Năm 29 tuổi, bác sĩ Trần Hoàng Minh, quốc tịch Mỹ, từng học tại Đại học Houston (Hoa Kỳ) và tốt nghiệp chuyên ngành y ở Đại học Queesland (Úc), đã về làm việc tại khoa cấp cứu Bệnh viện Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Câu chuyện về vị bác sĩ trẻ tài năng, yêu nghề từng được đăng tải trên các mặt báo đã nhận được nhiều phản hồi tích cực, xin được chia sẻ lại cùng quý độc giả.

Minh theo ba mẹ sang Mỹ định cư từ năm 8 tuổi. Gần 20 năm sống trên đất Mỹ nhưng hằng ngày Minh đều nói chuyện với ba mẹ bằng tiếng Việt. Cậu bé cũng thường xuyên được ba mẹ cho về Sài Gòn thăm bà nội và họ hàng nên rất quen thuộc với văn hoá và môi trường Việt Nam. Vậy nên, dù làm việc ở bệnh viện Gò Vấp một thời gian khá dài nhưng hầu hết các bệnh nhân ở đó đều không biết anh là người Mỹ, bởi anh nói tiếng Việt rất chuẩn.

Sau khi lấy bằng cử nhân tại Đại học Houston, Minh sang Úc học ngành y tại Đại học Queensland. Thế nhưng, vào tháng 7/2015, chàng trai trẻ quyết định rời xa nước Mỹ để về Việt Nam làm việc.

Bác sĩ Minh điều trị cho bệnh nhân tại khoa cấp cứu Bệnh viện Gò Vấp – (Ảnh: Hữu Khoa – dẫn qua soha)

Được biết, Minh đã tự chạy xe máy đến nhiều bệnh viện trong thành phố và “đóng vai” người bệnh để quan sát cách tiếp nhận, phục vụ của các nhân viên y tế. Cuối cùng, anh đã lựa chọn Bệnh viện Gò Vấp để làm việc.

Khi nhận được hồ sơ xin việc của Minh, giám đốc bệnh viện vô cùng ngạc nhiên vì thu nhập tại các bệnh viện quận không bằng các bệnh viện tư và càng thấp hơn nhiều so với bác sĩ làm việc tại Mỹ. Thế nhưng, Minh quả quyết mục đích của anh khi chọn nơi làm việc là mong muốn tạo cơ hội nhiều nhất có thể để phục vụ theo những gì mình muốn. Và tất nhiên không có nơi nào tốt hơn để phục vụ chính là quê hương nơi mình được sinh ra.

Bác sĩ khiến bệnh nhân “ngạc nhiên” vì gọi điện hỏi thăm sau khi xuất viện

Anh Phạm Văn Chính, cha của bé P.T.M.A. (3 tuổi) chia sẻ: Sau khi con gái xuất viện được hai ngày, vợ chồng anh nhận được điện thoại của bác sĩ Minh hỏi thăm cháu có ăn uống được không, có bị tiêu chảy không… Điều này khiến anh rất ngạc nhiên vì từ trước tới nay họ chưa từng gặp vị bác sĩ nào làm như thế.

Đôi khi, Minh còn đến tận nhà bệnh nhân để thăm hỏi khi không liên lạc được qua điện thoại.

Một lần, một bệnh nhân nữ bị Zona đến bệnh viện cấp cứu vì quá đau. Sau khi bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện, Minh kê toa thuốc và dặn bệnh nhân không nên uống khi lái xe vì có thể sẽ gây chóng mặt. Dù đã dặn dò cẩn thận, anh vẫn cảm thấy lo lắng nên muốn gọi điện hỏi thăm. Tuy nhiên, khi xem lại hồ sơ bệnh án thì chỉ có địa chỉ bệnh nhân chứ không có số điện thoại, tranh thủ lúc đi làm về, bác sĩ trẻ chạy qua nhà để hỏi xem bệnh nhân có bị chóng mặt không rồi về nhà ngay.

Theo lời kể của Minh, ở Mỹ, sau khi bệnh nhân khám bệnh hoặc xuất viện 3 ngày sẽ có nhân viên bệnh viện gọi điện hỏi thăm sức khỏe người bệnh có tốt hơn không. Các bác sĩ ở Mỹ không trực tiếp thăm hỏi nhưng các bệnh viện ở đó đều có chính sách chăm sóc bệnh nhân rất chu đáo sau khi họ xuất viện.

Về Việt Nam làm việc, Minh nhận ra khoảng cách giữa bác sĩ và bệnh nhân rất lớn, nhất là những người bệnh không có lợi thế về tài chính, trình độ. Minh quan niệm dù bệnh nhân ở địa vị nào thì bác sĩ cũng phải luôn coi họ là trên hết. Mỗi người bệnh mình tiếp xúc đều là một ký ức, một kinh nghiệm trong nghề. Không phải bằng cấp hay trường đại học mà chính bệnh nhân mới là nhân tố chính giúp bác sĩ nâng cao được tay nghề.

Bác sĩ Trần Hoàng Minh có mặt tại trường THPT Nhân Việt chia sẻ “truyền lửa” cho học sinh.

Càng tiếp xúc với các bệnh nhân nghèo nơi quê nhà, Minh càng cảm thấy thương. Vậy nên có thể làm được gì giúp bệnh nhân là anh làm ngay.

Lần nọ, có một bệnh nhân nam bị chấn thương được đưa vào cấp cứu. Lúc bệnh nhân phải đi đóng viện phí nhưng không có người thân đi cùng mà các điều dưỡng đều bận, bác sĩ Minh đã đẩy xe lăn đưa bệnh nhân đi.

Gặp những bệnh nhân già yếu không biết cách đi trong bệnh viện, nếu công việc không quá bận, bác sĩ Minh sẽ dẫn họ tới tận các phòng khoa. Khi thăm hỏi bệnh những bệnh nhân lớn tuổi hơn, Minh luôn bắt đầu bằng từ “Thưa…” rất lễ phép.

Có những ngày không phải ca trực Minh vẫn đến khoa cấp cứu để phục vụ bệnh nhân tự nguyện. Anh cũng luôn có mặt 30 phút trước giờ giao ca để hỗ trợ đồng nghiệp.

Những đêm trực ở bệnh viện, Minh thấy những bệnh nhân già yếu cần một ly nước để uống thuốc nhưng không có người đi mua nước giùm, anh liền xin ý kiến bệnh viện, tự bỏ tiền túi mua một bình nước để trong khoa cho bệnh nhân uống khi cần.

Khi thấy bệnh viện chỉ có cặp nhiệt độ bằng thuỷ ngân, Minh cũng tự mua đồ cặp nhiệt điện tử (có kết quả sau khoảng 5 giây đo nhiệt độ) cho khoa dùng. Anh chia sẻ, cặp nhiệt bằng thủy ngân phải mất vài phút mới lên được nhiệt độ, trong khi cấp cứu cần có kết quả nhanh hơn. 

Các bệnh nhân gặp Minh đều cảm nhận được hình ảnh một bác sĩ rất ân cần và tận tụy. Họ rất cảm động trước tấm lòng của vị bác sĩ trẻ. Còn với những người đồng nghiệp, họ thấy ở Minh một con người khiêm nhường, làm việc tận tâm và đặc biệt luôn trăn trở để điều trị cho bệnh nhân một cách tốt nhất…

Hiện tại, Bác sĩ Trần Hoàng Minh đã định cư tại Việt Nam. Mong rằng tấm lòng tận tuỵ của anh, cách làm việc ân cần của anh sẽ được nhân rộng hơn nữa trong ngành y, để mỗi bệnh nhân khi đến với bệnh viện sẽ phần nào bớt được những nỗi đau đang phải gánh chịu.

Xem thêm: Bác sĩ: hành trình chữa bệnh cho chính mình

videoinfo__video3.dkn.tv||4b87923ab__