Trong cuộc sống ngày nay, người hiện đại đang tạo cho mình những thói quen vội vã từ việc ăn uống, làm việc tới sinh hoạt hàng ngày mà đôi lúc quên đi sức khoẻ của bản thân và người nhà. Chỉ khi có bệnh người ta mới giật mình đi tìm thuốc chữa. Thậm chí trong khi điều trị, nhiều người cũng chỉ muốn cho nhanh và giản tiện bằng cách dùng thuốc tây mà không chú ý tới những tác dụng phụ của chúng.

Thực ra, nếu tìm hiểu một chút thì sẽ thấy xung quanh chúng ta là vô vàn cây quý vừa làm thuốc, vừa có thể chế biến thành những món ăn ngon. Cây ngải cứu chính là một trong những cây như vậy. Có thể bắt gặp nó trong vườn một gia đình nào đó, trên con đường quê, hay ở bãi hoang… 

Ngải cứu là vị thuốc có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon. (Ảnh: ViCare)

Ngải cứu có tên khoa học là Artemisia vulgaris L, thuộc họ Cúc Asteraceae. Dân gian còn gọi với các tên khác là ngải diệp, cây thuốc cao hay cây thuốc cứu… Cây được dùng toàn thân, lá và thân non tươi có thể chế biến thành nhiều món ăn, lá phơi khô được dùng để làm ngải dùng trong phương pháp cứu của Đông y.

Hiện nay, chưa có tài liệu nào xác định được rõ ràng hoạt chất trong ngải cứu, chỉ mới biết nó có tinh dầu và chất tanin, một ít adenin và cholin. Cây có mùi hăng, ăn thấy có vị đắng cay, tính ấm. Dưới đây là một số tác dụng và cách dùng cây ngải cứu:

1. Tác dụng điều hòa kinh nguyệt, đau bụng kinh

Bài 1: Nữ giới trước khi có kinh 1 tuần, hàng ngày dùng 6 – 12g ngải cứu hãm với nước sôi như trà hoặc sắc nước uống, chia thành 3 lần trong ngày. Có thể uống dưới dạng cao đặc 1 – 4g hoặc dạng bột 5 – 10g.

Ngải cứu hãm nước sôi có tác dụng điều hoà kinh nguyệt. (Ảnh: Mercado Livre)

Bài 2: Nếu bị kinh nguyệt không đều thì từ ngày bắt đầu có kinh cho đến tận ngày hết kinh, dùng 10g ngải cứu khô sắc với 200ml nước cô lại còn 1/2, cho thêm chút đường uống thành 2 lần trong ngày. Có thể uống gấp đôi liều, sau 1 đến 2 ngày mà thấy hiệu quả, kinh đỏ, người đỡ mệt thì uống ít đi.

Bài 3: Lá ngải cứu 16g, tía tô 16g, nước 600ml sắc đặc còn 100ml cho thêm chút đường vào để dễ uống, chia làm 3 – 4 lần uống trong ngày.

2. Tác dụng làm đẹp da

Ngải cứu có tác dụng làm đẹp với mọi làn da. Nó làm mềm và giữ ẩm cho da khô rất tốt. Với những người có làn da nhờn, ngải cứu lại giúp phân giải chất béo, loại trừ những cặn bã bám trên da, nên nó là chất làm sạch da rất tốt.

Cách làm: Giã nát lá ngải cứu tươi đắp lên mặt, để 20 phút rồi rửa sạch, làm đều đặn giúp trị mụn và có làn da trắng hồng.

Ngải cứu có tác dụng làm đẹp phù hợp với mọi loại da. (Ảnh: Medium)

Trong ngải cứu có tanin – là chất có tác dụng giúp ngăn ngừa các vết chàm, mụn nước nhỏ và một số chứng bệnh viêm da khác. Hơn nữa, nó còn chứa một số hoạt chất giúp xúc tiến tuần hoàn máu toàn thân, nhờ vậy có thể cải thiện quá trình trao đổi chất, giúp cho da được nuôi dưỡng tốt, vết thương mau lành và nhanh lên da non.

3. Tác dụng chữa đau lưng, gai cột sống

Nguyên liệu: Chuẩn bị lá ngải cứu và mật ong

Cách làm: Lấy 300g ngải cứu tươi rửa sạch sau đó giã nát, vắt lấy nước, thêm 2 muỗng mật ong uống trưa, chiều.

Thời gian điều trị: Uống liên tục trong 1 – 2 tuần bệnh tình sẽ giảm đi rõ rệt.

4. Ngải cứu với phụ nữ mang thai

Ngải cứu mang lại nhiều lợi ích cho người mẹ mang thai. (Ảnh: m.post.naver.com)

Ăn ngải cứu khi mang thai trên 3 tháng an toàn cho bé, không có tác dụng kích thích với tử cung vì vậy không làm sảy thai.

Những người mang thai mà bị chứng đau bụng, ra máu thì dùng lá ngải cứu 16g, lá tía tô 16g sắc với 600ml nước cho đến khi chỉ còn 200ml, uống 3-4 lần trong ngày giúp an thai.

5. Trị đau thần kinh tọa, buốt nhức khớp xương, hoa mắt đau đầu

Bài 1: Sử dụng nắm lá ngải cứu kẹp vào viên gạch nướng lên cho nóng sau đó dùng mảnh vải quấn lại và đặt lên trên vị trí đau thần kinh tọa với nhiệt độ vừa cho bệnh nhân chịu được. Có thể lặp lại 2 – 3 lần. (Kinh nghiệm dân gian).

Bài 2: Giã nát 300g ngải cứu, cho thêm mật ong khoảng 2 muỗng. Vắt lấy nước uống 2 bữa trưa và chiều, uống liên tục trong 2 tuần.

6. Giúp lưu thông máu lên não

Món trứng ngải cứu có tác dụng làm lưu thông máu lên não. (Ảnh: giadinh.net.vn)

Dùng khoảng 100g lá ngải cứu rửa sạch, thái nhỏ, trộn với trứng gà hoặc trứng vịt, trộn đều sau đó rán chín và ăn hàng ngày trong mỗi bữa cơm gia đình, đây là món ăn giúp tăng sức khỏe và máu lưu thông tốt lên não.

7. Trị đau đầu, đau dây thần kinh, ho, cảm cúm, đau họng

Dùng ngải cứu 300g, lá bưởi 100g (có thể thay bằng lá chanh, quýt), lá khuynh diệp 100g. Đun 20 phút với 1 lít nước, đem xông 15 phút. Đây là phương pháp trị cảm cúm hiệu quả.

Hoặc có thể dùng ngải cứu 300g, lá tía tô 100g, lá sả 50g, tần dày lá (húng chanh) 100g đun sôi với nửa lít nước. Uống nhiều lần trong ngày, liên tục trong vài ngày.

8. Kém ăn, cơ thể suy nhược

Gà tần ngải cứu dùng tốt cho người bị suy nhược cơ thể. (Ảnh: baomoi.com)

Dùng ngải cứu 250g, câu kỷ tử 20g, đương quy 10g, lê 2 quả, 1 con gà ác (hoặc gà ri) nặng 150g, cho vào nồi với 2 lít nước, nêm gia vị vừa ăn. Nấu sôi thì hạ lửa nhỏ hầm đến khi còn 500ml nước, có thể ăn nhiều lần trong ngày. Dùng liên tục trong vài tuần.

9. Muối rang ngải cứu giảm mỡ bụng

Dùng 1kg muối rang với một bó ngải cứu to cho đến khi ngải mùi, cho vào 1 chiếc túi nhỏ chườm bụng 2 lần/ngày. Có tác dụng làm tan mỡ, mềm cơ bụng, giữ ấm, ngăn ngừa táo bón, các bệnh phụ khoa, đau lưng khi mang thai.

Lưu ý tránh sử dụng ngải cứu :

  • Phụ nữ có thai 3 tháng đầu chỉ nên ăn ngải cứu 1 đến 2 lần mỗi tuần, mỗi lần chỉ từ 3 đến 5 ngọn nhỏ thì có tác dụng an thai. Vì ngải cứu có tác dụng ôn ấm lưu thông khí huyết, ăn quá nhiều sẽ gây tăng co bóp cổ tử cung. Trong khi thời gian này, nhau thai chưa bám chắc dễ dẫn đến động thai. Tuy nhiên, ngoài 3 tháng đầu thì ăn ngải cứu lại rất tốt
  • Người bị xơ vữa động mạch vành, bệnh sỏi thận… hạn chế ăn món trứng rán ngải cứu.
  • Ăn ngải cứu giúp nhuận tràng, tăng đi tiểu, tuy nhiên cần đặc biệt tránh với người bị rối loạn đường ruột cấp tính.
Ngải cứu có nhiều tác dụng tốt nhưng cũng cần biết một số lưu ý. (Ảnh: aturo.com.vn)
  • Người bị viêm gan cần tránh ăn ngải cứu vì trong tinh dầu ngải cứu chứa thành phần có độc tính, khi đi vào gan sẽ gây rối loạn chức năng chuyển hóa của tế bào gan, dẫn đến viêm gan cấp tính vì trúng độc, viêm gan vàng da làm gan to, tiểu đục hoặc nước tiểu chứa dịch mật.
  • Người bị trúng độc do ăn ngải cứu lúc đầu họng và miệng bị kích thích nhẹ, họng có cảm giác khát và khô. Sau nửa giờ dùng thuốc bắt đầu thấy khó chịu tại vùng thượng vị, buồn nôn, lợm giọng, đau bụng… do ruột, dạ dày bị viêm cấp tính.
  • Người sức khỏe tốt, không có bệnh không nên dùng trà hoặc nước sắc ngải cứu thường xuyên.

Thái Sơn