Trứng là một trong những thực phẩm bổ dưỡng và kinh tế nhất mà tự nhiên dành cho con người. Nhưng bạn phải đặc biệt cẩn thận khi xử lý trứng tươi và các sản phẩm trứng để tránh bị ngộ độc thực phẩm.

Bên trong trứng bình thường có thể chứa một loại vi khuẩn gọi là Salmonella có thể khiến bạn bị bệnh tiêu chảy khi ăn trứng sống hoặc trứng chưa chín. Tuy nhiên, trứng sẽ an toàn khi bạn nấu và xử lý chúng đúng cách.

Làm thế nào để giảm nguy cơ bị nhiễm Salmonella?

Nên sử dụng trứng đã chế biến chín để đảm bảo an toàn. (Ảnh: Pixabay)

Gia cầm có thể mang vi khuẩn Salmonella có thể nhiễm vào bên trong trứng trước khi vỏ được hình thành. Trứng cũng có thể bị nhiễm khuẩn từ phân của gia cầm trong quá trình đẻ hoặc nhiễm từ môi trường (ví dụ, thức ăn gia cầm bị nhiễm bẩn hoặc nơi sống của chúng). Do đó, dưới đây là một số kiến nghị người tiêu dùng để lựa chọn và ăn trứng an toàn hơn.

  • Xem xét kỹ việc mua và sử dụng trứng tiệt trùng và các sản phẩm từ trứng.
  • Giữ trứng trong tủ lạnh ở 40°F (4°C) hoặc lạnh hơn mọi lúc. Nên mua trứng từ các cửa hàng có giữ lạnh.
  • Không dùng trứng nứt vỏ hoặc bị bẩn.
  • Nấu trứng cho đến khi cả lòng đỏ và lòng trắng chín đều. Các món trứng nên được nấu ở nhiệt độ từ 160°F (71°C) trở lên.
  • Hãy chắc chắn rằng món ăn dùng trứng sống hoặc nấu chưa chín kỹ, chẳng hạn như sốt Hollandaise, nước sốt salad Caesar và Tiramisu, chỉ được làm bằng trứng tiệt trùng.
  • Ăn hoặc làm lạnh trứng và thực phẩm có chứa trứng ngay sau khi nấu. Không để trứng hoặc thực phẩm làm bằng trứng ở nhiệt độ phòng trong hơn 2 giờ hoặc 1 giờ nếu nhiệt độ trên 90°F (32°C).
  • Rửa tay và các vật dụng tiếp xúc với trứng sống thật kỹ bằng xà phòng và nước.

Bệnh từ Salmonella có thể nghiêm trọng hơn đối với một số người

Ai cũng có thể mắc bệnh tiêu chảy khi ăn trứng nhiễm Salmonella. Tuy nhiên, người già, trẻ sơ sinh và những người có hệ miễn dịch yếu như người nhiễm HIV/AIDS, đái tháo đường hoặc ghép tạng, có thể mắc bệnh nghiêm trọng hơn thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng.

Không sử dụng trứng chưa chín để giữ cho cơ thể khoẻ mạnh. (Ảnh: Pixabay)

Trong hầu hết các trường hợp, bệnh kéo dài 4 – 7 ngày và mọi người phục hồi mà không cần điều trị bằng kháng sinh. Các triệu chứng bao gồm:

  • Tiêu chảy
  • Sốt
  • Đau bụng

Các triệu chứng thường xuất hiện 6 – 48 giờ sau khi ăn thực phẩm bị nhiễm khuẩn, đôi khi xuất hiện muộn hơn. Một số người có thể bị tiêu chảy nhiều lần/ngày trong vài ngày và người bệnh có thể phải nhập viện.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ khi bạn có các biểu hiện dưới đây sau khi ăn trứng trong khoảng thời gian đã nói trên:

  • Sốt trên 38,6°C
  • Tiêu chảy hơn 3 ngày mà không cải thiện
  • Đi ngoài phân có máu
  • Nôn kéo dài, mất nước (dấu hiệu mất nước gồm: đi tiểu ít, khô miệng và cổ họng, chóng mặt khi đứng dậy)

Ngọc Diệp
Theo CDC

Video hay

videoinfo__video3.dkn.tv||f89e86ff5__