Nghiên cứu của trường Khoa học và Chính sách Dinh dưỡng Friedman (thuộc Đại học Tufts, Mỹ) chỉ ra, ăn nhiều hải sản chứa omega-3 giúp kiểm soát huyết áp, nhịp tim và giảm tỷ lệ sưng viêm ở người cao tuổi.

Thạc sĩ Heidi Lai đã nghiên cứu và tìm mối liên hệ giữa ăn nhiều hải sản giàu omega-3 và các bệnh mạn tính ở người cao tuổi.

Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra nồng độ a-xít béo omega-3 tuần hoàn trong máu của 2.622 người có độ tuổi trung bình là 74, từng tham gia nghiên cứu sức khoẻ tim mạch của Mỹ.

Suốt 13 năm theo dõi, họ được xét nghiệm máu 2 lần (6 năm/lần) để đo nồng độ 4 loại axít béo omega-3 gồm 3 loại chuỗi dài có nguồn gốc từ hải sản là a-xít eicosapentaenoic (EPA) và a-xít docosahexaenoic (DHA) và a-xít docosapentaenoic (DPA); 1 loại có nguồn gốc thực vật là a-xít alpha linolenic (ALA).

Nguồn thực phẩm chính chứa 3 loại omega-3 EPA, DHA và DPA là cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá trích, cá mòi và các loại hải sản khác. Nguồn thực phẩm giàu ALA là các loại hạt và dầu thực vật.

Những người tham gia nghiên cứu được chia thành 5 nhóm dựa trên mức độ omega-3 trong máu của họ.

Kết quả, 11% số người tham gia nghiên cứu đã trải qua quá trình lão hóa lành mạnh, không mắc bệnh tim hay ung thư, không bị hạn chế vận động hoặc gặp các vấn đề về nhận thức… Trong khi 89% còn lại sống thọ nhưng mắc các bệnh mạn tính, suy giảm thể chất hoặc tinh thần.

Những người trong nhóm tiêu thụ DPA có nguồn gốc từ hải sản cao nhất có nguy cơ già đi không lành mạnh ít hơn 24% so với những người tiêu thụ ít.

Ông Lai chia sẻ trên Tạp chí Y khoa Anh (BMJ), omega-3 có thể giúp giữ huyết áp và nhịp tim trong tầm kiểm soát, cũng như giảm tỷ lệ sưng viêm, bệnh mạn tính ở người già. Do đó, mọi người nên ăn nhiều hải sản hơn, đặc biệt những người từ 65 tuổi trở lên.

Việt Hoàng (Tổng hợp)