Khả năng số người tử vong do bệnh có thể phòng ngừa như đột quỵ, đau tim và các bệnh cấp tính khác còn cao hơn lượng bệnh nhân COVID-19 được chữa khỏi. Báo VnExpress đăng tải những câu chuyện bi đát tại Trung Quốc.

Tại Vũ Hán, nhiều bệnh viện đã được chuyển thành cơ sở chuyên điều trị Covid-19. Ở những nơi khác, các cơ sở y tế đóng cửa do thiếu nhân viên y tế hoặc lo ngại lây nhiễm chéo. Phẫu thuật không bắt buộc bị lùi vô thời hạn. Nhiều thành phố áp đặt lệnh hạn chế đi lại và yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt. Đối với các bệnh nhân nan y, đây là sự trì hoãn mà họ không thể làm gì được.

“Đất nước đang ở trong tình trạng khủng hoảng, chúng tôi hiểu điều đó. Nhưng đến khi nào nó mới kết thúc?”, cha của Fu Haoran nói.

Kể từ khi Covid-19 bùng phát vào tháng 12 năm ngoái, bệnh đã giết chết hơn 3.000 bệnh nhân và lây lan hơn 90.000 người khác. Bằng các biện pháp kiểm soát, số ca nhiễm mới ngày càng giảm. Giới chức Trung Quốc khuyến khích người dân cả nước nỗ lực chiến thắng căn bệnh.

Song dịch tạo áp lực lên hệ thống chăm sóc vốn đã quá tải từ trước đó. Nhiều người đang mắc kẹt. “Rất nhiều bệnh nhân ngoài kia cần được chăm sóc kịp thời. Có người sẽ chết hoặc diễn tiến cực kỳ tồi tệ nếu không được chữa trị”, tiến sĩ Amesh Adalja, học giả cao cấp tại Trung tâm An toàn Sức khỏe Johns Hopkins, nhận định.

Chen Xi, giáo sư trợ lý về chính sách y tế và kinh tế tại Trường Y tế công Yale, cho biết khả năng số người tử vong do bệnh có thể phòng ngừa như đột quỵ, đau tim và các bệnh cấp tính khác còn cao hơn lượng bệnh nhân Covid-19 được chữa khỏi.

Bà mẹ khóc nức nở để xin cho con gái bị ưng thư được đi đến bệnh viện (ảnh chụp màn hình Youtube).

Bệnh nhân và người thân của họ đăng tin nhắn cầu cứu trên các mạng xã hội Trung Quốc. Trong số đó có Tian Guanglin. Do không được điều trị, bệnh ung thư ác tính hiếm gặp của Tian đã chuyển biến xấu hơn vào đầu tháng 1.

Mẹ Guanglin cho biết các bác sĩ ở Thẩm Quyến đề nghị chuyển tiếp Tian đến bệnh viện tuyến trên tại thành phố lớn. Song Tian không thể di chuyển trong tình trạng nhiều thành phố bị phong tỏa. Chàng trai 19 tuổi qua đời vào sáng 3/3.

“Chúng tôi không có lối thoát, chẳng có lựa chọn nào khác ngoài lùi lịch điều trị. Nếu được nhận vào một bệnh viện tốt hơn, có lẽ thằng bé đã không chết”, mẹ của Tian nói.

Một phụ nữ Vũ Hán cho biết người mẹ 62 tuổi mắc bệnh bạch cầu của cô bị nhiều bệnh viện từ chối tiếp nhận bởi lo ngại lây nhiễm chéo. Ngân hàng máu ở Vũ Hán thiếu hụt trầm trọng vì tình trạng phong tỏa kéo dài. Mẹ cô không thể truyền máu hàng tuần theo liệu trình điều trị.

“Gia đình tôi đã bỏ cuộc. Giờ thì mọi người chỉ biết chờ đợi đến ngày bà ra đi”, cô viết trên trang cá nhân. Bà qua đời tuần trước ở phòng cấp cứu bệnh viện, sau những ngày dài chờ đợi sự giúp đỡ không bao giờ đến.

Giáo sư Chen cho biết việc Trung Quốc đột ngột áp đặt lệnh hạn chế có thể khiến tình trạng tại Vũ Hán tồi tệ hơn.

“Quyết định phong tỏa là vội vàng, không cung cấp đủ thời gian cân nhắc về việc vật tư y tế và nhu yếu phẩm nói chung sẽ đủ trong bao lâu”, ông viết trong một email.

Chính phủ Trung Quốc thừa nhận điều này. Tháng trước, Ủy ban Y tế Vũ Hán cho biết họ sẽ mở cửa 6 bệnh viện đặc biệt để điều trị cho những người mắc bệnh khác ngoài Covid-19. Ủy ban Y tế Quốc gia cũng chỉ thị các cơ sở y tế hoạt động trở lại. Một số bệnh viện tại Thượng Hải và Quảng Châu tuyên bố sẽ mở lại các phòng khám ngoại trú trong tuần này.

Song đối với nhiều người ở tỉnh Hồ Bắc, đến bệnh viện thôi cũng là một thách thức. Thành phố bị phong tỏa, giao thông đình trệ. Những người mắc bệnh hiểm nghèo và mạn tính không thể mua thuốc thiết yếu, 40.000 người trong số đó ở Vũ Hán.

Tháng trước, Liao Jiahao, 23 tuổi, đến bệnh viện ở thành phố Quảng Châu, Trung Quốc với hy vọng được phẫu thuật bong võng mạc. Nếu không điều trị, Liao sẽ mù lòa. Tuy nhiên bác sĩ cho biết Liao cần thử nghiệm âm tính nCoV trước và giới thiệu anh tới một bệnh viện khác. Cơ sở này từ chối xét nghiệm bởi anh không có triệu chứng nào.

Vài ngày sau, Liao nộp lại kết quả kiểm tra cho bệnh viện đầu tiên và biết rằng trường hợp của anh đã bị bỏ ngang. Những cuộc gọi cầu cứu với sở cảnh sát và đường dây nóng của chính phủ hầu như không đi đến đâu. Từ đó tới nay đã gần hai tuần. Mỗi ngày trôi qua, tầm nhìn của Liao dần mờ đi.

“Chúng tôi rất lạc lõng. Chẳng còn nguồn lực nào dành cho các bệnh nhân không phải Covid-19”, Liang Wanying, bạn gái anh, cho biết.

Trung Quốc mới đây đã triển khai mạng lưới tình nguyện viên hỗ trợ bệnh nhân không mắc Covid-19 cầu cứu sự giúp đỡ trên mạng xã hội. Trong các nhóm WeChat, nhiều người thu thập thông tin, tiếp cận nhân viên cộng đồng, văn phòng chính quyền địa phương và liên lạc với bệnh viện thay mặt bệnh nhân.

Hai tuần trước, gia đình bệnh nhi ung thư Fu Haoran thở phào nhẹ nhõm khi biết rằng đã có bệnh viện tiếp nhận em làm thêm một đợt hóa trị. Trở lại căn hộ của mình, gia đình họ tự hỏi khi nào cơ hội tiếp theo sẽ đến.

“Giờ thì tôi lo lắng liệu bệnh ung thư có tái phát hay không. Nếu có, tôi thực sự không biết phải làm gì. Có lẽ tôi sẽ bỏ cuộc thôi”, mẹ của Fu Haoran nói.