Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa cảnh báo có quá ít kháng sinh mới đang được điều chế để đối phó với mối đe dọa từ các bệnh nhiễm trùng đa kháng. Nhân loại sẽ rất chật vật để xử lý các vấn đề kháng thuốc, điều trị tốn kém nhưng tỉ lệ tử vong vẫn sẽ tăng lên một cách đáng ngại. 

Theo WHO, có khả năng tốc độ gia tăng sự kháng thuốc của vi khuẩn sẽ vượt quá tiến trình điều chế thuốc kháng sinh đang diễn tiến rất chậm.

Theo báo cáo, tính đến tháng 5, có tổng số 51 kháng sinh và 11 chất sinh học (gốc thiên nhiên) đang được phát triển.

CNN dẫn lời ông Peter Beyer, tác giả của báo cáo và cố vấn cao cấp của Cơ quan Y tế thiết yếu và Sản phẩm Y tế của WHO, viết trong một email: “Hy vọng mới là các loại thuốc kháng sinh có nguồn gốc sinh học có thể thay thế kháng sinh thông thường, điều này có thể giúp vượt qua được vấn đề kháng thuốc”.

Hiện chỉ có 33 kháng sinh trong diện dành cho các mầm bệnh được ưu tiên. Năm nay, WHO công bố danh sách 12 “mầm bệnh ưu tiên” gồm nhiều nhóm vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh. Đó  là mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe con người.

Trong số các mầm bệnh được ưu tiên sử dụng kháng sinh mới là lao phổi kháng thuốc, làm chết khoảng 250.000 người trên thế giới mỗi năm, và một loạt chủng vi khuẩn kháng đa thuốc như Acinetobacter, Pseudomonas, Enterobacteriaceae gây các bệnh nhiễm trùng ở bệnh viện và nhà dưỡng lão và trong số những bệnh nhân được chăm sóc bằng máy trợ thở và ống thông.

Trong số 33 loại thuốc tiềm năng để điều trị các bệnh nhiễm trùng ưu tiên, chỉ có 8 loại thuốc điều trị mới. 25 loại khác chỉ  đơn giản là bổ sung của các nhóm kháng sinh hiện có. Theo WHO, 25 loại kháng sinh này cũng chỉ là những giải pháp ngắn hạn vì dự kiến vi khuẩn sẽ nhanh chóng thích nghi và kháng thuốc.

Lạm dụng thuốc, sử dụng sai… là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến kháng thuốc (Ảnh qua thanhnien)

Theo báo cáo mới, bệnh lao cần có ít nhất 3 loại thuốc kháng sinh, nhưng chỉ có 7 loại thuốc mới được thử nghiệm lâm sàng. Chẳng bao lâu, sẽ thiếu hụt nghiêm trọng các loại kháng sinh dùng điều trị lao. Đặc biệt là với các loại vi khuẩn đa kháng gram âm (phân biệt với gram dương để phân loại vi khuẩn theo phương pháp nhuộm) tại bệnh viện. Vi khuẩn gram âm có thành tế bào phức tạp hơn gram dương, vì vậy phức tạp hơn trong việc điều chế loại kháng sinh mới có thể xâm nhập vào thành tế bào gram âm và ở lại bên trong vi khuẩn.

Để giải quyết vấn đề phát triển các kháng sinh mới, WHO và Tổ chức Sáng kiến dành cho các bệnh lãng quên (Drugs for Neglected Diseases Initiative) đã thiết lập quan hệ đối tác nghiên cứu kháng sinh toàn cầu.

Tuy nhiên, các loại thuốc mới không thể chống được mối đe dọa vi khuẩn kháng thuốc. WHO cũng đang nỗ lực cải thiện công tác phòng chống và kiểm soát nhiễm khuẩn trong khi xây dựng hướng dẫn sử dụng có hiệu quả kháng sinh. Theo các chuyên gia, bệnh nhân phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng kháng sinh và sau đó luôn tuân theo lời khuyên của bác sĩ.

Tại Mỹ, khoảng 2 triệu người mỗi năm bị nhiễm vi khuẩn kháng thuốc khó chữa trị và mỗi năm hơn 20.000 người chết vì những bệnh này. Trên quy mô toàn cầu, WHO dự kiến sẽ có khoảng 10 triệu người chết mỗi năm vì vi khuẩn kháng thuốc vào năm 2050.

Nhiễm khuẩn kháng thuốc không chỉ tăng nguy cơ tử vong cho bệnh nhân, mà còn rất tốn kém trong điều trị. Khi siêu vi khuẩn kháng thuốc phát tán rộng rãi, sẽ gây ra thảm họa đối với người dân, bởi lúc đó chúng ta sẽ không còn thuốc để diệt vi khuẩn nữa, sẽ xảy ra tình trạng nhiễm trùng máu, nhiễm trùng toàn thân, bội nhiễm, mà không cách nào dừng lại được..

Kịch bản phân bố số người chết vì vi khuẩn kháng thuốc năm 2050 (Ảnh qua BBC)

Chủ đề kháng thuốc liên quan đặc biệt đến những nước đang gặp nhiều khó khăn trong quản lý thuốc như Việt Nam. Một khảo sát của Bộ Y tế Việt Nam cho thấy ở khu vực thành thị hiện có đến 88% kháng sinh được bán ra mà không cần kê đơn, còn ở nông thôn tỷ lệ này còn cao hơn, lên đến 91%.

Tại các nước có nền y tế tiến bộ như ở châu Âu, Bắc Mỹ thì người dân chỉ mua được kháng sinh nếu có đơn thuốc của bác sĩ. Điều này tạo ra sự khác biệt về số người chết vì kháng kháng sinh trên thế giới năm 2050 theo dự tính của WHO. Nhiều nhất là ở châu Á, gồm cả Việt Nam, sẽ có khoảng gần 5 triệu người chết

Khang An

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép