Doanh nhân thành đạt người Trung Quốc Zhong Congrong được nhiều người biết đến với biệt danh “triệu phú nhặt rác” vì thói quen làm sạch đường phố và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của mọi người suốt 4 năm qua. 

Mỗi ngày, sau bữa sáng và bữa tối, ông Zhong sẽ mặc chiếc áo cam quen thuộc, lái chiếc Mercedes-Benz xuống đường phố Trùng Khánh để… nhặt rác. Ông đi bộ trong một hoặc hai tiếng chỉ để nhặt những mẩu rác bỏ vào thùng và nói chuyện với người qua đường về vấn đề xả rác. 

“Mục tiêu của tôi là giúp mọi người thay đổi thói quen, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường”, ông Zhong chia sẻ. Hành động của người đàn ông 54 tuổi đã mang lại cho ông nhiều giải thưởng, lời khen tặng, tuy nhiên đôi khi ông gặp phải những người khó chịu, không muốn nghe ông “dạy dỗ”, họ chửi bới hoặc xông vào đánh ông. Nó cũng khiến ông suýt đánh đổi cả cuộc hôn nhân của mình.

Trải qua nhiều khó khăn như vậy nhưng ông Zhong không hề có ý định bỏ cuộc, ông ngày càng kiên định với mục đích nâng cao nhận thức về môi trường tại thành phố hơn 30 triệu người này. 

Ông Zhong kiên trì, nỗ lực trong nhiều năm để nâng cao ý thức người dân bảo vệ môi trường (ảnh: SCMP).

Tại Trung Quốc đại lục, nhiều thành phố cấm xả rác và nếu vi phạm, mức phạt có thể lên tới 200 tệ (khoảng 29 USD). Tuy nhiên rất ít người thực hiện nguyên tắc này. Mặc dù thùng rác dễ dàng bắt gặp trên đường, nhưng tình trạng vứt rác bừa bãi vẫn xảy ra.

Cuộc gặp gỡ với bà lão 70 tuổi 

Ông Zhong hiện là chủ ba doanh nghiệp tại tỉnh Vân Nam với tổng giá trị hơn 100 triệu tệ (14,3 triệu USD), nhưng ông thích được gọi là một nhà bảo vệ môi trường hơn. Ông cho hay mình bắt đầu công việc nhặt rác từ năm 2015 sau khi gặp một nữ giáo sư đại học đã về hưu khoảng 70 tuổi ở tỉnh Hải Nam. Bà và chồng ngày ngày đều đi dọn rác, điều này khiến ông Zhong rất ấn tượng. 

Ông Zhong hỏi bà lão vì sao bà nhặt rác mỗi ngày trong khi ngày mai, rác sẽ lại xuất hiện. Bà trả lời, cách để giải quyết vấn đề này là hãy giáo dục người dân đừng xả rác bừa bãi, tuy nhiên bà không có đủ dũng cảm để làm vậy. Cuộc gặp gỡ này đã thay đổi quan điểm của ông, thúc đẩy ông Zhong đến với công việc nhặt rác. 

Khi trở về Trùng Khánh, ông phát hiện những người ăn tối trong các chuỗi nhà hàng bán đồ ăn nhanh là những người xả rác nhiều nhất. 

Khi “đi tuần” trên phố, ông mặc chiếc áo cam bắt mắt với dòng chữ đừng vứt rác bừa bãi. Ông Zhong cầm theo một cái kẹp kim loại để nhặt giấy ăn, chai nước, túi nilon và bỏ vào sọt rác. Ông cũng trang bị cho mình chiếc loa nhỏ để truyền thông điệp thân thiện: “Để bảo vệ môi trường và không ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của con cháu chúng ta, mong bạn đừng vứt rác!”.

Ông luôn xuất hiện với chiếc áo cam bắt mắt (ảnh: SCMP).

Zhong chia sẻ ban đầu ông khá rụt rè khi phải nói trước đám đông đang mải ăn uống. Nhưng dần dần ông không còn sợ hãi nữa. Một thử thách lớn hơn ông gặp phải là làm sao để thuyết phục những người không muốn lắng nghe và bỏ rác vào đúng vị trí. 

Ông rất kiên nhẫn, mặc dù có lúc bị người ta phớt lờ, bỏ đi. Khi ấy ông sẽ nói:

“Nếu không nhặt rác lên, tôi đảm bảo hôm nay bạn sẽ bị bẽ mặt. Tôi sẽ để những người qua đường nhìn thấy và biết việc xấu hổ bạn vừa làm. Mọi người sẽ lên án bạn và bạn sẽ phải xấu hổ”. Đương nhiên điều này khiến một số người khó chịu. 

Có lần ông bắt gặp vài gã trai trẻ vứt rác trên đường. Ông lái xe phía sau lưng họ và nói họ dọn sạch nhưng họ không chịu, còn nguyền rủa và đánh ông một trận, cuối cùng họ bị đưa vào đồn cảnh sát.

Tấm gương truyền cảm hứng

Ông Zhong hy vọng hành động của mình mang đến “năng lượng tích cực” cho nhân viên ở công ty phụ tùng và vật liệu đóng gói của ông. Năm ngoái, ông được chính quyền địa phương chọn là một trong 10 gương mặt tiêu biểu của cộng đồng. 

Đầu tiên, vợ ông, bà Yang Zuhui, không ủng hộ chồng. Bà cho rằng việc ông cứ cố gắng thuyết phục mọi người có thể dẫn đến xô xát, nhưng vì ông không nghe nên bà Yang thậm chí đã dọa ông sẽ ly hôn.

Sau này, con gái 10 tuổi của họ đã thay đổi bà. Khi ông Zhong đến chia sẻ về vấn đề xả rác ở buổi picnic của con gái, ông được các bạn trong lớp cô bé gọi là “người hùng bảo vệ thế giới”, khiến con gái rất tự hào.  

Ông Zhong và vợ (ảnh: SCMP).

Hiện tại, cả nhà ông Zhong đã hiểu được tâm huyết của ông và rất ủng hộ. Con trai ông đi du học tại Pháp nói bảo vệ môi trường là việc rất bình thường ở nước ngoài và nên được tôn trọng. Thậm chí giờ nếu ông ở nhà, vợ ông còn hỏi “Sao hôm nay ông không đi nhặt rác?” .

Ông Zhong cho rằng việc đi nhặt rác hàng ngày rất quan trọng vì ông càng làm thì càng gây được ảnh hưởng tới nhiều người. “Bằng cách xóa bỏ thói quen xả rác, người Trung Quốc có thể ngẩng cao đầu khi họ đi du lịch ra nước ngoài”, ông nói.

Trong một xã hội với đạo đức xuống dốc nhanh chóng tại Trung Quốc như hiện tại, người làm việc tốt thì bị cho là “điên khùng”, đi ra đường ăn nói oang oang không chú ý lễ tiết, xả rác bừa bãi không quan tâm đến cảm nhận người khác, vô cảm thờ ơ với sinh mệnh… những tấm gương như ông Zhong thật đáng quý.

Pháp luật có thể trừng phạt người khác, nhưng không thể giúp họ cải biến bản chất của người. Đúng như vị giáo sư 70 tuổi nói, điều then chốt chính là nâng cao đạo đức cá nhân, khiến mọi người nhận ra hành vi của mình là sai trái mới có thể giải quyết vấn đề triệt để.

Nếu như mỗi người đều giữ trong tâm mình sự thiện lương, làm điều gì cũng cân nhắc tới người khác, chân thành và khoan dung, khi được nhắc nhở, chỉ bảo chỗ thiếu sót thì có thể nhìn lại bản thân, thành thực nhận sai, thì đạo đức mới thăng hoa trở lại, mới có thể thật sự giải quyết các mâu thuẫn, vấn đề xã hội từ gốc rễ. 

Theo SCMP

Video xem thêm: Người cao quý tu dưỡng 4 phẩm giá lớn nhất cuộc đời theo đạo của nước

videoinfo__video3.dkn.tv||5f37f330f__