Dịch COVID-19 hoành hành, tất cả chúng ta ai cũng buồn, cũng khổ. Nhưng có lẽ khổ nhất vẫn là những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn phải nai lưng, oằn mình kiếm từng ngàn đồng sống qua ngày.

Cậu bé 12 tuổi cõng gạch kiếm 18 ngàn đồng mỗi ngày!

cậu bé trong bức ảnh trên là Sùng Mí Sò (12 tuổi) ở cũng xã với Chở và có hoàn cảnh rất đáng thương.
Chở cho biết cha của Sùng Mí Sò đã mất vì tai nạn, mẹ đi lấy chồng Trung Quốc để lại Sò cùng 2 em của mình cho ông bà nội là ông Sùng Nhìa Vá (60 tuổi) và bà Hờ Thị Sia (61 tuổi) chăm sóc.

Hằng ngày, Sò cùng các em của mình lên nương với ông bà. Khi nào có người thuê đi cõng gạch thì các bé lại đi cõng để kiếm tiền về mua gạo. Nhưng từ tết tới nay, Sò với ông bà của mình phải ăn mèn mén (món ăn làm từ bắp) để sống qua ngày.

Theo đó, một tài khoản mạng xã hội đã chia sẻ những tấm ảnh cậu bé 12 tuổi đang oằn mình cõng gạch lên bản ở lưng chừng núi. Người đăng tải cho biết, quãng đường lên bản khá xa và dốc ngược, xe máy không lên được nên đều phải dùng sức người.
Điều đáng nói là dù mỗi viên gạch nặng khoảng 12kg, nhưng cậu bé chỉ được trả 2.000 đồng/viên. Mỗi ngày cậu bé cõng được 3 chuyến, đồng nghĩa với việc kiếm được 18.000 đồng. Đây là một số tiền khá lớn đối với cậu và gia đình.

ở thôn Sủng Là, có rất nhiều bé 6-7 tuổi đã phải đi cõng gạch để kiếm tiền. Chính bản thân Chở cũng phải đi cõng gạch, cõng đá từ năm cấp 1 để có tiền. Dù làm cả ngày nhưng vẫn không được 20.000 đồng.

Hình ảnh cậu bé 12 tuổi nhưng nhỏ thó, đang oằn mình với 3 viên gạch (khoảng 36kg) trên lưng khiến ai nấy đều xót xa và thương cảm. Công việc nặng nhọc là thế, nhưng số tiền cậu kiếm được chẳng thấm tháp vào đâu so với số tiền chi tiêu hằng ngày của chúng ta.

Bé trai đạp xe 20 km đi bán mướp

Ảnh dẫn qua Facebook.

Bức ảnh trên được tài khoản Thanh Châu Vo chia sẻ trên Facebook cá nhân kèm dòng trạng thái khiến nhiều người rưng rưng:

Trên đường đi về nhà nhìn thấy cảnh này!

Lặng một chút! Bé trai đang kiểm tiền, gương mặt khắc khổ đầy nỗi lo toan. Em cứ đếm đi đếm lại rồi nhẩm tính mà không quan tâm gì đến mọi thứ xung quanh. Mình nhìn thoáng qua đã thấy số tiền em đang cầm là 53.000 ₫!

Mình hỏi nhẹ: – Con ơi,mướp nhiêu tiền một ký con?

Hình như đang mãi theo đuổi với những con số nên bé hông nghe, mình phải hỏi lớn hơn: – Con, mướp này con có bán hông?

Bé giựt mình: – Dạ,6 ngàn 1 ký cô!

– Con ở đâu mà nay bán chỗ này? học lớp mấy rồi?

– Dạ ở Suối Trầu! Học lớp 7, bữa giờ dịch trường cho nghỉ học nên con hái bán kiếm tiền phụ mẹ!

– Trời đất, Suối Trầu xuống đây phải gần 2 chục cây,con đi với ai? Rồi đi bằng gì xuống?

– Dạ đi với anh Hai. Hai con đang bán phía ngoài kia! Tụi con đi xe đạp, chớ giờ dịch bịnh đâu có xe bus đâu cô!

– Sao con hông bán chợ nhỏ ở trển mà xuống tuốt dưới đây?

– Ở trên đó bán rẻ lắm, 4 ngàn một ký mà hông có người mua!

– Giờ cô mua hết để con mau về, tiền thối cô cho con để có thèm gì thì mua ăn. Nhớ kéo khẩu trang che mũi lại nha con!…

Bé con lễ phép nhưng nét khờ khạo, thiệt thà và vẻ sờ sợ khi tiếp xúc với người lạ vẫn còn trên nét mặt! Mình quay đi mà sống mũi thấy cay cay, bé bằng tuổi con mình, lẽ ra tuổi này em phải được vô tư sống đúng với tuổi thơ của mình, chứ không phải nét mặt hằn lên nỗi khắc khổ đầy lo toan như thế…

Bỗng thấy lòng trĩu nặng!…