Đầu giờ sáng hay chập choạng tối, bất kỳ ai lên bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng cũng đều có thể bắt gặp hình ảnh một người đàn ông nước da rám nắng cùng chiếc xe máy cũ, mang theo chiếc túi lớn và kẹp sắt dài dùng để nhặt rác ven đường.

Nhiều người nhầm tưởng anh là nhân viên môi trường. Thực ra, anh là Đào Đặng Công Trung (SN 1978), Giám đốc Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Du lịch Trung Hà Thanh – Danang Ocean Tour.

Trang Du lịch Chào Việt Nam có miêu tả về bán đảo Sơn Trà như sau: “Bán đảo Sơn Trà hội tụ rất nhiều nét đẹp của thiên nhiên với những khu rừng xanh, những bãi cát trải dài, bãi biển nước trong vắt phản chiếu ánh nắng mặt trời và những rạn san hô đa sắc màu”… “Thật không sai khi nói bán đảo Sơn Trà chính là báu vật của Đà Nẵng, là viên ngọc sáng cần được bảo bọc trong ngăn tủ kính”.

Anh Trung lên Sơn Trà lần đầu vào năm 2003 và ngay lập tức yêu mến vẻ hoang sơ, trong lành của nơi đây. Tuy nhiên, đến khi quay lại vào khoảng năm 2007-2008, anh Trung thấy rác bắt đầu xuất hiện. Tới cuối năm 2010, nhận thấy lượng rác ngày một nhiều hơn, anh Trung quyết định bắt đầu đi nhặt rác ở Sơn Trà, theo Báo Đà Nẵng.

Trung bình 5 ngày/tuần, 2 lần mỗi ngày, trước và sau giờ làm, không kể trời nắng hay mưa, anh Trung đều đặn lên Sơn Trà nhặt rác. Sáng tầm 6 giờ 30 đến 8 giờ, chiều tầm 17 giờ 30 đến 18 giờ 30.

Hành trang theo anh Trung đi nhặt rác ở bán đảo Sơn Trà (ảnh: Dân Trí).

“Những hôm trời nắng, đi nhặt buổi chiều, lúc xuống núi trời vẫn còn sáng. Còn những hôm mưa, lúc nào xuống núi cũng đã tối đen, mây mù giăng kín, nguy hiểm, nhưng với tôi, Sơn Trà như nhà mình nên không cảm thấy sợ chút nào, chỉ sợ bị hư xe. Mọi ngóc ngách trên Sơn Trà tôi đều thuộc như lòng bàn tay, bao nhiêu ổ gà, bao nhiêu khúc cua, ở khúc cua đó có cây gì tôi đều biết” – anh Trung chia sẻ.

Theo Dân Trí, mỗi lần đi nhặt, anh Trung gom được khoảng 20-30kg rác, có hôm đến 50kg. Rác chủ yếu là vỏ nhựa, hộp xốp… Tất cả những rác thu gom được, anh mang về phân loại. Phần thì bỏ vào thùng rác, phần đem bán ve chai dồn tiền đem quyên góp cho các hội, nhóm từ thiện. 

Không chỉ nhặt rác ở Sơn Trà, anh Trung còn nhặt rác dưới đáy biển. Vốn là một huấn luyện viên các môn thể thao nước, tuần nào anh cũng dành 1 tiếng để lặn biển vớt rác. Anh Trung kể có nhiều chai, lọ mắc vào những rạn san hô, khiến san hô bị chết khi bị rác đè lên. 

Anh Trung cho hay, nhặt rác ở dưới nước khó khăn gấp nhiều lần ở trên bờ, đòi hỏi phải có kỹ năng bơi, lặn. Dưới đáy biển còn có nhiều sinh vật có độc như cá mặt quỷ. Anh Trung chưa từng bị con vật nào tấn công nhưng bị trầy xước cơ thể thì nhiều, do bị sóng dập chân va rạn đá ngầm (ảnh: Dân Trí).

Những ngày đầu khi anh Trung bắt đầu đi nhặt rác, anh em bạn bè cũng có người chê anh gàn dở. Không nhụt chí vì những lời đàm tiếu, anh đã cần mẫn duy trì công việc thiện nguyện đó hơn 8 năm nay.

“Mục đích của tôi là lan tỏa từ trong nhà ra xã hội. Và quan trọng nhất là làm cho cộng đồng nhận thức được rác thải gây ô nhiễm trực tiếp đến môi trường. Nó làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sức khỏe của chúng ta và của những loài động thực vật và thủy hải sản khác sinh sống” – anh Trung nói.

Anh Trung cũng tận dụng các tour du lịch của công ty để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho khách du lịch. Trong mỗi tour, anh Trung đều trang bị bao bọc rác, găng tay, cây gắp rác cho mỗi du khách và dành ra 5-10 phút để du khách thu gom rác bị vứt bừa bãi tại điểm đến.

Với những tour đi biển, đảo thì công ty của anh sẽ đổi những chiếc túi ni-lông mà du khách mang theo sang túi cói. Mục đích là tránh việc những chiếc túi ni-lông ấy sẽ vô tình bị vứt lại đâu đó, gây ô nhiễm môi trường.

Bé Thuỳ Lâm, con gái anh Trung trong phóng sự của VTV4 (ảnh chụp màn hình Facebook).

“Mưa dầm thấm lâu”, việc làm của anh Trung đã lan tỏa đến nhiều người, trong đó có các doanh nghiệp, cơ quan đoàn thể, các nhóm bạn trẻ ở Đà Nẵng. Có rất nhiều nhóm thanh niên, nhóm bơi lặn chuyên nghiệp đã tham gia lặn biển nhặt rác, thu gom vỏ chai, vỏ lon, hộp xốp dưới đáy biển quanh khu vực Bán đảo Sơn Trà.

Trong một phóng sự của VTV4 năm 2019, bé Đào Thuỳ Lâm, con gái của anh Trung, mỗi chiều tối đều sẵn sàng ở trường đợi bố lâu hơn một chút để bố có đủ thời gian nhặt rác bảo vệ môi trường. Khi phóng viên hỏi: “Thế con có ủng hộ việc bố làm không?”, bé đáp: “Dạ có!”

– Con ủng hộ như thế nào?

– Con đi nhặt rác với ba…

Bạn đang đọc bài viết: “Giám đốc người Đà Nẵng 8 năm lên rừng xuống biển… nhặt rác” tại chuyên mục Đời Sống của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||ab5ef3664__