Theo một nghiên cứu khoa học, nếu tình hình tiếp tục như hiện nay thì một nửa dân số thế giới (gần 5 tỷ người) sẽ bị cận thị trong ba thập kỷ tới, trong đó 1/5 trong số đó (1 tỷ người) có nhiều nguy cơ bị mù.

Như vậy từ năm 2000 đến năm 2050, số lượng người cận thị có thể tăng đến 7 lần. Dù vậy, các nhà khoa học vẫn chưa thống nhất được nguyên nhân gây ra hiện tượng trên. Nhiều người cho rằng do con người hiện đại bị ám ảnh với màn hình máy tính, điện thoại di động nên tạo lên một dạng dịch bệnh cận thị.

Từ năm 1970 đến năm 2000, số người cận thị tại Mỹ gần như tăng gấp đôi, còn ở châu Á thì còn tăng mạnh hơn. Một khảo sát gần đây cho thấy 96% thanh thiếu niên ở Hàn Quốc bị cận thị. Còn tại Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản có tỷ lệ thanh thiếu niên cận thị khoảng 80%-90%.

Do đó, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu để dự đoán tương lai. Số liệu từ 145 nghiên cứu với 2,1 triệu người tham gia cho thấy trong năm 2000 có 1,4 tỷ người bị chẩn đoán cận thị (chiếm 23% dân số thế giới) và 163 triệu người đã bị cận thị nặng, đi kèm với nguy cơ mù lòa và đục thủy tinh thể.

Nghiên cứu đó đã kết luận trên tạp chí Ophthalmology rằng: “Chúng tôi dự đoán sẽ có 4,76 tỷ người bị cận thị vào năm 2050 (chiếm 49% dân số thế giới) và 938 triệu người bị cận thị nặng”

Điều gì đang xảy ra?

Vấn đề chính nằm ở lối sống và hành vi thay đổi khiến tăng nhanh bệnh cận thị. Nghiên cứu cho rằng: “Sự thay đổi lối sống hiện đại trong đó đa phần do giảm thời gian hoạt động ngoài trời, tăng các hoạt động liên quan đến công việc đã gây ra vấn đề cận thị”

Chúng ta đang dành thời gian ở trong nhà, trong phòng làm việc hơn bất kỳ giai đoạn nào trong lịch sử loài người, và phần nhiều mọi người sử dụng các màn hình thiết bị điện tử rất lâu hằng ngày để làm việc, học tập hoặc giải trí. Nhưng các nhà khoa học đang cố gắng xác định cơ chế sinh học nào dẫn đến sự thay đổi cấu trúc vật lý lớn như vậy trong con mắt chúng ta?

Minh chứng rõ nhất mà chúng ta có hiện nay không phải là do thời gian sử dụng màn hình tăng lên, bởi vì bệnh cận thị gia tăng nhanh trước khi điện thoại thông minh trở lên phổ biến. Vấn đề chính có thể là do chúng ta ít hoạt động ngoài trời hơn, đồng thời màn hình các thiết bị điện tử ngày càng nhiều hơn.

Bà Sarah Zhang – một cây bút tại tạp chí Wired – kết luận: “Dựa trên các nghiên cứu về cận thị, nếu chúng ta dành nhiều thời gian hoạt động ngoài trời – đặc biệt trong thời thơ ấu – thì nguy cơ cận thị bị giảm đáng kể”.

Nghiên cứu về mối liên hệ giữa thời gian ở trong nhà và bệnh cận thị đã cho thấy kết quả hứa hẹn khi trẻ em dành một vài giờ hoạt động ngoài trời mỗi ngày.

Đồng tác giả nghiên cứu Kovin Naidoo nói: “Nếu trẻ em dành hơn 2 tiếng mỗi ngày ở ngoài trời thì đôi mắt sẽ được bảo vệ tốt”

Ông nói thêm: “Một số nghiên cứu cho rằng nếu hoạt động ngoài trời thì mắt sẽ nhìn ở khoảng cách xa hơn, hoặc mắt được điều tiết thay đổi khoảng cách liên tục, hoặc mắt tiết ra các chất hóa học bảo vệ. Dù vậy có một thực tế rằng mọi người nên dành ít nhất 2 giờ hoạt động ngoài trời mỗi ngày. Cho dù bạn phải làm việc thời gian dài bên máy tính hoặc điện thoại, nhưng chỉ cần 2 tiếng ngoài trời là đủ bảo vệ mắt”.

Dương Lương
(Theo Science Alert và The Epoch Times)

Xem thêm: Bé gái 4 tuổi đã bị siêu cận chỉ bởi những thói quen này của cha mẹ