ này trong quá trình ngâm. Nếu không có sẵn nhiệt kế, hãy kiểm tra nước trên tay hoặc khuỷu tay của người không bị thương – nó sẽ cảm thấy nóng, không bị bỏng. Ngâm phần da bị tổn thương trong nước hoặc dùng vòi sen nóng xối vào trong 20 – 45 phút.

Theo một nghiên cứu, ngâm nước nóng là phương pháp an toàn và hiệu quả để giảm đau do các loài không xương sống (bao gồm cả sứa) chích. Nghiên cứu này cũng đưa ra kết luận rằng, điều trị vết chích của sứa bằng nước nóng hiệu quả hơn so với việc chườm các túi đá lạnh.

Ngoài ra, trong dân gian có cách chữa ngay sau khi bị sứa ‘đụng’: Cần rửa sạch vết thương, nhai dập cọng lá rau muống biển đắp vào vết thương. Cây muống biển có tác dụng làm dịu mát vết bỏng rát. Sau đó, dùng các loại kem chữa bỏng hay uống thuốc để chữa vết thương.

Rau muống biển đắp vào vết thương là phương pháp dân gian hiệu quả. (Ảnh: chuaviemxoangmui.net)

Lưu ý:

  • Nếu có phản ứng dị ứng nghiêm trọng: ớn lạnh, nổi ban đỏ, phù mắt, phù môi, khó thở, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, chóng mặt, tim đập nhanh… cần nhanh chóng đưa đi cấp cứu.
  • Nếu đau nhức thì sử dụng thuốc giảm đau hoặc có biểu hiện phản ứng ngoài da do quá mẫn, phát ban cần được điều trị bằng histamin hoặc corticosteroid theo khuyến cáo của bác sĩ.
  • Mắt đỏ bừng và đau thì có thể . Bạn cần trợ giúp ngay của bác sĩ nhãn khoa để kiểm soát cơn đau và đỏ mắt.

Những việc không làm khi bị sứa chích

  • Không dùng nước ngọt để rửa vết thường vì sự chênh lệch nồng độ muối sẽ làm thay đổi áp suất thẩm thấu bên ngoài tế bào và làm các nang trâm bắn độc.
  • Không sử dụng nước tiểu để điều trị vết sứa chích
  • Không gãi hay chà xát vùng da tổn thương
  • Rửa sạch bằng nước lạnh, nghe có vẻ là ý tưởng hay, nhưng nó sẽ kích hoạt nang trâm vẫn còn cắm trên da.

Làm gì để tránh bị sứa chích?

Bất cứ khi nào tắm biển thì bạn đều có ‘cơ hội’ gặp sứa biển, nhưng bạn có thể lưu ý một số bước sau đây để tránh tối đa hậu quả của sự ‘chạm trán’ này.

  • Hãy báo ngay cho nhân viên cứu hộ của bãi biển nếu bạn phát hiện ra nơi sứa xuất hiện. Do sứa di chuyển theo mô hình dòng chảy và thời điểm nhất định trong năm nên nhân viên sẽ đưa ra cho bạn lời khuyên để bơi lội trong khu vực an toàn.
  • Mặc một bộ bodysuit (bộ quần áo bơi dài bó sát người) giảm nguy cơ tiếp xúc trực tiếp với sứa.
Mặc bộ đồ bơi dài sẽ hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với sứa. (Ảnh: Chothoitrang.com)
  • Tuy sứa nhìn khá đẹp và thú vị, bạn nên tìm hiểu hình ảnh và nâng cao cảnh giác cho bản thân và gia đình, đặc biệt là trẻ em. Bởi ngay cả những con sứa đã chết cũng có thể chích độc.

Mộc Chi

Nguồn:

1. Heated Debates: Hot-Water Immersion or Ice Packs as First Aid for Cnidarian Envenomations? https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4848624/