Thấm thoắt đã 25 năm qua, bà giáo Côi tóc ngày càng bạc, tuổi ngày càng nhiều nhưng tâm huyết của bà đối với những học sinh khuyết tật thì chưa bao giờ phai nhạt. 

Tại Nhà văn hóa khu dân cư số 2 ở phường Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) có một lớp học đặc biệt mang tên “Lớp học Hy Vọng” với học sinh là những đứa trẻ khuyết tật, lang thang cơ nhỡ. Đây là lớp học mà bà Nguyễn Thị Côi (78 tuổi) đã đảm nhiệm suốt 25 năm qua. 

Lớp học này bắt đầu vào lúc 8 giờ 30 phút và kết thúc lúc 10 giờ 30 phút đều đặn từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần. Năm nay, lớp có 24 học sinh, nhỏ nhất là 7 tuổi và lớn nhất đã 35 tuổi. Họ đều là những học sinh khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn đến từ các nơi trong quận Hoàng Mai và Hai Bà Trưng, theo Báo mới.

Tâm huyết với những đứa trẻ kém may mắn

Bà Côi kể, từ năm 1994, khi còn làm Hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai), bà đã tham gia các dự án giáo dục dành cho trẻ em nghèo, trẻ em lang thang cơ nhỡ, khuyết tật, cứ thế cho đến tận bây giờ.

Hồi ấy, bà phải đến từng tổ dân phố, từng xóm trọ lao động ven sông Hồng để khuyến khích phụ huynh cho con đến lớp. Khi ấy nhiều gia đình còn xua đuổi, vì nghĩ để những đứa trẻ đó đi làm kiếm tiền thì tốt hơn. Nhưng bà không bỏ cuộc, vẫn kiên trì thuyết phục gia đình lợi ích của việc được đi học. Nhờ có tâm huyết của bà mà nhiều đứa trẻ đã biết đọc biết viết, có tri thức cơ bản, không bị rơi vào tệ nạn xã hội. 

Bà giáo Nguyễn Thị Côi.

Chia sẻ với PV Dân Trí, khuôn mặt bà giáo rạng rỡ: “Không biết là cái duyên hay cái nghiệp, tên tôi đã mặc định sẵn gắn liền với việc dạy chữ cho trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật. Có những học sinh giờ đây đã có nghề nghiệp ổn định, có người học lên tới đại học, đó là điều hạnh phúc nhất của một bà giáo già như tôi”. 

Học sinh của bà đến từ khắp nơi, mọi hoàn cảnh, nhiều lứa tuổi, không chỉ trẻ em lang thang cơ nhỡ, bà cũng khuyến khích cha mẹ có con cái bị khuyết tật, thiểu năng trí tuệ đưa con đến học miễn phí tại lớp của mình: “Tôi muốn trao cho các cháu một cơ hội được hòa nhập cộng đồng, được học tập và được kết bạn”. 

Người chở cánh buồm hy vọng 

Giáo viên vốn không phải một nghề dễ dàng, dạy trẻ vốn đã khó, giáo dục trẻ khuyết tật lại càng khó hơn. Để uốn nắn, giúp các em học tập kiến thức cũng như hình thành nhân cách, người giáo viên phải thật sự tận tâm cũng như có lòng bao dung, kiên nhẫn rất lớn với con trẻ. 

Bà giáo 78 tuổi cho biết, “Cái khó nhất khi dạy trẻ thiểu năng là các em hầu như không có trí nhớ. Muốn giảng cho các em hiểu, phải giảng nhiều lần”.

Theo báo Nhân Dân, bà Côi chia sẻ các em thường học trước, quên sau, không tập trung suy nghĩ, cho nên với từng em, bà có một giáo án giảng dạy riêng vì nhận thức, trình độ của các em khác nhau, độ tuổi cũng khác nhau. 

Lớp học Hy Vọng.

Ngoài học chữ, học sinh của bà giáo Côi còn được học về kỹ năng sống, về cách ứng xử với mọi người xung quanh, nhường nhịn bạn bè. Học sinh nam được bà dạy cho cách sửa sang đồ dùng trong nhà, hay cách nấu cơm, đi chợ… Còn học sinh nữ khuyết tật học cách vệ sinh thân thể, kèm những bài học về giới tính.

Bà kể, chuyện học sinh la hét do mất kiểm soát hành vi, đập phá đồ đạc trong lớp không phải hiếm, “tuần nào cũng có vài ba buổi học như vậy”. Kéo theo đó là các học sinh khác cũng mất bình tĩnh, em thì gào theo, em lại cười ầm lên. Những lúc đó, bà chia sẻ “người giáo viên phải bình tĩnh, ôm học trò vào lòng, từ từ dỗ dành, nịnh cho ăn kẹo, cho đi chơi… bằng cả tình yêu thương của người bà, người mẹ rồi các em sẽ bình tĩnh lại”. 

Nhiều em trước kia nghịch ngợm, ngỗ ngược nhưng khi được bà giáo giảng giải, chỉ bảo tận tình, “mưa dầm thấm lâu”, cuối cùng, bà đã cảm hóa các em thành người ngoan ngoãn, biết giúp đỡ người khác.

Mong ước của bà giáo già 

Bà Côi cho biết, dạy trẻ khuyết tật vất vả lắm, nhưng bà chưa ngày nào dám nghỉ dạy vì “chỉ lo mình không lên lớp, các em sẽ lười học ngay”.  

“Giáo viên nào cũng mong học trò mình thành đạt, nên người có ích cho xã hội. Nhưng riêng tôi, tôi chỉ mong các trò của mình có thể đọc thông, viết thạo, ý thức được hành vi của mình mà hòa nhập cộng đồng”, bà Côi tâm sự.

Chia sẻ về tương lai, bà nói: “Mong sao cho có sức khỏe để dạy học đến 90, 100 tuổi; cho các em có chỗ dựa, có một nơi đi về và quan trọng hơn là cho chúng được hy vọng vào ngày mai tương sáng hơn như chính cái tên tôi đặt – Lớp học Hy Vọng”.

Cùng chúc cho bà Côi thật nhiều sức khỏe để hoàn thành mong ước của mình: Giúp đỡ nhiều hơn nữa cho những đứa trẻ kém may mắn. Cảm ơn bà, người giáo viên tận tụy không ngại tuổi già, chân tay chậm, ngày ngày vẫn lên lớp để trao hy vọng cho học sinh của mình. 

(Nguồn ảnh: Báo Mới)

Video xem thêm: Vì sao Nguyễn Trãi dạy con: “Áo mặc miễn là cho cật ấm; Cơm ăn chẳng lọ kén mùi ngon”?

videoinfo__video3.dkn.tv||dcf466139__