Một bệnh nhân ung thư vú ở Sơn La được bác sĩ Bệnh viện K kê toa đơn thuốc trị giá 128,9 triệu đồng khiến nhiều người lo sợ cảnh bán nhà bán đất để đi chữa bệnh.

Báo VnExpress đưa tin, đơn thuốc này được chia sẻ trong một nhóm bệnh nhân ung thư đã khiến nhiều người bệnh lo lắng về chi phí điều trị bệnh. Hai loại thuốc giá tiền triệu trong đó là Herceptin và Perjeta có giá hơn 45 triệu đồng và 36 triệu đồng mỗi lọ.

Một bệnh nhân trong nhóm cho biết, hiện chi phí điều trị ung thư vú của chị được bảo hiểm y tế thanh toán một phần, chị tự chi trả khoảng 7-10 triệu đồng/tháng. Chi phí này khiến gia đình chị gặp khó khăn tài chính.

Nhiều bệnh nhân cho rằng, bác sĩ điều trị đang lạm dụng kê toa thuốc đắt tiền. Với giá trị đơn thuốc này, sẽ rất ít bệnh nhân có thể theo đủ liệu trình điều trị.

Bác sĩ Đỗ Thị Thanh Mai là người kê toa thuốc này cho bệnh nhân ung thư vú 35 tuổi. Bác sĩ Mai cho biết, đây là đơn thuốc lần một trong phác đồ điều trị. Bệnh nhân ung thư ở giai đoạn 2, đã được phẫu thuật cắt một bên vú.

Theo bác sĩ Mai, phác đồ cho bệnh nhân ung thư vú mới nhất được Bộ Y tế phê duyệt đầu năm, trong đó 2 thuốc đắt nhất trong đơn thuốc nói trên có thể dùng trong 2 trường hợp. Một là giai đoạn sớm để điều trị bổ trợ, hai là dùng cho giai đoạn di căn.

“Bệnh nhân đồng ý kê đơn thuốc này sau khi được tôi tư vấn và hoàn toàn tự nguyện điều trị theo phác đồ”, bác sĩ Mai nói.

Theo phác đồ, bệnh nhân này phải điều trị 18 đợt hóa chất, 3 tuần sẽ gặp bác sĩ một lần, truyền 2 ngày rồi về nhà nghỉ ngơi. Đơn thuốc cho đợt truyền đầu tiên là liều tấn công nên lượng Perjeta và Herceptin cao hơn những lần sau. Từ lần thứ hai, đơn thuốc còn khoảng 60 triệu đồng, chưa tính phần hỗ trợ của bảo hiểm y tế. Những liều tiếp đó, giá tổng toa thuốc sẽ càng giảm.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân ung thư vú ở Bệnh viện K (ảnh: Lê Nga/VnExpress).

Bác sĩ Mai khẳng định: “Khi tư vấn, bác sĩ luôn đưa ra phác đồ tốt nhất cho bệnh nhân lựa chọn tùy theo điều kiện kinh tế. Bệnh nhân không có điều kiện có thể chỉ truyền một trong 2 thuốc. Nếu khó khăn nữa, có thể dùng các thuốc có thành phần tương tự”.

Trao đổi với Vietnamnet, PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó giám đốc BV K, Trưởng khoa Điều trị tự nguyện A khẳng định, đơn thuốc này do bác sĩ điều trị kê hoàn toàn đúng theo phác đồ mới nhất của Bộ Y tế.

“Trước khi kê đơn, bác sĩ luôn giải thích, tư vấn đầy đủ, nếu bệnh nhân có đủ điều kiện kinh tế, đồng ý dùng thì bác sĩ sẽ kê còn với những bệnh nhân kinh tế khó khăn, sẽ có những lựa chọn khác”, PGS Quảng giải thích.

Theo PGS Quảng, không phải cứ dùng thuốc đắt tiền mới khỏi được bệnh, nhưng với những bệnh nhân dù còn 1-2% cơ hội điều trị và họ có điều kiện để dùng thì đó là việc hết sức bình thường.

Ung thư vú được xếp vào nhóm dễ phát hiện nhất do người bệnh có thể tự sờ thấy một khối u ở vú, hạch ở nách. Vì thế, khi sờ thấy khối u ở vú, hạch ở nách, hay dịch máu bất thường ở đầu vú, hoặc cảm thấy bất thường ở cơ thể cần đi khám ngay.

Phụ nữ từ 30 tuổi trở lên nên định kỳ đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa 1-3 năm một lần. Chị em cần duy trì thói quen tự khám vú mỗi tháng. Sau kỳ kinh nguyệt 5 -7 ngày là thời điểm tuyến vú mềm nhất, hãy đứng trước gương để tự kiểm tra vú. Hãy tạo thành thói quen tháng nào cũng kiểm tra.

Đối với phụ nữ từ 40 tuổi trở lên, cần định kỳ đến khám mỗi năm một lần. Đồng thời định kỳ chụp X-quang tuyến vú, giúp phát hiện các tổn thương bất thường ở tuyến vú ngay cả khi chưa sờ thấy khối u.

Đối với những phụ nữ có nguy cơ cao thì cần đi khám sớm hơn.

Video xem thêm: Có khiếm khuyết mới là vĩnh cửu, không hoàn mỹ mới gọi kiếp nhân sinh

videoinfo__video3.dkn.tv||992717e50__