Đông y quan niệm, chân là bộ não thứ 2 của cơ thể, có nhiều huyệt vị quan trọng nhất. Thông qua những biểu hiện của nó, có thể biết được tình trạng sức khỏe của các bộ phận trên cơ thể.

Chân là bộ phận nằm ở vị trí dưới cùng của cơ thể chúng ta, vì vậy đôi khi bỏ qua hoặc thờ ơ với tầm quan trọng của nó, đến mức khi bị đau thì mới để ý chăm sóc. Trên thực tế, bàn chân nhỏ bé nhưng có sự liên quan lớn đến tuổi thọ của mỗi người.

Đông y cho rằng, bàn chân có thể xem là bộ phận có nhiều huyệt vị nhất trên cơ thể. Theo y học cổ truyền, bộ phận này liên quan đến lục phủ ngũ tạng, thông suốt từ trong ra ngoài, vì vậy vô cùng đặc biệt với cơ thể.

Đây cũng được xem đây là “bộ não thứ 2” do vị trí đặc biệt quan trọng của nó. Nếu muốn biết bộ phận nào của cơ thể đang bị hư nhược, chỉ cần thông qua biểu hiện của bàn chân là sẽ có đáp án.

Trong sinh hoạt thường ngày, nếu cơ thể xuất hiện các triệu chứng như hai chân phù thũng, mỏi eo đau lưng, ớn lạnh, tay chân rét run, tiểu ít… Nữ giới kinh nguyệt thường bị chậm, lượng ít, tức và đau bụng, huyết cục huyết khối đều cần chú ý. Y học hiện đại nhân định, có rất nhiều nguyên nhân làm chân phù thũng, cần thăm khám và không nên sử dụng thuốc một cách mù quáng.

Chân được coi là “bộ não thứ 2”, liên quan đến lục phủ ngũ tạng, thông suốt từ trong ra ngoài, vì vậy vô cùng đặc biệt với cơ thể (Ảnh: sohu.com)

Nguyên nhân làm chân phù thũng

1. Hai chân phù thũng: Tỳ hư

Theo y học cổ truyền, Phế hư, Tỳ hư, Thận hư đều có thể dẫn tới phù thũng, chứng phù khi Tỳ hư được thể hiện rất rõ ràng nhất là ở chân. Nếu ấn xuống chỗ lõm không nhanh chóng hồi phục, chán ăn, sắc mặt sạm đen, nên Kiện Tỳ lợi Thấp. Khi phải đứng quá lâu, không được vận động trong một thời gian dài hay ở người đang mang thai, hiện tượng này hay xuất hiện. Tuy nhiên nó cũng có thể là một dạng bệnh nguy hiểm do tuần hoàn kém, hay vấn đề ở hệ bạch huyết, hoặc một cục máu đông. Khi thận bị rối loạn chức năng hoặc tuyến giáp hoạt động kém cũng gây sưng ở chân.

Về ăn uống, nên dùng Sơn dược, Ý dĩ, Khiếm thực nấu cháo ăn vào sáng và tối. Đồng thời có thể ăn thêm các loại thực phẩm hỗ trợ bổ Tỳ như thịt bò, thịt gà, táo đỏ, cà rốt, khoai tây… Kỵ những thực phẩm dễ gây tổn thương Tỳ khí như mướp đắng, dưa chuột, bí đao, rau cần, chuối tiêu…. Những loại thực phẩm dễ gây cản trở tới sự vận động của Tỳ khí như thịt vịt, thịt lợn, hàu, sữa bò, vừng cũng không nên ăn nhiều.

2. Hai chân toát ra khí lạnh: Thận dương hư

Nếu thường xuyên cảm thấy mỏi eo đau lưng, cơ thể ớn lạnh, tay chân rét run, tiểu ít… Nữ giới kinh nguyệt thường bị chậm, lượng ít, tức và đau bụng, huyết cục huyết khối đều cần chú ý bởi đây là triệu chứng điển hình của dương hư. Nhất là phần dưới eo khi ấn xuống không thể trở lại trạng thái ban đầu, thậm chí còn xuất hiện chướng bụng càng cần phải cẩn thận. Tình trạng này thường xuất hiện ở nữ giới, vì đông y cho rằng nữ giới thuộc âm cho nên thân nhiệt của nữ thấp hơn nam giới. Nếu nữ giới có dấu hiệu lạnh chân kéo dài chứng tỏ bị thiếu máu. Do tuần hoàn máu trong cơ thể bị rối loạn, lượng máu tuần hoàn không đủ, tuần hoàn máu ở phần chân bị trở ngại, điều này cũng lý giải tại sao chân lạnh là do “máu lưu thông kém” gây ra.

Theo Tây y, nếu bàn và các ngón chân luôn luôn lạnh, nguyên nhân đó có thể là do vấn đề tuần hoàn trong cơ thể khiến máu lưu thông kém bao gồm các bệnh liên quan đến thuốc lá, cao huyết áp hoặc bệnh tim. Các tổn thương thần kinh ở người bệnh tiểu đường do không kiểm soát được đường huyết, bệnh suy giáp, thiếu máu cũng làm cho đôi chân của bạn cảm thấy lạnh.

Hai chân toát ra khí lạnh có thể do thận dương hư (Ảnh: hidoc.co.kr)

Lúc này, nữ giới nên chú ý giữ ấm, đồng thời bổ sung thêm các thực phẩm giữ nhiệt như táo đỏ, gan lợn. Nếu chân đột nhiên bị lạnh còn có thể là do chức năng tuyến giáp có vấn đề. Thay đổi thói quen sinh hoạt là cách để trị tận gốc bệnh. Không nên ăn các loại thực phẩm có tính hàn lạnh, ngấy ngán và khó tiêu như lạc, chuối tiêu…; những người bị táo bón không nên ăn gạo nếp; những người bị tiêu chảy nên kỵ những loại thực phẩm có tác dụng thông tiện như sữa, hải sâm, tôm…

Hằng ngày nên chú ý giữ ấm cơ thể nhất là vào mùa đông, không nên thức khuya, trong khoảng thời gian từ 4- 6h chiều massage vào huyệt Thận Du (Dưới gai sống thắt lưng 2, đo ngang ra 1, 5 thốn, ngang huyệt Mệnh Môn); Buổi tối sau khi dùng nước ấm ngâm chân, xoa lòng bàn chân mỗi bên từ 5- 10 phút có thể hỗ trợ giúp ích tinh bổ thận.

3. Hai chân sợ lạnh, chân tay phát nhiệt: Thận âm hư

Nếu cảm thấy hai chân sợ lạnh nhưng lòng bàn tay, bàn chân bị nóng, có khả năng là cơ thể bị chứng âm hư, thiếu âm, sinh nhiệt bên trong, hay còn gọi là nóng trong. Nên bổ sung các loại thực phẩm có tính mát như đậu xanh, ngân nhĩ, hạt sen, bí xanh, thịt nạc và những món ăn có vị ngọt mát, nhuận âm. Hạn chế ăn thịt dê, rau hẹ, ớt cay và các thực phẩm có tính nóng khác. Cũng có thể thường xuyên đi bộ, chạy bộ, tập Yoga, Thái cực quyền…

4. Hai đầu gối và chân tay lạnh: Chứng lãnh hàn

Nếu thường xuyên cảm thấy chân tay lạnh buốt như băng, đầu gối lạnh, đa phần là biểu hiện của Chứng lãnh hàn. Theo Đông y, đây là phản ứng khi khí hư, khí trệ, âm khí không đủ. Phụ nữ trong giai đoạn sinh lý đặc biệt như thời kỳ kinh nguyệt, mang thai và mới sinh dễ xuất hiện tình trạng này. Lúc này nên thường xuyên ngâm chân bằng nước ấm thêm mấy lát gừng vừa có thể giữ ấm thân thể lại có thể thư giãn loại bỏ mệt mỏi. Ngoài ra, thông qua massage các huyệt vị sau một cách thích hợp, đều có thể đạt được mục đích giúp đầu gối ấm lên.

* Massage huyệt Dũng tuyền: (Khi co bàn chân và các ngón chân lại thì xuất hiện một khe hõm, huyệt ở chính giữa khe hõm đó hay điểm nối ⅖ trước và ⅗ sau đoạn đầu ngón chân 2 và giữa bờ sau gót chân). Dùng tay phải massage vào huyệt ở chân trái, dùng tay trái massage vào huyệt ở chân phải 100 lần vào sáng tối, sau đó xoa ngón chân 100 lần.

Massage huyệt Dũng tuyền để loại bỏ chứng lạnh hàn, giá lạnh ở đầu gối và chân tay (Ảnh: khiconghimalaya.vn)

* Xoa huyệt Khí xung: (Rốn xuống 5 thốn đo ra ngang 2 thốn, mặt trong của bắp đùi), tại huyệt này có một đường động mạch, trước tiên ấn và xoa nhẹ vào huyệt vị sau đó vào đường động mạch này. Buông lỏng một chút sau đó ấn một cái, thực hiện luân phiên đến khi cảm thấy đùi và chân nóng lên.

* Huyệt Thận du: (Huyệt thận du nằm ở dưới gai sống thắt lưng hai, đo ngang ra 1,5 thốn (1 thốn = chiều dài ngón tay trỏ). Dùng lực hơi mạnh vỗ vào huyệt mỗi ngày khoảng 100 lần.

5. Đoán bệnh qua màu sắc bàn chân

Nhìn màu sắc đoán bệnh là một trong những nội dung quan trọng trong lý thuyết thực hành Đông y. Theo quan niệm này, màu sắc bàn chân được xem là bình thường nếu có màu đỏ nhạt.

* Nếu chân có thiên hướng màu đỏ đậm thì chứng tỏ cơ thể đang có bệnh về nhiệt, nóng trong, phát hoả.

* Nếu bàn chân màu xanh, trông bề ngoài có thiên hướng xanh xao, thì có thể cơ thể bạn đang bị bệnh về lạnh, hàn.

Màu sắc bàn chân được xem là bình thường nếu có màu đỏ nhạt. (Ảnh: ameblo.jp)

* Nếu bàn chân có màu vàng bất thường, có thể có bệnh về viêm gan hoặc túi mật.

* Nếu chân có màu trắng, ngoài khả năng có bệnh về hàn lạnh ra, có thể là khả năng có bệnh về mất cân bằng dinh dưỡng, thiếu chất hoặc các vấn đề liên quan đến ăn uống.

* Nếu bàn chân có màu thiên về tím hoặc đen, có thể có các bệnh liên quan đến tuần hoàn máu kém. Khi xuất hiện các triệu chứng như miêu tả ở trên, nên kịp thời đi bệnh viện khám.

Theo Secretchina
Kiên Định biên dịch