Sen được ví như viên ngọc quý trong y học cổ truyền, tất cả các bộ phận đều có thể dùng làm thuốc được, trong đó có ngó sen còn gọi là liên ngẫu – một vị thuốc thanh nhiệt nổi tiếng.

Ngó sen là phần thân rễ của cây sen, hay còn gọi là củ sen, ngó sen nằm ở dưới bùn ao hồ (do sen mọc trong nước). Ngó sen bao gồm nhiều đoạn phình ra thắt lại, giống như dây xúc xích. Khúc phình to ra có dạng chất xốp, có nhiều lỗ bên trong. Ngó sen bẻ ra có nhiều sợi tơ dính vẫn ở hai đầu, vì thế có câu: Ngó sen đứt tơ vẫn còn vương.

Vị thuốc thanh nhiệt của cổ nhân

Liên ngẫu – vị thuốc trong đông y (Ảnh: Internet)

Cũng là một thức ăn đồng thời là vị thuốc thông dụng mang tên “Liên ngẫu”. Trong ngó sen có đường glucoza, canxi, photpho, sắt, vitamin C, arginin, tyrosi… Trong dân gian lấy ngó sen ăn sống hoặc luộc ăn để ngủ ngon giấc.

Các thầy thuốc thời xưa đều cho rằng ngó sen có tác dụng bổ trung khai vị, thích hợp với những người cơ thể suy nhược như vừa ốm khỏi hoặc mới sinh đẻ và đã chế biến ra nhiều món ăn, chủ yếu là cháo ngó sen để bồi dưỡng sức khoẻ. Có nhiều cách nấu cháo ngó sen, đơn giản nhất là lấy ngó sen già còn tươi, rửa sạch, thái nhỏ, nấu với gạo tẻ thành cháo, cho đường kính trắng vào ăn.

Cháo ngó sen (Ảnh: Internet)

Tác dụng chữa bệnh của ngó sen đã được nhiều sách thuốc cổ nói đến. Theo Hải Thượng Lãn Ông:

  • Ngó sen để sống: tính hàn, vị ngọt, có tác dụng thanh nhiệt, tán ứ, làm hết nôn, giải khát, giã rượu, chữa các chứng xuất huyết do nhiệt.
  • Ngó sen chín: tính ôn, vị ngọt có tác dụng kiện tỳ, khai vị, chỉ khái, dưỡng huyết, sinh cơ, chữa vết thương lở loét lâu ngày không kín miệng… Những người yếu tỳ vị, người cao tuổi ăn ngó sen chín rất tốt.

Nước ép ngó sen hoặc súp ngó sen có thể điều trị một số bệnh như sốt, hay bị khát, nôn máu, tiểu ra máu, chảy máu cam, xuất huyết dưới da… Các bệnh này thường xuất hiện ngày nắng nóng do nhiệt độ trong cơ thể bài tiết qua đường tiết niệu diễn ra không bình thường. Ngó sen có tác dụng lợi tiểu, chữa viêm, làm thông đường tiết niệu.

Ngó sen còn có tác dụng cầm máu rất tốt. Khi người bệnh có dấu hiệu ói ra máu, đi tiêu, tiểu ra máu… thì nên dùng ngó sen nghiền nát, thêm một ít đường uống để cầm máu.

Một số thức uống ngày với ngó sen

1. Sinh tố ngó sen, nước mía

Nguyên liệu: 500 g mía tươi, 500 g ngó sen tươi.

Cách làm: Mía gọt vỏ, ép lấy nước. Ngó sen gọt vỏ, cắt thành lát tròn mỏng. Cho nước mía và ngó sen vào máy xay sinh tố xay uống 3 lần mỗi ngày.

Công dụng: Chữa viêm đường tiết niệu, tiểu ra máu, bí tiểu, tiểu từng giọt.

2. Si rô nho, ngó sen

Nguyên liệu: 250 ml nước ép nho, 250 ml nước ép ngó sen.

Cách làm: Cho hai nước trên vào nồi, đun sôi, khấy đều cho đến khi dung dịch keo lại. Dùng lọ thủy tinh để bảo quản sirô nho ngó sen. Mỗi lần uống pha hai muỗng canh sirô với nước ấm, uống hai lần mỗi ngày.

Công dụng: Lợi tiểu, trị viêm đường tiết niệu, bí tiểu và giải nhiệt cơ thể.

3. Nước khoai tây ngó sen

Nguyên liệu: Khoai tây 1 củ vừa, ngó sen 100 gam, mật ong lượng thích hợp, nước đá 1/8 ly, nước sạch 50ml.

Cách làm: Lấy khoai tây rửa sạch, gọt bỏ vỏ, rồi nấu chín với ngó sen, xắt thành khối nhỏ. Cho các nguyên liệu vào máy xay. Xay xong đổ vào ly nước đá, pha thêm mật ong cho vừa miệng.

Công dụng: Món này có tác dụng hóa ứ, hành huyết, làm tươi nhan sắc.

Hoàng Kỳ tổng hợp

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.