Bác sĩ James O’Connell nổi tiếng khắp thành phố Boston và trên toàn nước Mỹ khi là người “chăm sóc” những ai “kém lành mạnh nhất” trong xã hội – người vô gia cư. Ông cũng giúp người ta hiểu được đâu là lòng nhân đạo của nghề y và tình người.

Tiếp theo Phần 1

“Sự nghiệp hoàn hảo”

Sau năm đầu tiên làm việc với những người vô gia cư, O’Connell nói: “Bạn biết gì không? Thật quá khó và quá bực bội để bỏ ngay bây giờ. Tôi cần một năm nữa”.

O’Connell nhận ra mình đã bị cuốn hút và thực lòng quan tâm đến những bệnh nhân bất hạnh này, nhưng ông bị ám ảnh bởi những gì mình và nhiều đồng nghiệp đã từng nghĩ về các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân khốn khó: 

“Chúng tôi nghĩ rằng chỉ có những bác sĩ không có tài năng, không giỏi chuyên môn lắm và không thể có cơ hội làm việc ở bất cứ nơi nào khác mới phải làm việc ở đó. Vì vậy, tôi nhớ rằng mình có một nỗi sợ rất lớn, đó là tôi không muốn ra ngoài kia và chăm sóc cho một cộng đồng những người kém may mắn, để rồi phải chịu điều tiếng trong chính nghề nghiệp của mình”.

(Ảnh: Boston Health Care for the Homeless program)

Tuy nhiên, với một người học ngành y đơn giản vì thôi thúc muốn giúp đỡ người khác như O’Connell, có một điều lớn hơn tất cả: “Tôi luôn mơ ước rằng mình sẽ tìm thấy thứ gì đó khơi dậy những tình cảm lớn lao trong tôi, một điều khiến tôi vui vẻ thật sự. Và ở đây tôi tìm thấy ‘sự nghiệp hoàn hảo’ của mình trong việc giúp đỡ, chăm sóc những người bất hạnh, mặc dù khi tôi bắt đầu làm công việc này, không có con đường chuyên nghiệp thực sự nào hay những học thuật chuyên biệt cho việc chăm sóc những người vô gia cư”. 

Từ đó, ông hợp tác với các bệnh viện hàng đầu của thành phố. Ông đảm bảo sinh viên y khoa luân phiên điều trị cho bệnh nhân khu vực vô gia cư. Ông đã chứng minh rằng điều trị cho bệnh nhân vô gia cư có thể đòi hỏi nhiều kỹ năng và sự khéo léo như bất kỳ chuyên khoa y tế nào khác.

Phòng khám ở bất cứ đâu có bệnh nhân vô gia cư

Các y tá đã dạy O’Connell một điều khác: Nếu bạn chờ đợi những người vô gia cư đến với bạn, bạn sẽ thua “trận chiến”. Vì vậy, ông bắt đầu điều trị bệnh nhân trên đường phố và thiết lập các phòng khám ở bất cứ nơi nào có thể có bệnh nhân vô gia cư: những nơi bạo lực gia đình, cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần, cơ sở cai nghiện, thậm chí là ở một đường đua địa phương.

Hơn thế nữa, trung tâm chăm sóc sức khỏe cho người vô gia cư “Boston Health Care for the Homeless” giờ đây không chỉ gồm một mạng lưới các phòng khám, mà còn có cả một khu phức hợp y tế rộng 77.000 mét vuông bao gồm một nhà thuốc, một phòng khám nha khoa, cũng như một cơ sở chăm sóc dài hạn được gọi là Nhà Barbara McInnis cho bệnh nhân hồi phục sau phẫu thuật và bệnh tật. Nó cũng cung cấp dịch vụ chăm sóc cuối đời, mang lại cho những người vô gia cư một nơi an toàn, trang nghiêm để “ra đi”.

(Ảnh: Boston Health Care for the Homeless program)

Những nỗ lực của tiến sĩ O’Connell và đội ngũ của ông không giới hạn ở Boston. Ông giúp cho trung tâm Dịch vụ Y tế Quốc gia của Anh thiết kế một chương trình tốt hơn để chăm sóc cho những người sống trên đường phố. Ông cũng thường xuyên đến Los Angeles để giúp chính quyền địa phương làm những công việc tương tự ở Skid Row, một khu vực thuộc trung tâm thành phố Los Angeles với một trong những cộng đồng vô gia cư lớn nhất trong cả nước Mỹ.

Tiến sĩ O’Connell là người ủng hộ phong trào “Ngôi nhà đầu tiên” (chính phủ hỗ trợ nhà ở cho người kém may mắn). Ông hoạt động mạnh mẽ để tìm căn hộ cho người vô gia cư, đưa ra nghiên cứu về các yếu tố rủi ro dẫn đến tình trạng người vô gia cư chết sớm nhằm thúc đẩy việc ưu tiên cấp nhà ở trước cho những đối tượng này.

Sự tận tụy và tình yêu thương trở thành “thần dược” 

Mặc dù nhiều người trong chúng ta giật mình hoặc cảnh giác khi gặp phải những người vô gia cư, tiến sĩ O’Connell lại quan tâm đến họ. Ông cười, trò chuyện một cách dễ dàng với những người đàn ông và phụ nữ ngủ dưới cầu hay ở sân ga tàu điện ngầm.

Không hành nghề y theo nghĩa thông thường, tiến sĩ ở độ tuổi trên 60 này đã lái một chiếc xe tải quanh khu vực cộng đồng vô gia cư Pine Street Inn trong vòng hơn 25 năm qua, để tặng thức ăn, chăn mền và dành thời gian chia sẻ với những người sống trên đường phố. Đơn giản vì ông biết rằng nếu những người vô gia cư tin tưởng ông, ông có thể thuyết phục họ chấp nhận chăm sóc y tế từ Boston Health Care (BHC).

bác sĩ chụp hình với Mundo, cậu bé ông đã biết 15 năm. (Ảnh: Debra Bradley Ruder)

Giám đốc y tế của BHC, bà Jessie Gaeta nhớ lại có lần một bệnh nhân mới ở đây đã nhắn tin cho O’Connell khoảng 10 lần trong một ngày để được hỗ trợ, và ông ấy luôn gọi lại cho cô mỗi lần. Bà kể lại: 

“Tôi nhớ mình ngồi trong văn phòng từ lúc 7 giờ sáng vào một ngày trong tuần, cố gắng hết sức để hoàn thành công việc. Tôi nghe thấy Jim O’Connell gọi lại, với giọng nói kiên nhẫn nhất, anh ấy hướng dẫn người phụ nữ kia cách nấu mì spaghetti. Anh đi qua từng bước một, cách làm mì spaghetti và nước sốt. Tôi chỉ ngồi đó mỉm cười với chính mình. Đây là một người không bình thường”.

Ở góc độ cá nhân, bà cho biết: “O’Connell làm cho người khác cảm thấy có giá trị. Anh ấy luôn nhìn vào những gì sẽ học hỏi được từ ai đó. Bạn luôn có cảm giác như bạn có một điều gì đó quan trọng để chia sẻ, cho dù bạn là một bệnh nhân, một đồng nghiệp, hay một nhà lập pháp”.

Bà Joanne Guarino, 60 tuổi, trước đây là một phụ nữ vô gia cư, đã khôi phục giá trị bản thân sau nhiều thập kỷ bị bệnh, nghiện ngập và bị ngược đãi trên đường phố. Bây giờ bà phục vụ cho BHC và trò chuyện với các sinh viên y khoa Harvard. Bà nói về bác sĩ O’Connell: 

“Ông là thiên thần. Ông ấy rất dễ chịu, chân thật. Mọi người ở đây tin tưởng ông, ông ấy biết tên của mọi người. Tình yêu thương của ông tràn ngập trong lòng chúng tôi. Ông ấy sẽ vòng tay ôm những người vô gia cư đến bên ông. Tôi luôn nghĩ về những con rệp giường, nhưng O’Connell thì không. Tôi nghĩ rằng Chúa sẽ luôn bên cạnh ông ấy”.

“Chỉ là một bác sĩ” 

Tiến sĩ O’Connell đã dành gần ba thập kỷ để xây dựng tổ chức này từ 6 nhân viên lên 350 người. Họ bao gồm các bác sĩ, y tá, nha sĩ và bác sĩ tâm thần làm việc toàn thời gian ở hơn 80 địa điểm. O’Connell đã làm nên chương trình lớn nhất của loại hình này ở Hoa Kỳ và là khuôn mẫu cho các chương trình tương tự trên khắp thế giới.

Ông có nhiều bức ảnh của bệnh nhân được chụp trong nhiều năm. Ông thừa nhận rằng chăm sóc người vô gia cư có thể là công việc kiệt sức, nhưng ông xem bệnh nhân như những người hùng đang chiến đấu với hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc đời, và hạnh phúc khi góp phần làm cho cuộc sống của họ trở nên nhẹ nhàng hơn.

(Ảnh: Boston Health Care for the Homeless program)

Tiến sĩ James O’Connell đặc biệt khiêm tốn nhận mình “chỉ là một bác sĩ”, dù được tôn vinh nhiều lần vì những thành tựu của mình, ông được trao giải thưởng Nhân đạo Albert Schweitzer danh giá ở Cambridge. Không chỉ hàng ngàn người vô gia cư đã nhận được những dịch vụ y tế tốt nhất, dưới sự chăm sóc của tiến sĩ O’Connell, việc làm của ông còn dấy lên phong trào quan tâm đến chất lượng sức khỏe của những người kém may mắn ở nước Mỹ nói riêng, và trên toàn thế giới nói chung.

Trải qua một đoạn đường dài với nghề y, triết lý của O’Connell đơn giản là: “Tôi tin rằng những gì chúng tôi làm là cốt lõi của y học: chữa bệnh và cung cấp dịch vụ cho những người kém may mắn, những người cần đến nó nhất”. 

Mặc dù mất nửa đời người để tìm ra điều mình muốn làm, nhưng ông đã trở thành một biểu tượng mạnh mẽ về những gì mà một người với trái tim yêu thương và tấm lòng quan tâm đến người khác có thể làm được.

videoinfo__video3.dkn.tv||89e8fb96c__