Nhờ vào những người như tiến sĩ David Eisenberg, “khí” không còn là một khái niệm xa lạ đối với nhiều người ở phương Tây. Cuốn sách của ông với tựa đề “Những cuộc gặp gỡ với Khí” (Encounters With Qi) mô tả các trải nghiệm của ông – bác sĩ người Mỹ đầu tiên được phép tới Trung Quốc sau những nỗ lực của tổng thống Nixon nhằm mở rộng ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc.

Loạt phim truyền hình của Bill Moyer khám phá nghệ thuật trị liệu ở phương Đông cũng góp phần nâng cao nhận thức của phương Tây về khái niệm khí.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều người hỏi tôi, “Thực sự khí là gì?” Vâng, trong tiếng Trung, khí có nhiều ý nghĩa.

Vậy “khí” là gì?

Trước tiên, khí có nghĩa là năng lượng luân chuyển xung quanh chúng ta. Đối với các mùa khác nhau, sẽ có các loại khí khác nhau chiếm ưu thế. Ví dụ, mùa xuân có phong khí, mùa hè có hỏa khí, cuối mùa hè có thấp khí (khí ẩm), và táo khí (khô hanh) vào mùa thu. Vào mùa đông, chúng ta thường cảm thấy hàn khí (khí lạnh) .

Thứ hai, nó dùng để chỉ nguồn năng lượng bên trong cơ thể. Chúng ta có thể cảm nhận chúng. Máu và dịch lưu thông trong cơ thể dường như có gió đẩy chúng lưu chuyển vậy. Một vài người cảm thấy lạnh tứ chi, đôi khi họ phải mang tất khi đi ngủ.

Một số người cảm thấy nóng khi họ bị sốt, bốc hỏa khi mãn kinh, hay cảm thấy nóng sau khi hóa trị liệu ung thư vú và tuyền tiền liệt. Khi con người có nhiều thấp khí trong cơ thể, biểu hiện ra bên ngoài là sưng khớp, một lớp mỡ dày phủ trên lưỡi, tiêu chảy, hoặc cảm thấy cơ thể nặng nề.

Thứ ba, khí có nghĩa là cảm xúc. Khi ai đó đang rất tức giận, chúng ta nói người này “khí giận xung lên tận trời” (nộ khí xung thiên), và khi người này rất hạnh phúc, chúng ta nói anh ấy đang “đắm mình trong không khí vui vẻ”. Thật vây, cảm xúc là một dạng năng lượng, và do đó là những hình thức của khí.

Thứ tư, khí có nghĩa là không khí. Khi con người thở, chúng ta nói họ hít khí vào và thở khí ra.

Thứ năm, khí có nghĩa là năng lượng duy trì chức năng của các cơ quan. Do đó, tim có khí tim, gan có khí gan, huyết có khí huyết, và hệ thống tiêu hóa cũng có khí của nó. Khi chúng lưu chuyển đúng hướng, đầy đủ và giữ tính cân bằng (giữa âm và dương), chúng ta sẽ có một cơ thể khỏe mạnh và tâm trí thanh tĩnh.

Rối loạn khí, suy khí

Khi khí bị rối loạn, cơ thể mắc bệnh và rối loạn chức năng. Ví dụ, khi khí di chuyển sai hướng và không kiểm soát được, mọi người có thể thấy buồn nôn, thở nông, hoặc nôn mửa, thở khò khè và ho.

Khi khí suy, mọi người sẽ gặp rắc rối trong việc kiểm soát ruột và bàng quang, hoặc các cơ quan bị lệch khỏi vị trí. Khi mất cân bằng khí, mọi người thường gặp mọi loại triệu chứng, bao gồm sốt, run, sưng khớp, đổ mồ hôi đêm, tăng huyết áp, trầm cảm, hưng cảm, hoặc kích động, lo lắng.

Khí lưu thông ở mọi nơi trong cơ thể từ ngoài đến trong; nó ở mọi nơi và cơ quan nào cũng có khí. Nó di chuyển trong các đường mà chúng ta gọi là kinh lạc. Cấu trúc của kinh lạc vẫn còn quá nhỏ để có thể nhìn thấy bằng cách sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại.

Nhưng tổ tiên của Trung y đã có phương pháp hoặc khả năng tự nhiên giúp hình dung và vẽ lại bản đồ mức năng lượng tồn tại trong cơ thể người. Họ phát hiện ra rằng nếu chúng ta có những đau khổ về tình cảm, năng lượng nội tại (bên trong) sẽ bị ảnh hưởng, làm khí bị tắc nghẽn và sai lạc.

Nếu trạng thái này không được điều chỉnh lại cho đúng, thì có thể gây tổn thương thêm bằng cách biến chứng thành cơn đau dữ dội, khối u, tắc động mạch, ung thư, hoặc những biến đổi thoái hóa… Như bạn có thể tưởng tượng, khí có thể bị tắc tại nhiều nơi trong cơ thể con người.

Khi thiếu khí, sẽ gây nên suy nhược, trao đổi chất chậm, lão hóa, và suy tạng. Và khi khí hoàn toàn cạn kiệt, chúng ta sẽ chết.

Chăm sóc khí

Vì vậy, để tăng cường sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật, và làm chậm quá trình lão hóa, chúng ta phải “chăm sóc” khí thật tốt.

Có hai loại khí, một là di truyền từ cha mẹ tại thời điểm thụ thai. Đó gọi là khí tiên thiên, và chủ yếu được tàng trữ trong các kinh mạch thận. Khí tiên thiên được sử dụng trong sinh sản và sau đó truyền cho con cái. Loại thứ hai là khí hậu thiên, chủ yếu thu được từ thực phẩm và không khí, nhờ vào chức năng của kinh mạch của phổi và lá lách.

Để duy trì năng lượng trước khi sinh (tiên thiên), hãy bảo vệ, bảo tồn và bổ sung chúng hết mức có thể. Để duy trì năng lượng sau khi sinh (hậu thiên), nên có chế độ ăn lành mạnh và cân bằng, tránh ăn hoặc uống quá nhiều, ngủ và tập thể dục vừa phải. Hãy cân nhắc đến thiền định và tập môn khí công thích hợp. Kiểm soát cảm xúc ổn định là chìa khóa để giữ năng lượng lưu chuyển thông suốt.

Thiền định và khí công đều mang đến tác dụng rất tốt và toàn diện
Thiền định và khí công đều mang đến tác dụng rất tốt và toàn diện

Châm cứu có thể là công cụ hiệu quả giúp mở các kênh năng lượng, tạo điều kiện cho dòng năng lượng lưu thông, và cân băng thuộc tính năng lượng (giữa âm và dương) khi được sử dụng dựa trên đánh giá kỹ lưỡng, chính xác. Là công cụ mạnh mẽ tác động đến khí , châm cứu có tác dụng trên cả thể chất lẫn tinh thần. Thảo dược, khi được sử dụng đúng cách, có tác dụng rất tốt, đặc biệt là để bổ sung khí thiếu hụt.

Vì vậy bạn hãy tự hỏi bản thân, “Hôm nay mình đã chăm sóc khí tốt chưa?”

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Đức Tĩnh biên dịch

Xem thêm: