Luôn được biết đến như một trong những quốc gia hạnh phúc, văn minh và đáng sống nhất thế giới, Thụy Điển có nhiều điều khiến thế giới phải nể phục và ước ao.

Nhập khẩu hàng triệu tấn rác mỗi năm

Ở Thụy Điển, mỗi hộ gia đình vẫn luôn tự động phân loại rác thải mà chẳng cần ai nhắc nhở. Giấy, nhựa, kim loại, thủy tinh, đồ điện gia dụng, pin… thậm chí cả thực phẩm nữa, tất cả đều sẽ được tái sử dụng. Giấy được nghiền thành vụn để tạo ra giấy mới, chai nhựa bị nung chảy để tạo ra vật dụng mới; thực phẩm thừa trở thành phân bón…

Ở Thụy Điển, mỗi hộ gia đình vẫn luôn tự động phân loại rác thải mà chẳng cần ai nhắc nhở (Ảnh: Sweden recycle)

Xe thu gom rác cũng được chạy bằng điện hoặc biogas (khí sinh học). Thậm chí đến các hiệu thuốc cũng chấp nhận mua lại thuốc thừa, khiến rác thải y tế ở đây gần như không có.

Ngoài ra, người dân Thụy Điển luôn có xu hướng lựa chọn mua đồ thân thiện với môi trường. Các nhà hàng, cửa tiệm cũng đưa ra nhiều ưu đãi ủng hộ điều đó, như đổi quần áo cũ để được giảm giá, hoặc đổi vỏ chai bia lấy bánh hamburger…

Đường đi của rác thải đến nhà máy (Ảnh: Sweden recycle)

Đặc biệt, các nhà máy tại Thụy Điển hoạt động cực kỳ hiệu quả, qua thời gian trở thành một hệ thống có công suất lớn và đem lại lợi nhuận cao, trong vòng chưa đến 40 năm đã tăng tỉ lệ tái chế rác thải từ 30% chạm mốc tái chế/tái sử dụng đến 99% rác thải sinh hoạt hàng ngày của người dân. Đến mức, năm 2014, Thụy Điển đã phải nhập khẩu tới 2,7 triệu tấn rác chỉ để duy trì hoạt động của các nhà máy. Trong số 99% rác tái chế, có khoảng 50% sẽ được đốt để tạo thành một nguồn nhiệt sưởi ấm cho các tòa nhà trong mùa đông khắc nghiệt.

Nhà máy tái chế đáng mơ ước của Thụy Điển (Ảnh: Sweden recycle)

Số tro bụi sau khi đốt rác (chiếm tới 15% khối lượng) sẽ được sàng lọc lại một lần nữa: Kim loại được tái sử dụng, trong khi sứ và gốm không cháy được sẽ tận dụng để xây đường. Cuối cùng, chỉ còn khoảng 1% rác thải không thể sử dụng được nữa, buộc phải đưa ra ngoài môi trường.

Sống theo phong cách Lagom: Biết đủ là tự do

Lagom là một tính từ dùng để chỉ sự vừa phải, không quá nhiều mà cũng chẳng quá ít. Người Thụy Điển dùng lagom như một kim chỉ nam chung cho cả dân tộc, hình thành nên phong cách sống, ứng xử, giao tiếp, và thậm chí cả ẩm thực của riêng mình. Lagom là vừa đủ, là thích hợp, là cân bằng và không nhất thiết phải là hoàn hảo nhất.

Tinh thần lagom thể hiện ở mọi mặt của cuộc sống Thụy Điển, từ việc chỉ nói ngắn gọn vừa đủ không khoa trương, ở trong những ngôi nhà đơn giản ít đồ đạc và thoáng đãng, ăn những đồ ăn không quá cầu kỳ, thậm chí đến vui chơi cũng không quá ồn ào, náo nhiệt… người Thụy Điển luôn thể hiện sự nhẹ nhàng, hòa ái trong mọi việc họ làm.

Người Thụy Điển dùng lagom như một kim chỉ nam chung cho cả dân tộc, hình thành nên phong cách sống. (Ảnh: pinterest)

Nếu đến Thụy Điển, bạn sẽ nhận ra xe đạp là phương tiện giao thông phổ biến nhất ở đây, đặc biệt tại thủ đô Stockholm. Các con đường ở Stockholm đều quy định làn đường riêng dành cho xe đạp. Vào mùa xuân, khi tuyết ngừng rơi và thời tiết ấm lên, số lượng người đạp xe tăng lên nhanh chóng. Du khách nước ngoài tới Stockholm cũng thích đạp xe qua các hòn đảo để có thể ngắm phong cảnh tuyệt đẹp của thành phố. Không khí trong lành, mát mẻ, không khói bụi cũng khiến việc đạp xe tại Thụy Điển trở nên vô cùng lý tưởng.

Các con đường ở Thụy Điển đều có làn đường dành riêng cho người đi xe đạp (Ảnh: An Bình, dẫn qua dantri)

Người Thụy Điển cũng ăn mặc khá đơn giản, thoải mái và không cầu kỳ. Họ thích các gam màu trầm như đen, ghi, xanh đen. Một chiếc áo đỏ sặc sỡ trên đường phố có thể sẽ trở nên lạc lõng. Ngoài ra, họ cũng có thể thoải mái mặc đồ jeans khi đi làm, ngoại trừ trong các cuộc hẹn quan trọng với khách hàng nước ngoài hay các sự kiện lễ nghi.

Nếu bạn khát nước trong khi đang đi đường, bạn có thể uống nước tại bất kì vòi nước công cộng nào của Thụy Điển. (Ảnh: khoahoc.tv)

Thụy Điển cũng là một trong số ít các quốc gia trên thế giới nơi bạn có thể uống nước trực tiếp từ vòi. Nước từ hệ thống nước sạch công công đủ an toàn để uống ngay tức thì. Nếu bạn khát nước trong khi đang đi đường, bạn có thể uống nước tại bất kì vòi nước công cộng nào của Thụy Điển. Bạn có thể tiết kiệm tiền và góp phần bảo vệ môi trường bằng cách không cần mua nước đóng chai.

Muốn “ít hơn” để được “nhiều hơn” – đó là tinh thần của lagom. Khi muốn ít hơn, bạn sẽ trân trọng những thứ mình đang có và ít bị ràng buộc bởi ham muốn cũng như những dục vọng ngày càng gia tăng nếu được đáp ứng. Khi đó, bạn sẽ nhận lại được nhiều hơn, bởi vì, sự vừa đủ chính là cân bằng, mà cân bằng luôn là điều kiện tốt nhất cho một cuộc sống tự do thực sự.

Nhưng…tự do cũng thường đi kèm với cô đơn 

Trong một xã hội giàu có với kết nối mạng phát triển hàng đầu, nơi quyền riêng tư và tự do luôn được đề cao, tôn trọng thì một trong những vấn đề nảy sinh là người Thụy Điển ngày càng cảm thấy cô đơn. Theo một tờ báo địa phương, một cuộc khảo sát vào năm 2016 của Cơ quan thống kê Thụy Điển cho thấy khoảng 14% người Thụy Điển cảm thấy cô đơn.

Bộ phim có tựa đề “The Swedish Theory of Love” của Đạo diễn Erik Gandini đã đưa ra những số liệu giật mình về tình trạng cô đơn này: Không chỉ một nửa người dân Thụy Điển sống một mình mà cứ 4 người tại Thụy Điển qua đời thì có một người chết trong cô đơn mà không có ai bên cạnh. Các trường hợp người già qua đời một mình tại nhà riêng trở nên phổ biến hơn so với 10 năm trước.

Tự do thường đi kèm với… cô đơn (Ảnh: vnreview)

Bởi vì người Thụy Điển thường thích im lặng và “sợ” mâu thuẫn nên họ thường e dè khi kết bạn với người khác. Tất nhiên, nếu bạn là một vị khách du lịch hoặc từ phương xa đến, họ sẽ rất thân thiện, tốt bụng và luôn sẵn lòng giúp đỡ bạn, nhưng để trở thành một người bạn thân thiết thì không hề dễ dàng.

Thiện Nam